Đông Kinh Nghĩa Thục không chỉ là giáo dục và văn hóa

Năm 1907, Đông Kinh Nghĩa Thục, một hình thức trường tư hoàn toàn mới đối với nền giáo dục Việt Nam lúc bấy giờ, do các trí thức, sĩ phu khởi xướng và thành lập ở Hà Nội. Chỉ tồn tại trong 9 tháng nhưng nó đã có ảnh hưởng rất lớn, lâu dài đối với giáo dục, văn hóa và cả chính trị Việt Nam.

Từ Khánh Ứng Nghĩa Thục

Minh Trị Duy Tân (1866 - 1869) đã mở đường cho Nhật Bản phong kiến công nghiệp hóa mạnh mẽ, trở thành nước có nền kinh tế tư bản và là một đế quốc mới, giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh với nhà Thanh (1894 - 1895) và Nga (1905). Giáo dục Nhật Bản cũng có những chuyển biến mạnh mẽ theo mô hình phương Tây, chuyển lối giáo dục kinh sử sang khoa học, kỹ thuật, thương mại; tự trị, tự chủ đại học; tư nhân được mở trường.
Khánh Ứng Nghĩa Thục (Keio Gijuku) do Fukuzawa Yukichi (1835 - 1901) - học giả, nhà tư tưởng, linh hồn của Minh Trị duy tân, sáng lập. Khánh Ứng Nghĩa Thục, theo Fukuzawa, sẽ góp phần làm rạng danh cho người Nhật về tính tự cường, ý chí độc lập, óc tháo vát và lòng tự nguyện thiện ích. Trường này lúc đầu chỉ dạy các học viên lớn tuổi, rồi các học viên lớn tuổi này lại dạy cho các học viên nhỏ tuổi hơn. Năm 1874, trường có các lớp "tiểu học" và "trung học". Năm 1890, với sự cộng tác của một số giáo sư Đại học Harvard (Mỹ), trường mở thêm các lớp đại học. Năm 1891, trường mở thêm các lớp học ban đêm dạy các môn thương mại.

 Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục ngày nay. Ảnh: Phạm Hùng

Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục ngày nay. Ảnh: Phạm Hùng

Và từ 1905, trường lại mở thêm một phân khoa chuyên về khoa học kinh doanh ngoài bốn phân khoa đã có sẵn: Kinh tế, chính trị, luật học và văn chương. Khánh Ứng Nghĩa Thục trở thành một "Đại học tư lập" đầu tiên khá hoàn chỉnh ở Nhật Bản.
Minh Trị Duy Tân và Nhật Bản đã trở thành tấm gương cho Việt Nam và các nước “đồng chủng, đồng văn” châu Á noi theo.
Ở Việt Nam, không chỉ có Phan Bội Châu sang Nhật (1905) chủ trương Đông du, mà Phan Chu Trinh (1906) cũng đã sang để tìm hiểu về công cuộc duy tân của Nhật Bản. Một trong những điều các ông tìm hiểu và bị hấp dẫn là mô hình trường học "gijuku" (nghĩa thục - trường tư vì nghĩa) lúc bấy giờ đã phổ biến và có hiệu quả rất tốt ở Nhật Bản.
Đến Đông Kinh Nghĩa Thục
Từ Nhật Bản trở về, hai cụ Phan đã hội kiến với các sĩ phu yêu nước và quyết định mô phỏng Keio Gijuku để thành lập Đông Kinh Nghĩa Thục tại Hà Nội.
Đông Kinh Nghĩa Thục khai giảng vào tháng 3/1907 bởi các sĩ phu yêu nước như Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Lê Đại, Hoàng Tăng Bí, Vũ Hoành... Lương Văn Can được cử làm Thục trưởng (hiệu trưởng), Nguyễn Quyền làm học giám. Trụ sở trường đóng tại số 4 và 10 phố Hàng Đào. Lớp học là các đình, chùa hoặc nhà mượn tư nhân.
Đông Kinh Nghĩa Thục mở những lớp dạy học không thu học phí, hoạt động công khai, hợp pháp để: Bồi dưỡng và nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, chí tiến thủ cho quần chúng; truyền bá tư tưởng học thuật mới và nếp sống văn minh tiến bộ; phối hợp hành động, hỗ trợ cho các phong trào Đông du, Duy tân.
Về tổ chức, Đông Kinh Nghĩa Thục có bốn ban:
Ban Giáo dục lo việc giảng dạy, học tập và chiêu sinh. Học sinh của trường có lúc lên tới 2.000 người, phân làm hai cấp tiểu học và trung học, có lớp ban ngày, lớp ban đêm, được cấp giấy bút, sách vở. Những người quá nghèo được ăn ở ngay trong "ký túc xá" của trường. Các môn học chính là sử, địa, cách trí, vệ sinh, toán pháp, luân lý. Về các môn học tự nhiên, trường dùng sách giáo khoa của các Trường Tiểu học Pháp. Riêng các môn học về xã hội như sử, địa, luân lý... thì nhà trường tự soạn lấy.
Ban Cổ động tuyên truyền ảnh hưởng của trường, lịch sử dân tộc, cổ động tinh thần yêu nước, xây dựng nếp sống văn minh, bài trừ hủ tục dưới hình thức diễn thuyết, bình văn.
Ban Trước tác, biên soạn tài liệu học tập, tài liệu tuyên truyền. Trường đã soạn và in được một số sách giáo khoa, tài liệu như Quốc dân độc bản, Nam quốc giai sự, Nam quốc địa dư, Quốc văn giáo khoa thư, Luân lý giáo khoa thư, Bài ca về địa dư và lịch sử nước nhà… Riêng cuốn Quốc dân độc bản (sách cho người trong nước đọc) được in lại nhiều lần tới hàng vạn bản mà vẫn thiếu. Ngoài ra trường còn mua về các sách xuất bản ở Trung Quốc và Nhật Bản như Trung Quốc hồn, Vạn quốc sử ký, Doanh hoàn chí lược...
Ban Tài chính lo về các khoản thu chi của nhà trường. Lúc đầu hầu như không có nhưng về sau nhờ các nhà hảo tâm nên tài chính của trường khá dư dả, có để trả lương cho giáo viên, mua giấy bút - in ấn sách báo tài liệu…
Trường còn xuất bản báo Đại Việt tân báo, thành lập thư viện, hòm thư trưng cầu ý kiến Nhân dân…
