Đồng hành cùng doanh nghiệp, người lao động vượt khó

Vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi một số nội dung của Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch và có tờ trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị sửa đổi một số nội dung Quyết định 15/2020/QĐ-TTg ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Qua đó, giúp tháo gỡ những vướng mắc hiện nay, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vượt qua tác động của dịch Covid-19, góp phần ổn định sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội.

Vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi một số nội dung của Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch và có tờ trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị sửa đổi một số nội dung Quyết định 15/2020/QĐ-TTg ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Qua đó, giúp tháo gỡ những vướng mắc hiện nay, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vượt qua tác động của dịch Covid-19, góp phần ổn định sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội.

Bài 1: Công nhân mất việc khó tiếp cận gói hỗ trợ an sinh

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) sau gần ba tháng triển khai thực hiện gói hỗ trợ an sinh theo Nghị quyết 42, đến hết tháng 6-2020, mới chỉ có 169.404 người lao động được hỗ trợ với kinh phí 176,161 tỷ đồng. Trong đó, chỉ gần 15 nghìn người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương tại doanh nghiệp được hỗ trợ với kinh phí gần 19 tỷ đồng. Đây là con số quá thấp so với dự kiến ban đầu là một triệu lao động được hỗ trợ.

Nhiều quy định khắt khe...

Mặc dù các sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương tại TP Hồ Chí Minh rất nỗ lực để triển khai thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng trên thực tế, do một số quy định quá phức tạp cho nên kết quả hỗ trợ đạt rất thấp. Nhiều địa phương cũng lúng túng trong quá trình thụ lý và giải quyết hồ sơ cho các nhóm đối tượng này.

Là công ty chuyên về may mặc xuất khẩu vào thị trường Mỹ nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ tháng 3 trở đi, Công ty TNHH Wooyang Vina II (quận 12, TP Hồ Chí Minh) gần như không có đơn hàng. Vào tháng 5, công ty buộc phải cho hơn 800 công nhân nghỉ việc không hưởng lương một tháng và làm hồ sơ đề nghị Phòng LĐ-TB và XH quận 12, Sở LĐ-TB và XH TP Hồ Chí Minh cùng các đơn vị chức năng cho NLĐ tại công ty được hưởng chính sách hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng theo Nghị quyết 42. Nhận thấy yêu cầu công ty đề nghị là hợp lý, cũng như căn cứ vào Nghị quyết 42, Quyết định 15, Quyết định 1544/QĐ-UBND và Công văn 1562/UBND-KT ngày 29-4-2020 của UBND thành phố, UBND quận 12 ban hành quyết định phê duyệt danh sách 837 công nhân và kinh phí hỗ trợ 1,5 tỷ đồng cho NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương tại Công ty TNHH Wooyang Vina II do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Tuy nhiên, vào đầu tháng 7, Sở LĐ-TB và XH TP Hồ Chí Minh thông báo NLĐ tại công ty không đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ, vì công ty chưa đáp ứng các điều kiện về tài chính theo hướng dẫn mới của Bộ Tài chính. Cụ thể, theo Công văn 6082/BTC-TCT của Bộ Tài chính thì DN khó khăn về tài chính, không có nguồn thu để trả lương theo quy định tại khoản 3, Điều 1 Quyết định 15/2020/QĐ-TTg phải thuộc một trong hai trường hợp: Một là tổng doanh thu DN quý I năm 2020 bằng “0”; hai là, lợi nhuận sau thuế thu nhập DN quý I năm 2020 không lớn hơn “0”; Quỹ Dự phòng tiền lương tại thời điểm ngày 31-3-2020 bằng “0”; tiền và các khoản tương đương tiền tại thời điểm ngày 31-3-2020 nhỏ hơn phải trả cho NLĐ tại thời điểm ngày 31-3-2020; tổng tài sản ngắn hạn thời điểm ngày 31-3-2020 nhỏ hơn tổng nợ ngắn hạn tại thời điểm ngày 31-3-2020.

Đại diện lãnh đạo công ty cho biết: Nếu chiếu theo công văn này của Bộ Tài chính thì công ty không đáp ứng được tiêu chí “tiền và các khoản tương đương tiền tại thời điểm ngày 31-3-2020 nhỏ hơn phải trả NLĐ tại thời điểm ngày 31-3-2020”. Cụ thể, vào thời điểm ngày 31-3-2020, DN còn khoảng 11 tỷ đồng, trong đó tiền để trả lương và đóng BHXH hết khoảng tám tỷ đồng, tồn ba tỷ đồng nhưng thực tế công ty còn phải trả nợ đối tác và chi vào các khoản cần thiết khác cho nên thực tế quỹ dự phòng xem như bằng 0 đồng...

Đây cũng là thực tế ghi nhận tại TP Hồ Chí Minh từ tháng 6 đến nay khi nhân viên của nhiều công ty, DN bị ảnh hưởng dịch Covid-19 đến nộp hồ sơ xin hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 42 nhưng đều không đáp ứng được điều kiện... Theo Sở LĐ-TB và XH TP Hồ Chí Minh, tính đến nay, số người phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ theo Nghị quyết 42 (1,8 triệu đồng/người/tháng) đạt rất thấp, chỉ ở mức 1,79% (824 trong số 45.988 người). Nguyên nhân của việc chi trả hỗ trợ thấp, như lãnh đạo Sở LĐ-TB và XH lý giải, là do: doanh nghiệp phải chứng minh gặp khó khăn về tài chính như không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương (sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng tiền lương, tiền lợi nhuận sau thuế và các nguồn tài chính hợp pháp khác của DN, số dư đến ngày 31-3-2020) do ảnh hưởng dịch Covid-19 thì NLĐ của DN gặp khó khăn mới được hỗ trợ.

