Đồng hành cùng doanh nghiệp

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp (DN) năm 2017 tổ chức mới đây, cộng đồng DN đánh giá cao việc ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16-5-2016.

Việc ban hành một Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 trong thời gian ngắn “kỷ lục”, với các mục tiêu, nguyên tắc, nhiệm vụ giải pháp hiệu quả, khả thi và phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng, đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, thân thiện, nhằm xây dựng cộng đồng DN Việt Nam lớn mạnh, có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững. Nghị quyết 35 được đánh giá có tính toàn diện, tầm nhìn dài hạn, mang tính chất đột phá, do đó nhận được sự quan tâm hưởng ứng tích cực của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng DN và toàn xã hội.

Mặc dù vậy, các DN vẫn đang trong tình trạng khó khăn. Hiệu suất sinh lợi trên tài sản của các DN trong nền kinh tế đã giảm từ 6,6% năm 2012 xuống còn 3,2% năm 2015. Trong các tháng đầu năm 2017, số lượng DN thành lập mới tuy có tăng nhưng số lượng DN ngừng hoạt động và giải thể cũng bằng một nửa số lượng DN thành lập mới. Nguyên nhân chính vẫn là do môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết, tháo gỡ.

Theo một báo cáo năm 2017 của Ngân hàng Thế giới (WB), chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản ở mức cao so khu vực như Xin-ga-po hay Ma-lai-xi-a. Chi phí nộp thuế cao nhất so với nhóm ASEAN 4, gấp hơn hai lần so với Xin-ga-po. Tương tự, chi phí tuân thủ chứng từ xuất khẩu cũng ở mức cao nhất, gấp gần bốn lần so với Xin-ga-po và gấp hơn ba lần so với Phi-li-pin… Chi phí về vận tải và logistics hiện vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí kinh doanh của các DN ở Việt Nam. Chẳng hạn, chi phí vận chuyển cho một công-ten-nơ hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội hay ở chiều ngược lại (khoảng 100 km) đắt gấp ba lần so với chi phí vận chuyển một công-ten-nơ hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam.

Ngoài ra, còn có những chi phí phát sinh liên quan thủ tục hành chính, nộp phí, thời gian chậm trễ, giá xăng dầu tăng, phụ phí vận tải biển… càng làm tăng gánh nặng cho DN. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, về chi phí không chính thức, theo kết quả nghiên cứu của Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016 của VCCI, 66% trong số 11 nghìn DN được hỏi đã xác nhận họ phải trả loại phí này. Tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN vẫn phổ biến ở nhiều nơi.

Theo VCCI, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ DN thì nên theo hướng giúp DN nâng cao năng lực về quản trị, không nên hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động kinh doanh. Các DN cần nhất là một hệ thống pháp luật về kinh doanh minh bạch, công bằng; thủ tục hành chính đơn giản, thuận tiện... Chưa kể, dù đã có sự tiến bộ đáng kể, hệ thống pháp luật về kinh doanh còn khá nhiều bất cập, thủ tục hành chính vẫn còn nhiêu khê trong tương quan so sánh với các chuẩn mực tiên tiến của thế giới. Thời gian qua, việc thực hiện chủ trương không hình sự hóa đã có nhiều tiến bộ, nhưng việc thực hiện chính sách thiếu nhất quán, sự thay đổi chính sách đột ngột, thiếu lộ trình chuyển đổi và hiện tượng hồi tố đối với các hoạt động kinh doanh, sự chậm trễ và thiếu công bằng trong việc giải quyết các tranh chấp của DN đang là những điểm quan ngại hàng đầu.

Nhiều DN, hiệp hội DN cũng bày tỏ mong muốn, với nỗ lực thật sự của Chính phủ thì các bộ, ngành, địa phương, chính quyền cơ sở cần chuyển động mạnh mẽ hơn nữa; cần đề cao đạo đức công vụ, tinh thần, thái độ phục vụ người dân và DN của các cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền; kiên quyết xử lý nghiêm những cá nhân có biểu hiện nhũng nhiễu, gây khó khăn cho hoạt động của DN.

BẢO THANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/33162702-dong-hanh-cung-doanh-nghiep.html