Dòng họ di sản ở đất Hà Tĩnh

Hà Tĩnh là vùng đất nổi tiếng với truyền thống hiếu học, khoa cử qua nhiều thế hệ. Dòng họ Nguyễn Huy ở làng Trường Lưu, xã Kim Song Trường (huyện Can Lộc) góp phần làm rạng danh truyền thống ấy.

Nhà thờ dòng họ Nguyễn Huy tại làng Trường Lưu, xã Kim Song Trường (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh).

Nhà thờ dòng họ Nguyễn Huy tại làng Trường Lưu, xã Kim Song Trường (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh).

Đây là dòng họ thuần nông nhưng có đến 11 di tích văn hóa. Trong đó có 3 di tích cấp tỉnh, 3 di tích cấp quốc gia. Đặc biệt, hai di sản của dòng họ này được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới.

Dòng họ nức tiếng khoa cử

GS.VS Nguyễn Huy Mỹ - người luôn tâm huyết với di sản của dòng họ.

Từ nhiều đời nay, dòng họ của Nguyễn Huy – Trường Lưu là nơi đã sản sinh, trao truyền được nhiều giá trị văn hóa tiêu biểu, đóng góp xứng đáng vào hệ thống di sản văn hóa của đất nước.

Đó là những danh nhân văn hóa, những hiền tài của dân tộc mà sự nghiệp sẽ còn lưu danh như: Nguyễn Huy Tựu, Nguyễn Huy Oánh (1713 - 1789), Nguyễn Huy Quýnh (1734 - 1785), Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ…

“Viễn Tổ của dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu - Hà Tĩnh là Nguyễn Uyên Hậu, đậu Ngũ kinh, làm quan dạy học ở Quốc Tử Giám. Ông về miền La Giang - La Thạch - Hà Tĩnh lập làng Tràng Lưu vào giữa thế kỷ 15 đời Lê. Về sau người ta quen đọc thành Trường Lưu. Đến thời thứ 9 mới xuất hiện chữ Huy trong dòng họ Nguyễn Huy”, ông Nguyễn Huy Lý - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Trường Lộc (nay là xã Kim Song Trường), Chủ tịch Hội đồng gia tộc Nguyễn Huy giới thiệu về gia phả họ tộc.

Theo ông Nguyễn Huy Lý, phương châm của dòng họ là lấy chữ trồng người. Từ bao đời nay, sự nghiệp lớn nhất, cũng chính là đóng góp lớn nhất của dòng họ Nguyễn Trường Lưu là dạy học và trước tác.

Viễn tổ Nguyễn Uyên Hậu vốn một nhà giáo, làm Minh kinh bác sĩ tại kinh thành Thăng Long. Con cháu ông về sau nhiều người đã theo nghiệp ông và đã có nhiều người nổi tiếng khắp cả nước. Nguyễn Hàm Hằng dạy ở Quốc Tử Giám, Nguyễn Huy Tá làm đốc học Bắc Ninh, sau chuyển về dạy ở Quốc Tử Giám. Nguyễn Thừa Tổ, Nguyễn Huy Vinh dạy học tại quê nhà.

Tuy nhiên khi nhắc tới sự nghiệp dạy học của dòng họ Nguyễn Tràng Lưu thì người đáng chú ý nhất chính là Thám hoa Nguyễn Huy Oánh – đời thứ 10 của dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu.

“Hoàng Hoa sứ trình đồ” – một trong hai “bảo vật” của dòng họ Nguyễn Huy được công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới.

Nguyễn Huy Oánh, làm quan dưới triều Lê - Trịnh và trải qua nhiều chức vụ quan trọng, có nhiều đóng góp cho ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Hoa thế kỷ 18. Ông chính là thầy của chúa Trịnh Sâm và nhiều vương tôn, công tử và danh sĩ đất Thăng Long.

Sau khi ông về quê, sự nghiệp dạy học của ông vẫn được tiếp tục. Ông lập một trường học ở quê nhà có tên là Tràng Lưu học hiệu. Trường học này về sau được đánh giá là một trường có thư viện đầy đủ không thua kém những trường học tầm cỡ tại Thăng Long. Ông được tôn là Trường Lưu tiên sinh, đào tạo lần lượt trên 30 tiến sĩ.

Chỉ vào những bức trướng tại từ đường họ Nguyễn – nơi thờ tự Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, ông Lý cho biết, đây là những bức trướng mừng của các học sinh đậu đại khoa đã thụ giáo cụ. Dưới bức trướng có ký tên của 23 tiến sĩ và một hoàng giáp, trong đó có nhiều tên tuổi quen thuộc với cả nước như: Trương Đăng Quỹ, Nguyễn Huy Lịch, Phạm Nguyễn Du, Phạm Quý Thích...

