Đồng hành cùng học sinh vùng khó

Hơn hai năm, kể từ ngày phát động chương trình 'Nâng bước em tới trường', hưởng ứng chủ trương khuyến học, khuyến tài của Bộ Tư lệnh BĐBP, đến nay, Đồn Biên phòng Mường Lạn, BĐBP Sơn La đã có nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực giúp đỡ, 'nâng bước' nhiều học sinh tiếp tục theo đuổi giấc mơ 'con chữ', trong niềm hạnh phúc giản dị mà đầy ý nghĩa.

Thượng úy Quàng Văn Tám, Đồn BP Mường Lạn, BĐBP Sơn La trực tiếp dạy các em nhỏ học bài. Ảnh: Thanh Thuận

Mường Lạn là xã miền núi còn nhiều khó khăn của huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Những năm trước đây, Mường Lạn đã có không ít các em học sinh trong độ tuổi đến trường không được đi học hoặc phải nghỉ học giữa chừng để bước vào con đường mưu sinh. Trước thực tế đó, hưởng ứng chương trình “Nâng bước em tới trường” do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động, từ đầu năm 2015 đến nay, Đồn Biên phòng Mường Lạn đã nhận đỡ đầu và đưa về đơn vị nuôi dưỡng 5 em học sinh (đều là người dân tộc Mông) có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn và một em học sinh nước bạn Lào ở cụm dân cư biên giới đối diện. Mức hỗ trợ mỗi em là 500 nghìn đồng/tháng, đến khi học xong chương trình phổ thông trung học.

Bước vào đầu năm học mới 2016-2017, với mong muốn các em học sinh đơn vị đỡ đầu có điều kiện học tập tốt hơn, Đồn Biên phòng Mường Lạn đã hoàn thành ngôi nhà mang tên "Mái ấm nâng bước em đến trường", từ kinh phí giúp đỡ của các nhà hảo tâm và cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đóng góp. "Mái ấm" khá rộng rãi, tiện nghi, nằm tách biệt với dãy nhà của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, trông ra khoảng đất rộng, mướt mát màu xanh. Đơn vị cũng bố trí cán bộ cùng ở, trông nom, bảo ban các em học tập và sinh hoạt.

Hơn 2 năm trôi qua, hai em học sinh là Giàng Động Tủa và Giàng A Hờ đã tốt nghiệp Trung học cơ sở bán trú Mường Lạn, rời “mái ấm” của đơn vị đi học Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Sơn La và huyện Sốp Cộp. Hai em vẫn được nhận trợ cấp của đơn vị đến khi tốt nghiệp lớp 12. Hiện, còn 3 em đang được tiếp tục nuôi dưỡng tại đơn vị.

Chiều muộn, sân thể thao trong khuôn viên Đồn Biên phòng Mường Lạn rộn rã tiếng reo hò trước trận đấu bóng chuyền. Cũng vào thời gian đó, tôi thấy 3 em học sinh trong bộ đồng phục, vai đeo cặp sách hồ hởi tiến vào cổng đơn vị. Chỉ loáng sau đã thấy các em thay quần áo, cầm cuốc, xẻng theo mấy chú chiến sĩ ra khu tăng gia cuốc đất, làm cỏ thoăn thoắt. Trong số 3 gương mặt ấy, tôi chỉ biết Thào Cha Pó, bởi em là người còn ở lại đơn vị trong số 3 em tôi từng gặp năm ngoái. Hai anh Giàng Động Tủa và Giàng A Hờ trước ở cùng Pó đã đi học Trường Dân tộc nội trú của tỉnh Sơn La và huyện Sốp Cộp.

Nhà Thào Cha Pó ở bản Nậm Lạn, cách trung tâm xã 17km. Đây là bản xa nhất, khó khăn nhất của xã Mường Lạn. Bố của Pó đang phải chấp hành án phạt tù, do phạm tội về ma túy, chỉ còn mẹ tần tảo nuôi ông nội 97 tuổi và 4 anh em Pó nên cuộc sống gia đình hết sức khó khăn. Pó là con thứ hai, dưới Pó có em gái học lớp 6 và em trai út học lớp 2.

