Đồng hành cùng phụ nữ biên cương

Ở những nơi biên cương xa xôi của Tổ quốc, vẫn còn những người phụ nữ dân tộc thiểu số phải sống trong thấp thỏm lo âu ngay dưới mái nhà của chính mình bởi bạo lực gia đình.

Đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trao tặng nguồn hỗ trợ xây dựng mô hình sinh kế cho phụ nữ nghèo biên giới.

Những số phận chông chênh

Chiều xuống, trong căn bếp bập bùng ánh lửa, chị ngồi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện cuộc đời mình. Nước mắt của chị không ngừng rơi khi nghĩ về những nỗi đau kéo dài đằng đẵng suốt hơn 10 năm qua. Đó là nước mắt của người vợ bị chồng bạo hành mà chưa tìm ra lối thoát, nước mắt cam chịu của người mẹ khi không có cách nào bảo vệ con, hay nước mắt chua xót, tủi hờn của người phụ nữ cố gắng gồng mình để tiếp tục cuộc sống.

Đã ngoài 50 tuổi, chị Tô Thị Phó (thôn Bản Quầy, xã Bắc Xa, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn) không thể nhớ nổi đã bao nhiêu lần bị chồng đánh đập, chửi bới vô cớ mỗi lần uống rượu say. Nghĩ về 5 người con của mình, chị lại không dám từ bỏ cuộc sống hôn nhân. “Bị đánh nhiều quá, không nhớ nổi nữa. Mỗi khi chồng say rượu về lại quát mắng, đuổi tôi ra khỏi nhà. Nhiều lúc muốn bỏ đi nhưng bỏ đi đâu được, đi thì các con ở nhà ăn gì, phải cố gắng mà ở thôi” - chị Phó tâm sự.

Với chị Hoàng Thị Sạch (tại thôn Tắp Tính, xã Bắc Xa) chỉ biết tìm đến nhà người thân trốn trong những lần bị chồng đánh. “Kiếm được chút tiền thì chồng lại đòi chia để đánh bạc, lô đề, nếu tôi không đưa lại bị đánh. Nhiều khi dành dụm chút tiền để mua đồ dùng trong gia đình mà cũng bị chồng đòi lấy mang đi. Con cái chứng kiến cũng buồn, có đứa còn bảo không muốn đi học nữa vì hoàn cảnh gia đình nhà mình khổ quá” - chị Sạch chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Tô Đức Sơn, Chủ tịch UBND xã Bắc Xa cho biết: Xã Bắc Xa với hơn 98% là đồng bào dân tộc Nùng, tập quán sinh sống của bà con còn nhiều hạn chế. Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền xã cũng chỉ đạo các đoàn thể, trong đó có chị em phụ nữ phối hợp các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, giúp phụ nữ nâng cao hiểu biết, mạnh dạn lên tiếng khi xảy ra bạo lực gia đình, làm thế nào hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này. Tuy nhiên, nhiều chị em vẫn coi bạo lực gia đình là chuyện “nội bộ” cho nên còn e ngại và trốn tránh.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Đến thăm gia đình chị Tô Thị Thắm, người dân tộc Nùng, ở xã Bắc Xa, ngôi nhà vách đắp bằng đất khiến chúng tôi không khỏi ái ngại. Gia đình chị Thắm thuộc diện đặc biệt khó khăn, một mình chị phải làm trụ cột gia đình trong suốt hơn bốn năm qua. Sau khi chồng chị qua đời vì tai nạn mặc dù khó khăn vất vả nhưng chị vẫn cố gắng nuôi dạy các con được đi học đầy đủ. Đến nay con trai lớn của chị đang theo học tại trường cấp ba cách nhà hơn 30 cây số. Còn cô bé Hoàng Kim Anh, đứa con thứ hai cũng nỗ lực noi gương anh, thay mẹ thực hiện ước mơ đi học còn đang dang dở. Chị Thắm cho biết: “Nhờ có chi hội phụ nữ và Bộ đội Biên phòng thường xuyên động viên, giúp đỡ cho gia đình để các con tôi không bỏ học giữa chừng”.

Hoàn cảnh như gia đình chị Tô Thị Phó, Hoàng Thị Sạch hay chị Tô Thị Thắm không hiếm gặp ở các địa phương miền núi, vùng cao. Thực tế những năm gần đây, được sự chăm lo của các cấp, sự vào cuộc tích cực của Bộ đội Biên phòng (BĐBP), các vùng quê miền núi, khu vực biên giới đã có nhiều thay đổi; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào từng bước nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt. Tuy nhiên, ở những địa phương này vẫn còn nhiều khó khăn, như: Giao thông đi lại khó khăn, nhiều xã chưa có điện lưới quốc gia, tỷ lệ nghèo và tái nghèo cao; vấn nạn bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới, mua bán, xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em còn nhiều thách thức.

Vừa qua, T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp Bộ Tư lệnh BĐBP phát động chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018 - 2020 tại huyện Đình Lập (Lạng Sơn). Các hoạt động chính trong chương trình bao gồm: Hỗ trợ phương thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức về mọi mặt cho phụ nữ các dân tộc thiểu số khu vực biên giới, hải đảo, góp phần giải quyết một số vấn đề xã hội bức xúc liên quan đến phụ nữ thường xảy ra ở địa bàn biên giới; tập trung hỗ trợ, hướng dẫn hội viên phụ nữ sản xuất, kinh doanh, kết nối tiêu thụ sản phẩm hai chiều; vận động các nguồn lực hỗ trợ (tiền, con giống, trang thiết bị làm việc) cho phụ nữ...

Chủ tịch T.Ư Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: “Sau khi phát động chương trình, hiện có 100 xã nhận được sự đồng hành từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân, với cam kết hỗ trợ các mô hình sinh kế giúp phụ nữ xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho phụ nữ. Chúng tôi mong muốn, bằng chính tiếng nói và hành động của phụ nữ trong cả nước sẽ góp phần đem lại cuộc sống bình đẳng, no ấm, hạnh phúc cho đồng bào ở các xã biên giới, hải đảo thuộc diện đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số”.

MINH CHÂU

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/36069202-dong-hanh-cung-phu-nu-bien-cuong.html