Ngoài ra, để thẩm định báo cáo tài chính của DN, UBND các quận, huyện phải thành lập Tổ thẩm định (thành phần gồm cơ quan lao động, thuế, tài chính của quận/ huyện) để kiểm tra, thẩm định hồ sơ tài chính của DN. Quá trình này rất mất thời gian. Cũng theo Sở LĐ-TB và XH, để việc hỗ trợ cho NLĐ đúng quy định, NLĐ còn phải đang tham gia BHXH bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ không lương, tức phải tham gia BHXH bắt buộc đến hết ngày 31-3-2020 thì mới bảo đảm một trong những điều kiện để hỗ trợ.

Cũng vấn đề này, tại tỉnh Đồng Nai, số liệu của Sở LĐ-TB và XH cho thấy, đến ngày 10-7, có hơn 22.700 NLĐ trên địa bàn được phê duyệt hỗ trợ với tổng số tiền hơn 22,7 tỷ đồng. Trong đó, chỉ có 10 NLĐ thuộc diện tạm hoãn hợp đồng lao động và nghỉ việc không hưởng lương được nhận hỗ trợ với số tiền 15,6 triệu đồng!? Phó Giám đốc Sở LĐ-TB và XH Đồng Nai Phạm Văn Cộng cho biết: Theo quy định để được hưởng hỗ trợ đối với NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương phải đủ ba điều kiện. Tuy nhiên, điều kiện thứ ba phụ thuộc vào tài chính của DN là rất khó đáp ứng. Do vậy, sẽ có nhiều NLĐ bị tạm hoãn hợp đồng hoặc nghỉ việc không hưởng lương sẽ không được hỗ trợ. Trước mắt, để hỗ trợ NLĐ giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, trong lúc đợi hướng dẫn từ Trung ương, Sở LĐ-TB và XH Đồng Nai kiến nghị, chính quyền các địa phương tiếp tục rà soát các nhóm đối tượng được hỗ trợ, nhất là đối với nhóm NLĐ và DN gặp khó khăn.

Công đoàn tham gia giám sát, bảo vệ NLĐ

Vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam chủ trì tổ chức hai đoàn giám sát liên ngành thực hiện gói hỗ trợ NLĐ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Dự báo trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Nhiều doanh nghiệp lớn, có đông công nhân lao động trong cả nước có khả năng bị mất, sụt giảm đơn hàng dẫn đến phải thu hẹp sản xuất, cho NLĐ nghỉ việc. Điều này sẽ tăng tác động tiêu cực đến việc làm, đời sống, thu nhập của NLĐ.

Trước những khó khăn của đoàn viên, NLĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý cho phép những trường hợp thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không được hưởng lương, nghỉ việc luân phiên từ 14 ngày trở lên trong tháng vẫn được đóng bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc theo đối tượng có quan hệ lao động nhằm bảo đảm quyền lợi BHYT liên tục, không gián đoạn. Đồng thời, đề nghị Chính phủ xem xét, nhanh chóng sửa đổi Nghị quyết 42 và Quyết định 15 theo hướng mở rộng đối tượng hỗ trợ bao gồm NLĐ phải nghỉ việc luân phiên, không chỉ tại các DN mà đến cả các đơn vị sự nghiệp và các cơ sở kinh doanh khác và không gắn điều kiện của NLĐ với điều kiện của DN để NLĐ được hỗ trợ khó khăn kịp thời.

Đối với lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, đề nghị bỏ điều kiện về thu nhập “không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo” và thời gian áp dụng đến hết tháng 12-2020. Đề nghị xem xét sửa đổi Quyết định 15 để mở rộng đối tượng hưởng, điều chỉnh điều kiện hưởng hỗ trợ và kéo dài thêm thời gian (đến hết tháng 12-2020) bị mất việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ luân phiên và nghỉ việc không hưởng lương để NLĐ thật sự khó khăn có thể tiếp cận được gói hỗ trợ này. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét việc không thu thuế thu nhập cá nhân 10% đối với khoản tiền DN hỗ trợ NLĐ nghỉ việc, mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch nhằm hỗ trợ NLĐ giảm bớt khó khăn, tìm việc làm mới, ổn định cuộc sống.

Vấn đề quan trọng khác cần xem xét và điều chỉnh điều kiện để DN được xét dừng đóng BHXH vào Quỹ hưu trí và tử tuất cho phù hợp hơn với tình hình hiện nay khi các DN bắt đầu đi vào sản xuất, phục hồi kinh tế. Vì điều kiện DN phải có 50% số lao động bị nghỉ việc từ một tháng trở lên mới đủ điều kiện tạm hoãn đóng BHXH, như thế khó tháo gỡ khó khăn cho DN trong thời điểm hiện nay. Nhiều ý kiến đề nghị, chính quyền các địa phương sớm triển khai gói hỗ trợ cho NLĐ, bảo đảm đúng người, đúng đối tượng và có sự tham gia giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, không để xảy ra tình trạng lợi dụng, trục lợi chính sách, nhưng cũng không quá thận trọng, cầu toàn, sợ sai sót dẫn đến không có NLĐ được hưởng gói hỗ trợ. Tăng cường các biện pháp quản lý, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình cho vay tín dụng đen, thu gom sổ BHXH của NLĐ...

(Còn nữa)

VƯƠNG HÀ LAN và CHÚC HIỀN SƠN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/nhan-dinh/dong-hanh-cung-doanh-nghiep-nguoi-lao-dong-vuot-kho-609089/