Đồng hành cùng áo dài Việt

Không phải là người đam mê thời trang, cũng không phải nhà chuyên gia nghiên cứu văn hóa nhưng chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (Hội trưởng Hội quán các bà mẹ TP Hồ Chí Minh) lại vô cùng yêu thích chiếc áo dài. Cũng từ niềm yêu thích đó, một lần có dịp về thăm làng lụa Mã Châu (Quảng Nam) chị đã "bén duyên" với lụa để rồi suốt hai năm qua chị đã mang thương hiệu lụa Mã Châu trên khắp hành trình của mình. Áo dài là trang phục được chị lựa chọn trong mọi hoàn cảnh cuộc sống. Từ những chương trình gặp mặt, triển lãm hay kể cả những việc thường ngày như đi chợ, đi đón con người ta cũng luôn thấy chị Thúy mặc áo dài. Chị quan niệm: "Nhiều người cho rằng chiếc áo dài bất tiện nhưng tôi không nghĩ thế bởi các bà các chị ngày xưa trong cả thời chiến vẫn ưu tiên chọn chiếc áo dài làm trang phục chính hàng ngày. Hình ảnh chiếc áo dài ngập tràn trên đường phố Sài Gòn, Huế vào thế kỷ trước là nét đẹp riêng không lẫn vào đâu được. Sự kín đáo nhưng cũng phóng khoáng của áo dài phù hợp với phong tục cũng như cuộc sống của người Việt. Tôi mong ước mỗi người phụ nữ Việt đều sẽ ý thức được điều này, chiếc áo dài sẽ được sử dụng rộng rãi hơn, khi ấy không chỉ riêng hình ảnh chiếc áo dài mà văn hóa Việt cũng được nhân rộng".

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (bên trái) trong chương trình quảng bá áo dài tại TP Đà Nẵng.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (bên trái) trong chương trình quảng bá áo dài tại TP Đà Nẵng.

Không chỉ yêu thích, chị Thúy còn chia sẻ mình mang ơn chiếc áo dài bởi đó là người bạn "tri kỷ" trong rất nhiều đoạn đời của chị. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, vì vậy với chị Thúy, chiếc áo dài là trang phục đẹp nhất, sang trọng nhất. Đã nửa đời người nhưng chị vẫn còn nhớ thời học sinh, khi mặc chiếc áo dài trắng giúp chị xóa tan đi mặc cảm giàu-nghèo. Niềm trăn trở với chiếc áo dài chưa bao giờ nguôi khi chị thành lập Hội quán các bà mẹ TP Hồ Chí Minh. Và cùng với các bà mẹ khác, chị đã tổ chức nhiều chương trình nâng cao nhận thức về chiếc áo dài, truyền cảm hứng và san sẻ các giá trị gia đình thông qua hình ảnh chiếc áo dài. Trong Tuần lễ Cấp cao APEC, bên lề Festival tơ lụa Việt Nam và thế giới, chị Thúy cũng đã tổ chức thành công chương trình "Áo dài và tình yêu văn học" nhận được rất nhiều sự hưởng ứng của du khách và người dân Hội An. "Trên hành trình đưa chiếc áo dài trở về với cuộc sống bản thân tôi cũng được kết nối với rất nhiều người cũng cùng chung mục đích. Đó là cô giáo Đoàn Liệp - người nổi tiếng với việc dạy văn qua các hình ảnh in trên áo dài hay cô Kiều Maily - nghệ sĩ hoạt động văn hóa Chăm... Cùng với những chị em khác, chúng tôi đã kết nối với Bảo tàng Hội An, Bảo tàng Mỹ thuật TP Đà Nẵng, Không gian đọc Hội An và nhiều địa phương khác để làm những chương trình quảng bá và tiếp lửa cho chiếc áo dài. Đối tượng chúng tôi hướng đến không chỉ là những người phụ nữ mà còn là trẻ em, đối tượng cần được hướng đến nguồn cội văn hóa", chị Thúy chia sẻ.

Cơ duyên đến với chị là vào năm 2016 khi được biết đến làng nghề Mã Châu cũng như nguy cơ mai một của làng nghề, chị đã quyết tâm đưa lụa Mã Châu vào những bộ áo dài của mình để vừa có thể quảng bá chiếc áo dài vừa góp phần khôi phục làng nghề. "Khi tôi biết đến làng nghề Mã Châu cũng là lúc làng nghề đang đứng trước nguy cơ bị lãng quên trước sự xô bồ của cuộc sống hiện đại. Khi ấy, ông Trần Hữu Phương- truyền nhân đời thứ 18 nghề dệt lụa Mã Châu đã bỏ hết tiền của kêu gọi những người còn tâm huyết với xứ lụa giữ bằng được nghề cha ông. Rồi HTX tơ lụa Mã Châu ra đời, khó khăn chồng chất khó khăn khi sức ép cạnh tranh ngày càng tăng, thu nhập không cao, tôi cảm thấy đây chính là hướng đi mới trong cách quảng bá áo dài. Mặc dù sức ép cạnh tranh từ các sản phẩm lụa giá rẻ pha trộn giữa sợi tơ tằm và sợi cotton trên thị trường vô cùng khốc liệt nhưng những tấm lụa cao cấp với 100% sợi tơ kén sẽ là nét đẹp riêng của áo dài. Bên cạnh đó, 20 màu các loại trên nền lụa Mã Châu được tạo từ các loại cây, hoa, trái tự nhiên như hoa hòe, hạt cau, tro bếp... để sản phẩm lên màu nhẹ nhàng, trang nhã và thân thiện với môi trường. Chỉ riêng điều đó thôi cũng đã khiến chiếc áo dài được may bằng lụa truyền thống đặc biệt hơn rất nhiều", chị Thúy chia sẻ. Cũng từ đó những chiếc áo dài của chị không chỉ đơn thuần là kiểu dáng mà còn gói cả tinh hoa của một vùng quê lụa giàu truyền thống.

Áo dài và nón lá, nét duyên của phụ nữ Việt Nam (ảnh minh họa). Ảnh: Tiin

Hiện nay Hội quán do chị Thúy làm hội trưởng đang tổ chức chương trình "Giữ lụa là giữ hồn quê". Trong đó mỗi tấm lụa Mã Châu được bán đi là góp phần giữ gìn được làng nghề truyền thống và trang phục áo dài Việt. Toàn bộ lợi nhuận từ việc bán lụa sẽ dành cho các hoạt động nhằm phổ biến áo dài với đời thường. Song song với đó, những chiếc áo dài đã qua sử dụng, được đóng góp sẽ được giặt ủi sạch sẽ, gỡ bảng tên trường và đưa đến cho các nữ sinh có hoàn cảnh khó khăn. "Nhiều người khi biết đến hoạt động này của chúng tôi đã cùng chung tay đóng góp vào tủ áo dài bằng những tấm lụa Mã Châu trắng tinh khôi, nhờ hội quán trao tận tay cho các em; có người thì mang tấm áo dài mình từng mặc, giặt sạch rồi đến đóng góp... Với những em nhận được vải, phải đi may thì cũng có người đứng ra hỗ trợ tiền may, còn tặng các em thêm đôi giày để mang với chiếc áo dài. Đó là những thành công ban đầu mà Hội quán các bà mẹ tin rằng sẽ góp phần thay đổi nhận thức của xã hội trong tương lai. Điều này cũng tạo động lực cho chúng tôi trên hành trình đưa lụa truyền thống trở về với hình ảnh chiếc áo dài bình dị", chị Thúy chia sẻ.

HÀ DUNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_192326_dong-hanh-cung-ao-dai-viet.aspx