Đồng hành bảo vệ trẻ em trong bối cảnh dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống kinh tế - xã hội của nước ta, trong đó có tác động đến trẻ em. Thay vì đến trường, các em phải ở nhà. Thay vì học trên lớp, trẻ phải học trực tuyến. Sự xáo trộn trong sinh hoạt hằng ngày cũng kéo theo nhiều mối đe dọa cho sự an toàn cũng như cuộc sống của trẻ. Do đó, những vấn đề liên quan đến trẻ em trong và sau đại dịch Covid-19 cần được quan tâm, với những giải pháp kịp thời và lâu dài.

Trẻ em trong khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội (Ảnh: Thủy Nguyên).

Trẻ em trong khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội (Ảnh: Thủy Nguyên).

NDĐT- Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống kinh tế - xã hội của nước ta, trong đó có tác động đến trẻ em. Thay vì đến trường, các em phải ở nhà. Thay vì học trên lớp, trẻ phải học trực tuyến. Sự xáo trộn trong sinh hoạt hằng ngày cũng kéo theo nhiều mối đe dọa cho sự an toàn cũng như cuộc sống của trẻ. Do đó, những vấn đề liên quan đến trẻ em trong và sau đại dịch Covid-19 cần được quan tâm, với những giải pháp kịp thời và lâu dài.

Trẻ em chịu nhiều tác động của Covid-19

Tại buổi trò chuyện trực tuyến “Không để trẻ em bị bỏ lại phía sau trong đại dịch Covid-19” diễn ra vào ngày 18-5, Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) cho biết, trong hơn nửa cuối tháng 4 vửa qua, Hội Bảo vệ quyền trẻ em (VACR) đã phối hợp Nhóm làm việc vì quyền trẻ em và Mạng lưới quản trị quyền trẻ em thực hiện một chương trình khảo sát trực tuyến về tác động của dịch bệnh Covid-19 tới trẻ nhỏ tại 28 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Chương trình khảo sát đã nhận được phản hồi của 702 trẻ em và 2.027 người lớn, với những kết quả cho thấy, trẻ em cũng chịu nhiều áp lực từ dịch bệnh. Cụ thể, kết quả khảo sát nhanh này cho thấy, 60% trẻ em trả lời áp lực trong học tập là áp lực lớn mà trẻ phải chịu, ngay cả khi phải học tập ở nhà do dịch bệnh. 56% khảo sát từ trẻ sáu tuổi trở lên cho rằng, học online ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, trong khi chỉ có 2/2.027 người chăm sóc trẻ đồng tình với ý kiến này.

Trong thời gian tham gia học trực tuyến, trẻ em cũng gặp rủi ro trên môi trường mạng. Kết quả khảo sát 702 trẻ em cho thấy, 42% trẻ em tự đánh giá là chưa có kiến thức hoặc chưa thành thạo các kỹ năng sử dụng internet an toàn. Tuy nhiên, chỉ có 4,6% người chăm sóc trẻ em đánh giá nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng là nguy cơ mà trẻ có thể gặp phải trong thời gian này. Không ít người lớn gặp khó khăn khi giám sát trẻ sử dụng thiết bị điện tử, còn 40% trẻ em lại khó chịu khi bị người lớn kiểm soát.

Dù khảo sát mới triển khai trên nhóm đối tượng có mạng internet, có máy tính, có trình độ nhất định, chưa tiếp cận được nhóm đối tượng vùng sâu vùng xa, trung tâm bảo trợ xã hội, mái ấm, nhà mở nhưng những kết quả ban đầu cho thấy, trẻ em cũng là một trong những nhóm đối tượng chịu nhiều tác động của dịch Covid-19.

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD cũng chỉ ra những hiện tượng trẻ em bị lạm dụng, quấy rối khi học trực tuyến đã được Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 cảnh báo. Chưa kể tới nhóm trẻ em khuyết tật, vùng sâu vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn, dân tộc thiểu số lại thiệt thòi khi bị gián đoạn việc học do không tiếp cận được công nghệ.

Phó Chủ tịch VACR Ninh Thị Hồng nhận định, ghi nhận từ mạng lưới thông tin của Hội Bảo vệ quyền trẻ em, những vụ xâm hại trẻ em giảm trong mùa dịch bệnh nhưng các vụ tai nạn thương tích của trẻ nhỏ có xu hướng tăng lên. Đó là những trường hợp trẻ em bị tai nạn như bỏng, ngã, thương tích… do đùa nghịch khi người lớn không chú ý.

