'Đồng hành cùng phụ nữ Biên cương' giai đoạn II: 4 nội dung cần quan tâm

Chỉ đạo tại Lễ ký kết Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ Biên cương giai đoạn 2021 - 2025, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Hội LHPN, Bộ đội Biên phòng và các cấp Đảng ủy, chính quyền liên quan cần quan tâm 4 nội dung.

 Lễ ký kết Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương giai đoạn 2021-2025

Lễ ký kết Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương giai đoạn 2021-2025

Một là, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể thành viên phải là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân; tích cực, chủ động phối hợp cùng lực lượng nòng cốt, chuyên trách và cấp ủy, chính quyền địa phương vận động hội viên, phụ nữ và đồng bào chấp hành nghiêm Luật Biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, hiệp định, quy chế biên giới, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa phương; tích cực tuyên truyền kiến thức về chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con, tổ chức cuộc sống gia đình và tham gia phòng, chống, giải quyết một số vấn đề xã hội bức xúc liên quan đến phụ nữ thường xảy ra ở địa bàn biên giới, nhất là tình trạng tội phạm mua bán người, vấn đề di cư lao động an toàn... Vận động đồng bào bảo vệ tài nguyên, môi trường, ăn, ở hợp vệ sinh, phòng, chống dịch bệnh; giữ gìn bản sắc văn hóa, hồn cốt dân tộc qua trang phục, dân ca, dân vũ, nhân cách thật thà, tốt bụng của đồng bào dân tộc thiểu số; cùng nhau thực hiện thật tốt Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh".

Hai là, xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh. Đề nghị các tỉnh quan tâm ưu tiên nguồn lực để Hội Liên hiệp Phụ nữ và Bộ đội Biên phòng có điều kiện tham gia thực hiện Chương trình, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong cuộc sống, để đồng bào tuyệt đối tin tưởng vào Đảng, trung thành với Tổ quốc, chung tay bảo vệ an ninh biên giới quốc gia. Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực biên giới. Các xã thuộc Chương trình Đồng hành biên cương đều nằm trong địa bàn được thụ hưởng Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ và Bộ đội Biên phòng các cấp chỉ đạo, tích cực phối hợp trong triển khai, thực hiện có hiệu quả các dự án của Chương trình. Đặc biệt đối với Dự án 8 Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì cần bám sát mục tiêu, nội dung hoạt động để triển khai sớm, đồng bộ; cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường chỉ đạo, bố trí đúng, đủ nguồn lực để các cấp Hội triển khai thực hiện, đóng góp có hiệu quả vào các mục tiêu bình đẳng giới của Quốc gia.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị

Ba là, các cấp, các ngành cần tiếp tục quan tâm chăm lo, giải quyết có hiệu quả các vấn đề cấp thiết của phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng biên giới, như: Đói nghèo, thiếu việc làm, chất lượng nguồn nhân lực nữ, chăm sóc y tế, bạo lực gia đình, mua bán người, tảo hôn, hôn nhân cận huyết… Bản thân chị em phụ nữ cũng cần tự nỗ lực vươn lên xóa đói, giảm nghèo, làm chủ cuộc sống. Cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của xã hội, mỗi phụ nữ cần phát huy vai trò của cá nhân, có khát vọng vươn lên, có ý thức cầu tiến, độc lập, tích cực học tập, nâng cao kiến thức và trình độ mọi mặt, đóng góp ngày càng nhiều cho xã hội.

Bốn là,tăng cường công tác phối hợp liên ngành và vận động nguồn lực xã hội để thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là sự ổn định, phát triển bền vững khu vực biên giới. Trong giai đoạn tới, Chương trình sẽ không chỉ là sự phối hợp giữ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ đội Biên phòng mà phải là sự tổng hợp sức mạnh của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, sự chung tay của nhiều nguồn lực khác nhau trong xã hội; phát huy sáng kiến, năng lực giám sát, quản lý, điều hành, giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp ngay tại cơ sở; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế - xã hội.

3 năm huy động 150 tỷ đồng cho phụ nữ biên cương

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/dong-hanh-cung-phu-nu-bien-cuong-giai-doan-ii-4-noi-dung-can-quan-tam-20201226180812929.htm