Đồng hành cùng phát triển

Hạ mặt bằng lãi suất cho vay, cung ứng vốn giá rẻ cho nền kinh tế là xu hướng tất yếu trước thực trạng dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Nguồn vốn rẻ giúp doanh nghiệp, người dân giảm chi phí đầu vào, cung ứng hàng hóa, dịch vụ có giá bán thấp cho xã hội, từ đó thúc đẩy phát triển nền kinh tế.

Thực tế, từ đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt, các ngân hàng thương mại đã tìm giải pháp hạ mặt bằng lãi suất. Mức lãi suất thấp và hợp lý này đã được duy trì đến nay, góp phần giúp nền kinh tế phục hồi.

Có 3 lý do chính khiến mặt bằng lãi suất cho vay hạ thấp chưa từng có (lãi suất cho vay đối với ngành kinh tế thiết yếu khoảng 4,5-5%/năm). Thứ nhất, khi dịch Covid-19 làm nhiều ngành, lĩnh vực đình trệ thì nhu cầu vay vốn giảm, lãi suất phải giảm theo. Thứ hai, khi các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, để phục hồi bắt buộc nguồn vốn cung ứng phải rẻ, đi kèm với các chính sách hỗ trợ khác như khoanh, giãn nợ, cơ cấu lại nợ cũ... Thứ ba, các tổ chức tín dụng đang nắm giữ lượng vốn lớn nên cũng rất cần được luân chuyển vào nền kinh tế.

Trong ngắn hạn, các ngân hàng thương mại đều khẳng định sẽ tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất thấp. Và trong trung hạn, lãi suất cho vay được dự báo sẽ duy trì ổn định. Để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, qua đó thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội thì một trong những yêu cầu bắt buộc là tạo mặt bằng lãi suất cho vay hợp lý. Tuy nhiên, nhiệm vụ này cũng đòi hỏi các cơ quan quản lý sẽ phải theo sát diễn biến nền kinh tế để “gia giảm liều lượng chính sách”, hài hòa các yếu tố lãi suất, tăng trưởng tín dụng, chuẩn cho vay, nợ xấu… Bởi, mục tiêu lớn nhất vẫn là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng.

Ở góc độ tổ chức tín dụng, yêu cầu đặt ra là tiết giảm chi phí, lợi nhuận để cân đối tài chính, từ đó có thể giảm lãi suất cho vay. Đi cùng với đó là thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước trong hỗ trợ doanh nghiệp khoanh, giãn nợ, cơ cấu lại nợ cũ - bảo đảm điều kiện cho vay mới. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động ngân hàng cần tiếp tục được thúc đẩy. Bên cạnh mặt bằng lãi suất chung, các tổ chức tín dụng nên thiết kế chương trình ưu đãi riêng dành cho từng đối tượng khách hàng, như doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu…, nhằm đáp ứng cụ thể hơn nhu cầu của từng nhóm đối tượng, “nuôi dưỡng” khách hàng.

Tuy nhiên, vấn đề cần lưu ý là cố gắng hạ lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế song vẫn phải bảo đảm các chuẩn cho vay, đi đôi với trích lập dự phòng rủi ro phòng ngừa nợ xấu. Mặt khác, kiên trì hướng dòng vốn tín dụng ưu đãi vào đúng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thiết yếu của nền kinh tế đồng thời siết chặt “van” tín dụng với lĩnh vực nhiều rủi ro, không bảo đảm an toàn.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp, vấn đề sống còn là sử dụng nguồn vốn vay một cách hiệu quả. Qua đó, bảo đảm khả năng trả nợ, vay mới, duy trì hoặc mở rộng sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho nền kinh tế, giải quyết việc làm…

Hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, giúp nền kinh tế tăng trưởng vừa là nhiệm vụ chính trị vừa là bài toán kinh doanh cần giải quyết của hệ thống ngân hàng. Khi cộng đồng doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng đồng hành với nhau để cùng phát triển, sẽ giúp nền kinh tế sớm phục hồi.

Gia Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/1002736/dong-hanh-cung-phat-trien