Bảo đảm an toàn cho trẻ em

Tác động của đại dịch Covid-19 tới trẻ em có thể thấy ở những vấn đề trực tiếp như sức khỏe, học tập hoặc từ tác động do sinh kế của cha mẹ ảnh hưởng tới kinh tế của gia đình, đặc biệt là những hộ gia đình nghèo, cận nghèo. Bà Ninh Thị Hồng cho hay, với tỷ lệ trẻ em chiếm hơn 30% dân số, vấn đề liên quan đến trẻ em trong và sau đại dịch Covid-19 đều cần được quan tâm, cần có những giải pháp kịp thời và lâu dài.

Là một trong những đơn vị trực tiếp tham gia chương trình khảo sát trực tuyến vừa qua, bà Ninh Thị Hồng cho biết, trong thời gian tới, VACR sẽ hoàn thiện báo cáo để đưa ra khuyến nghị tới các cơ quan quản lý nhà nước để việc bảo vệ và hỗ trợ trẻ em được thực hiện tốt hơn.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chia sẻ, trong nỗ lực quyết liệt ngăn chặn và làm chậm tốc độ lây nhiễm dịch Covid-19 thời gian qua, các khu cách ly tập trung đã được thiết lập. Trong số những người được cách ly có trẻ em và phụ nữ. Họ có những nhu cầu đặc thù do lứa tuổi và đặc điểm giới cần được quan tâm, tạo điều kiện và đáp ứng. Trong điều kiện có thể ở mức tối đa, các cơ sở cách ly tập trung cần đáp ứng các nhu cầu an toàn của họ.

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về điều phối việc thực hiện quyền trẻ em và chủ trì công tác bảo vệ trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và một số tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động vì quyền trẻ em như Save the Children, ChildFund… nhanh chóng biên soạn các tài liệu hướng dẫn an toàn, bảo vệ trẻ em, phụ nữ tại các khu cách ly tập trung. Hơn 50 nghìn bản in của hai loại tài liệu bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh đã được Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) chuyển đến tất cả các cơ sở cách ly trong toàn quốc.

Các loại tài liệu này gồm tài liệu dành cho cán bộ quản lý và các nhân viên y tế thực hiện nhiệm vụ chăm sóc những người phải cách ly tập trung và tài liệu dành cho chính trẻ em và người chưa thành niên đang được chăm sóc cách ly.

Nội dung tài liệu được biên soạn ngắn gọn, thiết kế sinh động, thân thiện. Nội dung tài liệu này khuyến nghị trong điều kiện có thể ở mức tối đa, các cá nhân ở vị trí quản lý và chăm sóc y tế tại cơ sở cách ly tập trung cần đáp ứng các nhu cầu an toàn của trẻ em và phụ nữ.

Với phương châm hành động trong phòng, chống đại dịch Covid-19 của Chính phủ “Không một ai bị bỏ lại phía sau”, đối với phụ nữ và trẻ em, họ không những không bị bỏ lại mà còn được ưu tiên chăm sóc.

“Trong cuộc chiến chống Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã đặt tính mạng của người dân, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ, lên ưu tiên hàng đầu. Đối với những người ở trong hoàn cảnh đặc biệt, thí dụ như trong các khu cách ly, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và UN Women, cùng các tổ chức quốc tế khác ở Việt Nam đã kịp thời đưa ra các giải pháp để đáp ứng nhu cầu đặc biệt của nhóm này,” ông Đặng Hoa Nam nói. Ông Nam nhấn mạnh trong tình huống này, trẻ em và phụ nữ cần phải được cung cấp thông tin, kỹ năng, động viên và hỗ trợ đầy đủ.

Phó Cục trưởng Cục Trẻ em Vũ Kim Hoa chia sẻ, hiện nay, chiến dịch tổng lực của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc triển khai các hoạt động chăm sóc trẻ em, cộng đồng, làm thế nào để bảo vệ trẻ em vẫn đang được thực hiện. Trong đó, Cục Trẻ em đã chủ động xây dựng các thông điệp truyền thông phòng, chống dịch bệnh cho trẻ em trong giai đoạn đi học để kịp thời tuyên truyền tới gia đình, cộng đồng và nhà trường.

Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đã công bố đường dây nóng qua Tổng đài 111 tiếp nhận giải đáp những vấn đề vướng mắc khi thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng trong Quyết định 15/2020/QĐ-TTg về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó, những đối tượng trẻ em thuộc diện bảo trợ xã hội, trong các gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, có người bị mất việc… do dịch bệnh Covid-19 có thắc mắc đều có thể gọi điện để được hỗ trợ và giải đáp chính sách kịp thời.

THẢO AN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/44534702-dong-hanh-bao-ve-tre-em-trong-boi-canh-dich-covid-19.html