Đồng hành vì chất lượng sống

Những năm gần đây, hoạt động của tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến rõ nét, thu hút, tập hợp đoàn viên, người lao động tích cực thi đua lao động sản xuất, kinh doanh, góp phần vào sự phát triển chung của doanh nghiệp.

Chăm lo cho người lao động

Thôn Bầu (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội), nơi có hàng nghìn công nhân làm việc trong khu công nghiệp Thăng Long đang ở trọ và sinh sống, chỉ có chợ Mun với quy mô nhỏ cùng với một vài điểm bán hàng di động. Dù cũng có đủ các mặt hàng phục vụ nhu cầu tối thiểu như quần áo, giầy dép, lương thực, thực phẩm song chưa thể khiến công nhân an tâm về chất lượng, nhất là về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Công nhân mua sắm tại siêu thị mini của Công ty TNHH Canon Việt Nam.

Công nhân mua sắm tại siêu thị mini của Công ty TNHH Canon Việt Nam.

Để giúp công nhân giải tỏa nỗi lo ấy, Công đoàn của nhiều công ty đã vận động chủ doanh nghiệp dành một góc trong khuôn viên nhà máy để xây dựng siêu thị mini bán các mặt hàng thiết yếu cho công nhân.

Trong số đó có thể kể tới siêu thị mini của Công ty TNHH Canon Việt Nam, nơi đây hiện đang bày bán hơn 200 mặt hàng thiết yếu. Tất cả các mặt hàng được bày bán đã được kiểm tra chất lượng, nhà cung cấp cũng cam kết bán giá thấp hơn thị trường ít nhất 15%. Để đảm bảo sức khỏe cho công nhân, Công đoàn công ty thường xuyên đi kiểm tra các mặt hàng và nhắc nhở nhân viên siêu thị phải chú trọng đến chất lượng, không chạy theo lợi nhuận.

Theo Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Ðinh Quốc Toản, hoạt động của công đoàn trong doanh nghiệp thời gian qua đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Với phương châm sâu sát, chăm lo vì lợi ích đoàn viên, Công đoàn đã phát huy được vai trò trong việc nắm bắt và phản ánh, giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quan hệ giữa người lao động và chủ doanh nghiệp.

Thông qua công tác phối hợp giữa doanh nghiệp và công đoàn, các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước có liên quan trực tiếp đến người lao động được phổ biến kịp thời đến người lao động.

Qua đó tạo cảm giác yên tâm cho công nhân khi sử dụng các mặt hàng bán trong siêu thị. Chị Nguyễn Thúy Hòa (quê Hà Giang), vừa hết ca làm việc, rẽ vào siêu thị của Công ty TNHH Canon Việt Nam mua sắm ít đồ dùng cho gia đình. Chị mua chai nước mắm truyền thống loại 500ml, 35 độ đạm chỉ 50.000 đồng, kèm quà tặng là một chiếc bát thủy tinh.

Chị cũng mua 5 kg gạo, 1 chai dầu ăn và thùng sữa tươi, tính ra tiết kiệm được gần 50.000 đồng so với việc mua từ bên ngoài. “Siêu thị bán hàng chất lượng nên ai cũng vui. Mỗi sản phẩm rẻ hơn năm đến mười ngàn đồng so với bên ngoài. Năm đến mười ngàn đồng, con số không lớn nhưng đối với công nhân xa nhà như mình tiết kiệm đồng nào hay đồng đó”, chị Hòa tâm sự.

Theo chị Phạm Lan Hương, cán bộ truyền thông nội bộ của Công ty TNHH Canon Việt Nam, siêu thị mini ra đời là sự nỗ lực rất lớn của Công đoàn công ty nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công nhân công ty được “đi chợ” có chất lượng và gần. Bên cạnh đó, cán bộ Công đoàn công ty còn thường xuyên khảo sát, tiếp nhận ý kiến đóng góp của công nhân để bổ sung hàng hóa vào siêu thị cho phù hợp nhu cầu.