Tuy gia cảnh khó khăn, đường sá xa xôi nhưng Pó luôn cố gắng học tập tốt để không thua kém bạn bè. Nhiều năm học liền, Pó đều đạt học sinh khá, giỏi. “Từ khi vào đồn Biên phòng ở, cháu đi học được gần hơn, được sống trong tình thương yêu như trong gia đình của các bác, các chú. Các bác, các chú coi cháu như con, nên thấy ấm áp lắm” - Pó vui vẻ bộc bạch.

Hai em gái mới là Thào Thị Dâu và Sòng Thị Dợ đã được đồn nhận nuôi gần một năm nay. Thào Thị Dâu chính là em gái ruột của Thào Cha Pó. Em Dâu đang học lớp 6B, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Mường Lạn. Thời gian học tiểu học, Dâu cũng phải xa nhà, ở bán trú trong Trường Tiểu học Mường Lạn, cuối tuần mới về nhà. Lên lớp 6, được vào đồn Biên phòng ở cùng anh trai, cô bé vui vẻ, bạo dạn hơn nhiều. Từ một học sinh khả năng nói tiếng phổ thông còn hạn chế, giao tiếp rụt rè, bây giờ, gặp người lạ, em đã tự tin nói chuyện, bày tỏ ước mơ được làm cô giáo dạy chữ cho các em học sinh nghèo của mình.

Ngoài giờ học trên lớp, những “con nuôi của đồn Biên phòng” tham gia tăng gia cùng các chú bộ đội ở đơn vị. Ảnh: Thanh Thuận

Nhỏ tuổi nhất trong số đó là Sòng Thị Dợ, mới 8 tuổi. Thượng tá Hờ A Cho, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mường Lạn cho biết, gia đình Sòng Thị Dợ ở bản Pu Hao, xã Mường Lạn. Dợ mồ côi cha từ lúc chưa lọt lòng. Mẹ Dợ sinh được 9 người con, trong đó Dợ là con út. Quanh năm, gia đình Dợ chỉ trông chờ vào việc làm nương, thu nhập bấp bênh. “Qua khảo sát tại địa bàn, nhận thấy hoàn cảnh của Dợ rất éo le, khó khăn, cần được giúp đỡ, đơn vị đã nhận cháu về đồn nuôi dưỡng. Cháu rất ngoan, chịu khó học tập” - Thượng tá Hờ A Cho bộc bạch.

Sáng sớm, trời biên cương còn chìm trong màn sương mờ cùng cái lạnh se sắt. Khi tiếng kẻng báo thức vừa dứt, tôi thấy ba em ra khoảng sân trước “mái ấm” cùng một chiến sĩ thực hiện những động tác thể dục quen thuộc. Sau nửa tiếng, ba anh em quay lại phòng tự làm vệ sinh cá nhân, sắp sách vở vào ba lô rồi xuống bếp ăn sáng cùng các chú bộ đội, sau đó cắp sách đến trường.

Hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ BĐBP nơi đây quan tâm, yêu thương các em nhỏ cùng sự trưởng thành của các em học sinh đã trở nên thân quen, gần gũi với bà con các dân tộc tại 16 bản và 2 điểm dân cư của xã Mường Lạn. Đó là nguồn động lực lớn lao giúp quân và dân biên giới nơi đây cùng chung tay, đồng lòng vượt qua khó khăn, bảo vệ vững chắc chủ quyền khi một mùa xuân mới sắp đến, thật gần...

Thượng úy Quàng Văn Tám, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng của đơn vị cho biết: “Cả đồn rất yêu quý ba con. Đội vận động quần chúng được giao nhiệm vụ chính trong việc chăm sóc, dạy dỗ, bảo ban các con, nhưng cán bộ, chiến sĩ cả đồn không bao giờ phân biệt như vậy. Có dịp là các chú, các anh đều bảo ban các con làm toán, viết văn, dạy cách giặt giũ quần áo, dạy chơi thể thao... cho đến cách nói chuyện, tiếp xúc với mọi người”.

Thanh Thuận

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/dong-hanh-cung-hoc-sinh-vung-kho/