Đồng hồ đếm ngược: Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ 'câu giờ' với Tổng thống Trump, âm thầm chờ lấy S-400 từ Nga

Sự lạc quan về khả năng ngăn chặn khủng hoảng S-400 đã hồi sinh sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hôm 29/5.

Hai nhà lãnh đạo Nga-Thổ đã có cuộc điện đàm liên quan đến S-400.

Hai nhà lãnh đạo Nga-Thổ đã có cuộc điện đàm liên quan đến S-400.

Cuộc gọi được hai nhà lãnh đạo thực hiện trong bối cảnh Washington đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với đồng minh NATO xoay quanh việc mua hệ thống phòng không tiên tiến từ Nga.

Washington nói rằng S-400 có nguy cơ làm lộ bí mật các hệ thống phòng thủ của NATO, đặc biệt là máy bay chiến đấu F-35 mới nhất của Mỹ. Trong cuộc nói chuyện với Tổng thống Trump, ông Erdogan đã tìm cách xóa tan những lo ngại trên.

"Tổng thống đã nhắc lại một đề nghị trước đó về việc thành lập nhóm làm việc chung giải quyết thỏa thuận mua hệ thống phòng thủ S-400 từ Liên bang Nga", Fahrettin Altun, người phát ngôn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói.

Ankara khẳng định các bước đi này có thể được thực hiện để đảm bảo S-400 không ảnh hưởng đến an ninh của NATO. Các quan chức Mỹ đã tỏ ra hoài nghi về những tuyên bố như vậy, nhưng cả hai Tổng thống dường như cam kết sẽ đối thoại cùng nhau.

Judd Deere, Phó Thư ký Báo chí Nhà Trắng cho biết, cuộc điện đàm đã nói về "kế hoạch mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ và cơ hội tiếp tục thảo luận trong hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Osaka, Nhật Bản vào tháng tới”.

"Một số nguồn tin Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, chính quyền Erdogan vẫn tin tưởng vào việc ông Trump sẽ bác bỏ ngay cả khi Quốc hội áp đặt các biện pháp trừng phạt", nhà phân tích Atilla Yesilada từ Global Source Partners, một công ty tư vấn quản lý kinh doanh cho biết.

Tổng thống Erdogan vẫn được biết đến là người đã tạo dựng mối quan hệ thân thiết với người đồng cấp Trump ngay cả khi quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ xấu đi trong thời gian qua.

Các nhà quan sát chỉ ra, trong khi ông Trump thường xuyên chỉ trích gay gắt các đồng minh phương Tây, ông hiếm khi công khai công kích ông Erdogan, mặc dù có sự khác biệt ngày càng tăng giữa các quốc gia.

Trong một động thái được nhiều người coi là một cử chỉ thiện chí của ông Erdogan đối với ông Trump, công dân Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ Serkan Golge đã được trả tự do sau cuộc điện đàm.

Golge là một nhà khoa học của NASA, người đã bị giam giữ gần ba năm trước với cáo buộc liên quan đến cuộc đảo chính thất bại năm 2016. Washington đã nhiều lần yêu cầu thả Golge, gọi cáo buộc của Ankara là vô lý.

Đồng hồ đếm ngược

Tuy nhiên, với việc hệ thống S-400 sẽ được chuyển giao vào đầu tháng tới, thời gian có thể sắp hết cho một giải pháp giữa hai nước. "Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đối mặt với những hậu quả rất thực tế và rất tiêu cực, nếu nước này hoàn thành việc chuyển giao hệ thống phòng thủ S-400", người phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho biết hôm 29/5.

Mối đe dọa từ các lệnh trừng phạt của Mỹ đang đè nặng lên thị trường tài chính Thổ Nhĩ Kỳ.

Một số nhà phân tích cho rằng Tổng thống Erdogan có thể tìm được giải pháp kịp thời bằng cách trì hoãn bất kỳ cuộc khủng hoảng tiềm năng nào cho đến sau ngày 23/6, thời điểm cuộc bầu cử thị trưởng Istanbul diễn ra.

Cuộc bầu cử này được coi là then chốt đối với ông Erdogan sau khi đảng AKP của ông thất bại bất ngờ trong cuộc bỏ phiếu tháng 3 ở Istanbul.

Hệ thống phòng không S-400.

Theo giới quan sát, ông Erdogan đang tính toán để mọi biện pháp chống lại Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến S-400 sẽ bị trì hoãn cho đến cuộc họp G-20, được ấn định từ ngày 28-29/6.

Trong một động thái khác, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar tuần này cho biết S-400 "có thể không được giao vào tháng 6, nhưng chúng sẽ đến vào tháng sau".

Về phần mình, phát ngôn viên của Tổng thống Nga Dmitry Peskov khẳng định thỏa thuận S-400 sẽ không thay đổi. "Việc giao hàng sẽ được thực hiện sớm hơn dự kiến ban đầu, theo yêu cầu của phía Thổ Nhĩ Kỳ". Ban đầu, tháng 7 là ngày giao hẹn giữa hai nước.

Mối quan hệ với Nga

Thỏa thuận S-400 không chỉ là biểu tượng cho sự hợp tác sâu sắc giữa Moscow và Ankara, mà còn là sự mất lòng tin của Thổ Nhĩ Kỳ đối với các đồng minh phương Tây, đặc biệt từ sau cuộc đảo chính năm 2016 thất bại.

"Sự lựa chọn hệ thống của Nga là một cử chỉ chính trị của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đối với Nga", chuyên gia về quan hệ quốc tế Huseyin Bagci thuộc Đại học Kỹ thuật Trung Đông của Ankara cho biết. “Bởi vì Nga là một trong những quốc gia đầu tiên ủng hộ Ankara trong cuộc đảo chính. Vẫn còn nhiều người trong chính quyền Erdogan tin rằng cuộc đảo chính là do người Mỹ đứng sau".

"Tổng thống Nga Vladimir Putin coi việc bán tên lửa S-400 là một cơ hội chiến lược để đẩy Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi vòng tay các đối tác phương Tây", một nhà phân tích Nga giấu tên nhận định.

"Nhưng ông Putin chỉ đặt ra cơ hội 50-50 về việc thỏa thuận S-400 sẽ được ký kết", nhà phân tích nói thêm. "Không có khả năng sẽ có bất kỳ hậu quả lớn nào nếu ông Erdogan hủy bỏ hợp đồng. Đối với Putin, hợp tác năng lượng quan trọng hơn".

Thổ Nhĩ Kỳ được coi là tuyến đường trung chuyển quan trọng đối với khí đốt của Nga và các đường ống chính đang được xây dựng ở quốc gia này cùng với một nhà máy điện hạt nhân do Nga kết hợp xây dựng.

Ankara khẳng định không có sự lùi bước trong việc mua tên lửa S-400, nhưng các nhà phân tích cho rằng Tổng thống Erdogan rất có thể sẽ tiếp tục thực hiện một hành động cân bằng ngoại giao cẩn thận, ít nhất là tránh mọi cuộc thách đấu với Washington cho đến khi cuộc bỏ phiếu ở Istanbul kết thúc.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dong-ho-dem-nguoc-tho-nhi-ky-bat-ngo-cau-gio-voi-tong-thong-trump-am-tham-cho-lay-s-400-tu-nga-a436171.html