Cùng với họ Nguyễn Tiên Điền thì họ Nguyễn Tràng Lưu là một cự tộc về trước tác. Về sự nghiệp trước tác của dòng họ Nguyễn Tràng Lưu tiêu biểu có Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ, Nguyễn Huy Vinh.

Kế thừa truyền thống của dòng họ, trải qua 20 đời, dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu có gần 40 viện sĩ, giáo sư, tiến sĩ đầu ngành. Tại quê hương Trường Lưu, việc “lấy chữ trồng người” vẫn được con cháu nhắc nhở nhau như một phần hồn cốt của dòng họ.

“Thế hệ chúng tôi luôn tự hào và ý thức được việc gìn giữ, phát huy truyền thống của dòng họ. Kế thừa truyền thống của dòng họ, hiện nay dòng họ Nguyễn Huy có nhiều giáo sư, viện sĩ, tiến sĩ... đầu ngành đang dạy học ở các ngôi trường danh tiếng trong và ngoài nước. Là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ trong dòng họ, đồng thời thể hiện trách nhiệm, đóng góp của con em họ Nguyễn Huy trong sự phát triển của đất nước”, ông Nguyễn Huy Lý tự hào nói.

Đặc biệt, việc khuyến học, khuyến tài cho thế hệ trẻ luôn được chú trọng. Trong 45 chi phái của dòng họ thì chi nào cũng có quỹ khuyến học. Đây là nguồn quỹ để hỗ trợ, động viên các cháu có hoàn cảnh khó khăn cũng như đỗ đạt. Khuyến học trở thành nét truyền thống của dòng họ Nguyễn Huy từ bao đời nay.

Hành trình đưa di sản dòng họ ra thế giới

Mộc bản Trường Lưu.

Dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu hiện có 11 di tích văn hóa, trong đó có 3 di tích cấp tỉnh, 3 di tích cấp quốc gia. Đặc biệt, hai di sản của dòng họ này được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới.

Năm 2016, “Mộc bản trường học Phúc Giang” còn gọi là Mộc bản Trường Lưu của dòng họ Nguyễn Huy được công nhận là di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là khối mộc bản duy nhất, cổ nhất về giáo dục của một dòng họ còn lưu giữ được ở Việt Nam.

2 năm sau, trước tác “Hoàng Hoa sứ trình đồ” của Nguyễn Huy Oánh, một di sản khác của dòng họ Nguyễn Huy tiếp tục được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới.

Việc UNESCO công nhận hai di sản của dòng họ Nguyễn Huy là Di sản tư liệu ký ức thế giới một lần nữa đã khẳng định truyền thống hiếu học của người dân Hà Tĩnh cũng như những tinh hoa bác học đỉnh cao của dòng họ Nguyễn Huy để lại cho hậu thế.

Mộc bản Trường Lưu của họ Nguyễn Huy là một trong số di sản mộc bản phong phú, thể hiện truyền thống hiếu học và diện mạo văn hiến mang tính khu vực của xứ Nghệ.

Thời gian về chịu tang mẹ (1775 - 1777) ở quê nhà, Nguyễn Huy Oánh bắt tay gây dựng kho sách trong trang viên dòng họ bên bờ sông Phúc Giang và sau khi ông rời chốn quan trường về quê thì Phúc Giang Thư viện chính thức đi vào hoạt động.

Thư viện còn lưu giữ các trước tác của ông và nhiều sách của bạn bè, thầy trò dành cho việc nghiên cứu, dạy và học tập ở trường Trường Lưu học hiệu. Nhiều sách và công trình, tác phẩm quý của Thư viện Phúc Giang đã được cụ Thám hoa và dòng họ cho khắc in (mộc bản) để nhân bản phục vụ cho việc dạy học và lưu trữ lâu dài.

Mộc bản Trường Lưu được khắc từ năm 1758 đến 1788, gắn với 3 thế hệ cha con, ông cháu, anh em gồm 5 danh nhân: Nguyễn Huy Tựu, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Cự, Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Tự.

Đây là khối mộc bản được khắc chữ Hán ngược để in 3 tập sách giáo khoa kinh điển về Nho giáo (gồm 12 quyển): “Tính lý toản yếu đại toàn”, “Ngũ kinh toản yếu đại toàn” và “Thư viện quy lệ” phục vụ cho việc dạy và học tại trường học Phúc Giang.

