Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp

Thông tin từ Cục Thuế Thanh Hóa, 2 tháng đầu năm 2021, khu vực doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nộp ngân sách Nhà nước gần 1.400 tỷ đồng, tăng trên 12%, chiếm hơn 57% tổng thu nội địa.

(Ảnh minh họa)

Trong số đó, doanh nghiệp Nhà nước nộp trên 320 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nộp 698 tỷ đồng, tăng 0,1%, còn lại là doanh nghiệp khối dân doanh.

Đây là tín hiệu rất đáng mừng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 thời gian qua diễn biến hết sức phức tạp, các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước chưa hoàn toàn hồi phục.

Kết quả này cho thấy nỗ lực của doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng, bên cạnh đó là sự đồng hành hỗ trợ hiệu quả từ các cơ quan chức năng đã tạo ra đòn bẩy giúp doanh nghiệp trong tỉnh không chỉ vượt lên những khó khăn do dịch bệnh gây ra, mà còn tạo được sự đột phá so với cùng kỳ các năm trước.

Trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chức năng trong tỉnh vẫn luôn sát cánh, đối thoại với doanh nghiệp, nghiên cứu và đưa ra các quyết định phù hợp, kịp thời, tạo điều kiện tốt nhất nhằm hỗ trợ, tháo gỡ những nút thắt trong đầu tư, khơi thông dòng chảy sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Cuối năm 2020, nhiều cơ chế, chính sách của tỉnh đã được HĐND tỉnh nghiên cứu sửa đổi, thông qua nhằm phù hợp với thực tế, tạo ra hiệu ứng tích cực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển sản xuất, kinh doanh trong doanh nghiệp. Trong hơn 2 tháng đầu năm 2021, các sở, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh kịp thời giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, yên tâm mở rộng đầu tư.

Để thực hiện mục tiêu đã đề ra là đến năm 2025 công nghiệp - xây dựng chiếm 53,8%, dịch vụ chiếm 30,5% trong cơ cấu các ngành kinh tế của tỉnh, Thanh Hóa sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách thu hút và mở rộng quy mô sản xuất các ngành công nghiệp có thế mạnh của tỉnh, trọng tâm là phát triển công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; xây dựng Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa; xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp giai đoạn 2021-2025, Đề án phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 và Đề án phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đây là những vấn đề có tính chiến lược, không chỉ hỗ trợ trước mắt mà còn tạo ra một nền cơ chế thông thoáng, môi trường đầu tư ổn định lâu dài, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiếp tục đóng góp cho sự tăng trưởng GRDP của tỉnh.

Tuệ Minh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/dong-hanh-ho-tro-doanh-nghiep/132792.htm