“Công đoàn công ty còn thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền về sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới, nuôi con bằng sữa mẹ cho nữ công nhân; kiến nghị chủ doanh nghiệp lắp đặt cabin vắt sữa và trang bị tủ chuyên dụng để chị em đang cho con bú bảo quản sữa mẹ”, chị Phạm Lan Hương cho biết thêm.

Đồng hành vì sự phát triển bền vững

Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp phải quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho Công đoàn thực hiện chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, đồng thời đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở.

Ngược lại, doanh nghiệp cũng đạt được những lợi ích cơ bản khi có tổ chức Công đoàn cùng đồng hành. Bởi Công đoàn là một kênh rất quan trọng, “trung tâm hòa giải” để từ đó, có thể phòng ngừa được khiếu nại, tranh chấp lao động và đình công, tránh thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp. Đây là vấn đề vừa mang lại lợi ích trước mắt, vừa mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp.

Ông Yamazaki Takayuki, Tổng Giám đốc Công ty TNHH SWCC SHOWA Việt Nam chia sẻ: Người lao động là lực lượng chính giúp tạo ra lợi nhuận và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Do đó, việc quan tâm đến người lao động cũng chính là quan tâm đến lợi ích của chúng tôi. Công đoàn đang giúp chúng tôi hiểu hơn về người lao động của mình, đồng thời chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động.

Với đặc thù hoạt động sản xuất trong môi trường nặng nhọc nên Công đoàn Công ty TNHH điện Stanley Việt Nam (xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội) luôn quan tâm phối hợp với Ban lãnh đạo công ty chăm lo đến sức khỏe của người lao động. Công ty chú trọng xây dựng môi trường làm việc theo nguyên tắc 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng).

Ngoài việc trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, công ty còn tổ chức khám sức khỏe định kỳ, mời các chuyên gia đến tập huấn, nâng cao kiến thức an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ cho công nhân. Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ phụ cấp độc hại, tiền ăn trưa, xăng xe đi lại giúp cho người lao động yên tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp lâu dài.

Tại Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam (khu công nghiệp Nội Bài, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội), Công đoàn đã tích cực vận động chủ doanh nghiệp nâng cao chế độ bữa ăn ca lên mức 25.000 - 27.000 đồng/suất. Từ đó, giúp người lao động có bữa ăn ngon hơn, đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng. Công đoàn còn xây dựng thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi hơn cho người lao động.

“Việc phát huy hiệu quả mối quan hệ phối hợp giữa doanh nghiệp và công đoàn trong thời gian qua đã giúp cho đời sống công nhân được nâng cao, từ đó hoạt động của chủ doanh nghiệp cũng như công đoàn ngày càng khởi sắc, mang lại hiệu quả cao”, ông Đinh Quang Dương, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam khẳng định.

Theo Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Ðinh Quốc Toản, hoạt động của công đoàn trong doanh nghiệp thời gian qua đã có nhiều chuyển biến rõ nét.

Với phương châm sâu sát, chăm lo vì lợi ích đoàn viên, Công đoàn đã phát huy được vai trò trong việc nắm bắt và phản ánh, giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quan hệ giữa người lao động và chủ doanh nghiệp. Thông qua công tác phối hợp giữa doanh nghiệp và công đoàn, các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước có liên quan trực tiếp đến người lao động được phổ biến kịp thời đến người lao động.

“Thực tế cũng đã có rất nhiều đoàn viên công đoàn đóng góp sáng kiến, sáng tạo, cải tiến kỹ thuật của mình thông qua các phong trào thi đua do tổ chức công đoàn phát động, làm lợi hàng nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp. Đó là một trong những ví dụ điển hình khẳng định mối quan hệ khăng khít, tác động lẫn nhau của công đoàn và giới chủ doanh nghiệp, góp phần giữ mối quan hệ hài hòa giữa doanh nghiệp và người lao động, vì sự phát triển của doanh nghiệp, sức lan tỏa của tổ chức công đoàn và đời sống việc làm ổn định cho người lao động”, ông Đinh Quốc Toản nhấn mạnh.

Nguyễn Công

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/dong-hanh-vi-chat-luong-song-94040.html