Đông Kinh Nghĩa Thục chủ trương đổi mới về đối tượng, mục đích và phương pháp giáo dục. Đối tượng là số đông dân chúng, mục tiêu là khai dân trí, giáo dục bắt buộc, trang bị kiến thức để trở thành công dân chứ không phải đào tạo quan lại. Trường kiên quyết chống hủ nho, dạy chữ quốc ngữ và các kiến thức mới về chính trị, kinh tế - xã hội và khoa học kỹ thuật thiết thực, học không vì bằng cấp mà để có kiến thức “làm người”. Trường đã gửi đơn lên Phủ Thống sứ yêu cầu bài bỏ khoa cử và thi hành một chương trình thực học.
Trường còn có nhiều phối hợp với các phong trào Đông du, Duy Tân...; ủng hộ, vận động và tuyển chọn sinh viên cho Đông Du, riêng thục trưởng Lương Văn Can đã gửi hai con là Lương Lập Nham và Lương Nghị Khanh đông du.
Trường thực hiện những hoạt động nhằm chấn hưng kinh tế, phát triển công thương nghiệp bằng cách mở các hiệu buôn Đồng Lợi Tế, Tụỵ Phương, mở Công ty Đông Thành Xương, thúc đẩy việc thành lập các Công ty Quảng Hưng Long, Hồng Tân Hưng, Nghiêm Xuân Quảng, Đồng Ích...
Hiệu ứng Nghĩa thục
Đông Kinh Nghĩa Thục thành lập chưa được bao lâu thì sự ảnh hưởng tư tưởng và mô hình nghĩa thục đã lan rộng ra nhiều địa phương. Nhiều nhân vật nổi tiếng, có cả Phan Chu Trinh, đã diễn thuyết, phổ biến về tư tưởng yêu nước, về duy tân… ở Đông Kinh Nghĩa Thục và nhiều địa bàn khác. Ở nhiều nơi đã tiến hành thành lập các trường theo mô hình Đông Kinh Nghĩa Thục. Hà Đông có 3 phân hiệu; ở Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên có các lớp học hoặc tổ chức diễn thuyết, bình văn theo kiểu Đông Kinh Nghĩa Thục. Ở Thái Bình, các huyện Kiến Xương, Tiền Hải, Đông Hưng, Hưng Hà, Quỳnh Phụ đều có "Nghĩa thục". Các nhà nho ở đây cũng tổ chức ra các cơ sở kinh doanh công thương nghiệp, lấy tiền xây dựng phong trào và ủng hộ cho những người xuất dương du học.
Tinh thần "Nghĩa thục" lan rộng vào cả các tỉnh ở Trung Kỳ. Có Trường Võ Liệt ở huyện Thanh Chương (Nghệ An), Trường Dục Thanh ở Phan Thiết là những cơ sở giáo dục theo mô hình nghĩa thục. Nhưng ở miền Trung, nó hòa nhập với phong trào Duy Tân, được phát động từ những năm 1903 - 1904 và phát triển đỉnh cao đúng vào những năm 1907 - 1908. Đông Kinh Nghĩa Thục và phong trào Duy Tân đều hướng tới Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh; đều có thủ lĩnh tinh thần là Phan Chu Trinh. Tuy nhiên, ở đây, do ảnh hưởng của Đông Kinh Nghĩa Thục mà có mở rộng thêm kinh doanh như phát triển Công ty Phương Lâu ở Thanh Hóa, lập ra Triêu Dương thương quán ở Vinh, Quảng Nam Công ty, Liên Thành Công ty. Hoạt động bên cạnh các "công ty" này là các hội, đoàn yêu nước như hội học, hội nông, hội ái hữu...
Ở Nam Kỳ, do là vùng thuộc địa của Pháp nên ảnh hưởng của Đông Kinh Nghĩa Thục khó khăn hơn. Tuy nhiên, sĩ phu, trí thức ở đây đã hưởng ứng trường này bằng cách cổ vũ cho phong trào và tiếp tục thúc đẩy phong trào Đông du.
Đông Kinh Nghĩa Thục không chỉ là một cuộc đổi mới giáo dục, văn hóa mà còn đến mục tiêu giành độc lập dân tộc bằng một tư tưởng và một nền chính trị mới. Vì vậy, thực dân Pháp đã nhanh chóng tìm cách dập tắt và đến tháng 11/1907 thì ra lệnh đóng cửa nhà trường, tịch thu hết sách vở, tài liệu, đồ dùng của nhà trường, sau hơn 9 tháng tồn tại.

Thời gian hoạt động rất ngắn nhưng Đông Kinh Nghĩa Thục đánh dấu sự chuyển biến tư tưởng của tầng lớp sĩ phu yêu nước, công phá vào hệ tư tưởng cũ lạc hậu, bất lực, tạo ra nhiều cái mới cho văn hóa, giáo dục và chính trị Việt Nam đầu thế kỷ XX. Tinh thần, tư tưởng của Đông Kinh Nghĩa Thục vẫn còn giá trị cho đến tận ngày nay.

Vĩnh Khánh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thong-diep-tu-lich-su-dong-kinh-nghia-thuc-khong-chi-la-giao-duc-va-van-hoa-414775.html