Đồng hành cùng phụ nữ biên cương

Năm 2018, Chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương giai đoạn 2018-2020 của Hội LHPN huyện Bình Liêu đã xây dựng được 3 nhà an toàn, 17 nhà tiêu hợp vệ sinh, 2 mô hình gà thương phẩm cho phụ nữ xã Lục Hồn, Vô Ngại.

Chương trình đã kêu gọi được 10 đơn vị cam kết ủng hộ phụ nữ 5 thôn biên giới Nà Cắp, Ngàn Chi, Nà Nhái (Vô Ngại), Ngàn Chuồng, Pắc Phe (Lục Hồn); giúp các chị Lý Tài Múi, Đoàn Thị Thu là hộ nghèo thôn Bản Chuồng, xã Lục Hồn và Trần Thị Khang, thôn Bản Làng, xã Vô Ngại, có nhà mới, với mức hỗ trợ 25 triệu đồng/nhà.

Chúng tôi đến xã Vô Ngại, nơi có đông chị em là đồng bào dân tộc thiểu số. Chị em ở đây trình độ dân trí không đồng đều, trước đây vẫn quen với lối sống lạc hậu, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Cán bộ hội LHPN đã đến từng gia đình tìm hiểu cuộc sống thực tế để tìm giải pháp hỗ trợ phù hợp như cho vay vốn không lãi, hỗ trợ cây, con giống... Như gia đình chị Lỳ Lộc Múi, hộ nghèo thôn Nà Cắp, có thế mạnh về vườn đồi, lại chịu khó và rất mát tay trong chăn nuôi. Vậy là từ nguồn quỹ của Chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương, chị Múi đã được nhận hỗ trợ 100 con gà giống, giúp chị chăn nuôi thoát nghèo.

Cán bộ Hội LHPN huyện Bình Liêu đến tìm hiểu thực tế hộ nghèo ở xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu.

Các cuộc vận động thực hiện “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, "Ngày Chủ nhật xanh” hay các con đường xanh, sạch, đẹp do phụ nữ tự quản được chị em tham gia nhiệt tình, giúp cho các thôn, bản thay đổi rõ rệt về vệ sinh môi trường. Như bản Nà Nhái của xã Vô Ngại có 100% là đồng bào dân tộc Dao. Người dân trước đây không có thói quen gọn gàng, rác tiện đâu đổ đấy. Những năm gần đây, Nà Nhái đã thay đổi nhiều nhờ sự vào cuộc của hội phụ nữ xã và chi hội phụ nữ thôn, vận động chị em quét dọn đường xóm sạch sẽ. Chị em còn hình thành thói quen gấp chăn màn, quần áo, không vất lôi thôi trong nhà như trước đây nữa.

Các xã giáp biên khác của huyện Bình Liêu như Hoành Mô, Đồng Tâm, Đồng Văn cũng đều nhận được sự vào cuộc của chị em. Từ năm 2014 đến nay, hằng năm ngành Giáo dục huyện Bình Liêu đã mở hàng chục lớp xóa mù chữ cho bà con, mà chủ yếu là các xã giáp biên giới. Chị em các xã đã tích cực vào cuộc vận động những người chưa biết chữ tham gia các lớp học, chỉ riêng năm 2018 đã có 171 chị em tham gia lớp xóa mù chữ. Sau lớp học này, mọi người đã biết đọc, biết viết, tham gia tốt hơn vào hoạt động xã hội và phát triển kinh tế.

Mô hình phát triển kinh tế điểm của gia đình chị Trần Thị Hiền (bên phải) thôn Bản Cặm, xã Hoành Mô.

Năm 2018, từ sự vào cuộc của phụ nữ toàn huyện, đã có 135 chị em có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ về ngày công lao động, 75 hộ phụ nữ nghèo được giúp thoát nghèo. Phong trào “5 không, 3 sạch”, "Ngày Chủ nhật xanh” đã thu hút được 9.806 lượt người tham gia, trong đó 85% là gia đình hội viên phụ nữ, 184 hộ được hướng dẫn ăn, ở vệ sinh sạch sẽ. Hội còn vận động chị em giữ gìn bản sắc dân tộc, bảo tồn các CLB văn nghệ hát Soóng Cọ, Then, Pá Dung, mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Từ đó, nhiều chị em đã mạnh dạn làm các dịch vụ du lịch cộng đồng thông qua việc cho du khách trải nghiệm nếp sống, mặc trang phục, nấu và thưởng thức các món ăn của đồng bào dân tộc. Việc làm này không chỉ bảo tồn được những nét đẹp truyền thống dân tộc, mà còn nâng cao đời sống của chị em vùng biên giới.

Công Thành

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201901/dong-hanh-cung-phu-nu-bien-cuong-2415919/