Mỗi mặt mộc bản có khoảng 18 - 20 hàng theo chiều ngang tấm gỗ. Chiều dài mỗi tấm gỗ mộc bản bằng kích cỡ trang giấy 30cm, rộng 20cm, dày 2cm, được làm từ gỗ cây thị, một loại gỗ có độ dai, mềm và bền cao nên mới lưu giữ được đến ngày nay. Đáng lưu ý, mộc bản Trường Lưu có nội dung chủ yếu là sách kinh điển của Nho gia nhưng được chọn lọc, làm mới dựa trên sự kết hợp với vốn hiểu biết của người biên soạn.

Trong nhiều năm qua, chính quyền địa phương đã tổ chức giới thiệu, quảng bá di sản tư liệu thế giới đến người dân và du khách.

“Vốn dĩ mộc bản Trường Lưu gồm hơn 2.000 bản gỗ nhưng trải qua nhiều biến cố, đến nay tại kho Phúc giang Thư viện của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh còn lưu giữ 394 bản, trong đó trọn vẹn 379 bản là 12 tập sách Nho gia”, GS.VS Nguyễn Huy Mỹ, hậu duệ đời thứ 16 của dòng họ Nguyễn Huy cho biết.

Vượt khỏi khuôn khổ của một dòng họ, hệ thống văn bản của mộc bản Trường Lưu đã được UNESCO đánh giá là có tính giáo dục cao, chứa đựng nhiều thông tin phong phú, đa dạng, có nhiều vấn đề liên quan đến giá trị lịch sử, văn hóa cổ của dân tộc.

Năm 2018, trước tác “Hoành Hoa sứ trình đô” của Nguyễn Huy Oánh tiếp tục được GS.VS Nguyễn Huy Mỹ bảo vệ thành công, ghi danh vào danh mục Di sản tư liệu Ký ức Thế giới.

“Hoàng Hoa sứ trình đồ” là di sản tư liệu đầy ắp thông tin về chuyến đi sứ Trung Hoa của các sứ thần Việt Nam năm 1766 - 1767, vì sách chưa được khắc in nên chưa được nhiều người biết tới.

Cuốn sách có kích thước 30cm x 20cm, dày 2 cm được in trên bản mộc giấy dó, sách bao gồm bảy phần, trong đó phần chính là bản đồ hành trình gồm 204 trang ghi chép cụ thể và miêu tả về thiên nhiên, con người, thành, làng, các di tích, danh thắng, các hoạt động giao tiếp của sứ bộ với dân và chính quyền.

“Hoàng Hoa sứ trình đồ” hiện được lưu giữ là bản chép tay duy nhất còn tồn tại của tác phẩm này. Nó được con cháu dòng họ Nguyễn Huy lưu giữ tại tư gia ở làng Trường Lưu. Sách này bao gồm các bản đồ được vẽ với ba loại màu trên giấy dó cùng các lời chữ bằng chữ Hán.

Trong đó thể hiện các bản đồ ghi chép với nhiều hình ảnh, thông tin phong phú, quý hiếm về hành trình đi sứ của sứ thần Đại Việt thế kỷ 18 do Nguyễn Huy Oánh biên tập, hiệu đính và chú thích trong các năm 1765 - 1768 từ các tài liệu của nhiều thế hệ đi sứ trước, đồng thời bổ sung thêm các chi tiết liên quan chuyến đi năm 1766 - 1767 do ông làm Chánh sứ.

Tâm huyết với di sản tinh thần của dòng họ, GS.VS Nguyễn Huy Mỹ, hậu duệ đời thứ 16 của dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu đã dành hết nỗ lực và cống hiến của mình để thực hiện ý nguyện làm rạng danh di sản văn hóa quê hương.

Ròng rã hàng chục năm trời, ông đã lặn lội sưu tầm hiện vật, tư liệu lịch sử, phối hợp trong công tác xuất bản những chứng cứ khoa học có giá trị để đưa “Hoàng Hoa sứ trình đồ” ra mắt với công chúng đến với thế giới.

Vượt qua sự đánh giá khắt khe của các cơ quan chuyên môn của UNESCO, nhờ những giá trị văn hóa đặc sắc, công tác chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ “Hoàng Hoa sứ trình đồ” đã giành được số phiếu tối đa và ghi tên vào danh mục Di sản tư liệu thế giới của UNESCO.

GS.VS Nguyễn Huy Mỹ cho biết: “Trải qua hàng trăm năm, những đóng góp của dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu đối với văn hóa, lịch sử của dân tộc đã và đang được các thế hệ hậu duệ bảo tồn và phát huy. Hiện nay, chúng tôi cũng tích cực phối hợp với chính quyền các cấp, tiến hành lập quy hoạch xây dựng làng văn hóa Trường Lưu nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của làng và dòng họ Nguyễn Huy”.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/dong-ho-di-san-o-dat-ha-tinh-TlYKDPLMg.html