Đồng hành, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19

Đồng hành, chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp (DN) ở TP Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ DN theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và UBND thành phố Hồ Chí Minh; tiếp tục xử lý và tháo gỡ khó khăn trực tiếp cho DN…

Sản xuất linh kiện điện tử tại một doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh.

Sản xuất linh kiện điện tử tại một doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh.

Đồng hành, chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp (DN) ở TP Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ DN theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và UBND thành phố Hồ Chí Minh; tiếp tục xử lý và tháo gỡ khó khăn trực tiếp cho DN…

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN) Nguyễn Ngọc An cho biết, VISSAN vẫn chưa được thụ hưởng chính sách hỗ trợ giảm lãi suất vay của các ngân hàng thương mại (NHTM) do chưa đáp ứng được các điều kiện để được hỗ trợ là doanh số bán hàng phải bị sụt giảm trong điều kiện dịch Covid-19. Nguyên nhân chủ yếu là do VISSAN phải dự trữ và bảo đảm cung ứng hàng hóa thực phẩm đầy đủ cho thị trường (bình ổn thị trường) theo chỉ đạo của Sở Công thương TP Hồ Chí Minh.

Đại diện VISSAN đề xuất: Gói hỗ trợ tín dụng cần ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất, chế biến thực phẩm với các điều kiện thông thoáng. Với những DN như VISSAN, do phải tăng cường dự trữ nguyên liệu, cho nên cần được bổ sung vốn lưu động.

Với ngành lương thực, thực phẩm, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP Hồ Chí Minh Lý Kim Chi chia sẻ, trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều DN vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ các NHTM, thậm chí có DN phản ánh điều kiện vay vốn còn ngặt nghèo hơn trước khi dịch bệnh bùng phát. Hơn nữa, do đặc thù, tính mùa vụ, doanh thu bán hàng của các DN trong ngành lương thực, thực phẩm vào dịp Tết (tháng 1 và tháng 2) thường tăng cao hơn những tháng bình thường khoảng 30%; các DN lại phải bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa, thực phẩm thiết yếu cho người dân thành phố và tiếp ứng cho các địa phương khác trong mùa Tết. Trong khi đó, dịch bệnh diễn biến phức tạp, lan rộng ngay sau Tết Nguyên đán nên DN rất khó chứng minh thiệt hại theo thủ tục của NHTM.

Đến nay, nguồn nguyên liệu dự trữ sản xuất đã cạn nhưng rất nhiều DN lương thực - thực phẩm của thành phố không còn vốn để thu mua nguyên liệu mới; rất ít DN trong ngành tiếp cận được các gói hỗ trợ...

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh Trần Việt Anh, các chính sách hỗ trợ DN đã rõ ràng nhưng việc triển khai trong thực tế vẫn còn không ít “chông gai” đối với DN. Cộng đồng DN rất mong các NHTM triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi nhanh, chính xác (đúng đối tượng), kịp thời và đủ “liều lượng” để DN có thể tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Các NHTM không nên “soi” quá khứ của DN một cách khắt khe mà phải minh bạch và đơn giản hóa thủ tục vay vốn. Bên cạnh đó, các NHTM cũng cần có chính sách tín dụng ưu đãi riêng dành cho những DN lớn, DN có vai trò dẫn dắt thị trường, bởi lẽ, khi những “cánh chim đầu đàn” này phát triển tốt thì sẽ kéo theo nhiều DN nhỏ phát triển theo…

Theo NHNN Việt Nam - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, tính đến hết tháng 4-2020, các NHTM đã cơ cấu lại thời gian trả nợ cho 162.745 khách hàng trên địa bàn thành phố với dư nợ hơn 51.800 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay cho 17.758 khách hàng với dư nợ 48.771 tỷ đồng; cho vay mới (tính từ ngày 23-1-2020) cho 43.487 khách hàng với doanh số hơn 190.000 tỷ đồng… Đối với năm nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên, các NHTM đã cho vay ngắn hạn với lãi suất ưu đãi (không quá 5%/năm) đối với 31.538 khách hàng với dư nợ gần 165.000 tỷ đồng, trong đó DN nhỏ và vừa chiếm 71% tổng dư nợ cho vay…

Phó Giám đốc NHNN Việt Nam - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Minh cho biết thêm, trong thời gian tới, ngành ngân hàng thành phố cam kết sẽ tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ DN theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam và UBND thành phố Hồ Chí Minh qua các chương trình hành động cụ thể và các chương trình tín dụng của Chính phủ, NHNN và UBND thành phố; tăng cường tổ chức các hoạt động hỗ trợ DN như tổ chức ký kết vay vốn ưu đãi thông qua các chương trình kết nối NH - DN, giải ngân gói tín dụng đã đăng ký theo kế hoạch của chương trình kết nối NH - DN.

Cùng với đó, tiếp tục xử lý và tháo gỡ khó khăn trực tiếp cho DN qua danh sách DN do các quận, huyện, sở, ngành gửi về; tăng cường các hoạt động đối thoại và phát huy tốt hiệu quả của “đường dây nóng” để tư vấn, nắm bắt kịp thời phản ánh của DN; tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính trên cơ sở đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, ứng dụng công nghệ mới… nhằm giảm chi phí thời gian và chi phí cơ hội cho DN và cho chính tổ chức tín dụng, từ đó có thể giảm lãi suất cho vay bền vững…

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú cho biết: Ngành ngân hàng bảo đảm cung ứng đầy đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế nói chung và cho các DN nói riêng; sẽ điều hành chính sách tiền tệ theo hướng tiếp tục giữ ổn định tỷ giá và kiểm soát hiệu quả dòng ngoại tệ; ổn định lãi suất tín dụng, nếu có điều kiện thuận lợi sẽ giảm lãi suất vay vốn…

Ngành ngân hàng cũng mong muốn các DN cần nâng cao hơn nữa tính công khai, minh bạch tài chính, minh bạch dòng tiền của mình; chủ động cơ cấu lại khoản vay, hoạch định kế hoạch sản xuất, kinh doanh và lộ trình trả nợ cụ thể, rõ ràng để tạo thuận lợi cho các NHTM trong quá trình thẩm định hồ sơ tín dụng, giải quyết việc hỗ trợ kịp thời, nhanh chóng…

Bài và ảnh: HOÀNG LIÊM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/44693102-dong-hanh-ho-tro-von-cho-doanh-nghiep-bi-anh-huong-dich-covid-19.html