Đóng góp vào sự phát triển của đất nước

Qua các vòng tuyển chọn khắt khe, công khai, Ban tổ chức chương trình 'Vinh quang Việt Nam' lần thứ XV - năm 2019 quyết định sẽ tôn vinh 12 cá nhân và 7 tập thể có đóng góp tích cực vào sự trưởng thành của đất nước, nhân kỷ niệm 50 năm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân học tập và làm theo Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Vinh danh nhiều thành tựu trong giáo dục và y tế

Trong số 19 tập thể, cá nhân được vinh danh trong chương trình “Vinh quang Việt Nam” năm nay, ghi nhận có tới 7 tập thể, cá nhân trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Trong đó tiêu biểu là Học viện Quân y (thuộc Bộ Quốc phòng).

Vệ tinh MicroDragon của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam trong quá trình lắp đặt vào tên lửa Epsilon số 4 tại JAXA. Ảnh: P.V

Vệ tinh MicroDragon của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam trong quá trình lắp đặt vào tên lửa Epsilon số 4 tại JAXA. Ảnh: P.V

Từ năm 1949 đến nay, Học viện Quân y được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá là cơ sở đào tạo có chất lượng cao, cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ giảng viên giỏi và quan hệ quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học với 10 nước trên thế giới sâu rộng; được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là 1 trong 17 trường trọng điểm Quốc gia - là trung tâm lớn, rất có uy tín về đào tạo chất lượng cao cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật chuyên ngành y dược của Quân đội.

Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết - Giám đốc Học viện Quân y cho biết: Trường đã đào tạo gần 30.000 bác sĩ và hơn 1.000 tiến sĩ ngành y dược. Đáng chú ý, số tiến sĩ ngành y, dược đào tạo trong cả nước tại Học viện Quân y chiếm 1/3 trong tổng số cả nước. Học viện Quân y cũng đã quan tâm, đào tạo các bác sĩ ở vùng sâu, vùng xa, vùng “trắng” bác sĩ ở Tây Nguyên, các tỉnh Bắc Kạn, Yên Bái…

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thiết thực kỷ niệm 90 năm Ngày Thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2019), sáng 3/7, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Thủ đô Hà Nội, Báo Lao Động sẽ tổ chức chương trình “Vinh quang Việt Nam” lần thứ XV - năm 2019 với chủ đề “Thi đua làm theo lời Bác”.

Được tổ chức lần đầu tiên nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao Động 1/5/2004, đến nay, chương trình “Vinh quang Việt Nam” đã trở thành sự kiện có uy tín lớn trong xã hội, thu hút sự quan tâm của nhân dân cả nước, có tác động tích cực và để lại dấu ấn tốt đẹp trong xã hội. Sau 14 lần tổ chức, chương trình đã tôn vinh hàng trăm tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới của đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong nghiên cứu khoa học, từ năm 2007 đến nay, trường đã hoàn thành 56 đề tài, dự án cấp Nhà nước; 136 đề tài cấp Bộ, ngành và cấp tỉnh, thành phố; 605 đề tài cấp cơ sở và 400 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên.

Đặc biệt, Học viện Quân y là đơn vị đầu tiên trong nước triển khai nghiên cứu và thực hiện thành công 5 ca ghép tạng đầu tiên trên người, góp phần tạo nên bước phát triển vượt bậc của nền y học nước nhà; được tặng thưởng “Gải thưởng Hồ Chí Minh” về khoa học công nghệ. Học viện cũng là cơ sở đầu tiên của Quân đội thực hiện thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, hiện đã có 4.500 cháu ra đời bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản, trong đó có 2.000 cháu ra đời bằng thụ tinh trong ống nghiệm...

Trong lĩnh vực giáo dục, chương trình sẽ tôn vinh cô giáo Vũ Thị Việt Hoa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - tấm gương có nhiều sáng kiến đổi mới về phương pháp giáo dục, có sức lan tỏa lớn. Đặc biệt, năm học 2017-2018, cô Hoa đã có sáng kiến “Một số giải pháp bồi dưỡng đạo đức cho học sinh tiểu học”, nhằm tăng cường giáo dục ý thức pháp luật cho học sinh.

Đặc biệt, thông qua giải pháp “Đổi mới phương pháp giảng dạy an toàn giao thông trong trường tiểu học” và bồi dưỡng kĩ năng sống đẹp của con người Việt Nam qua giải pháp đổi mới tiết sinh hoạt chào cờ đầu tuần tại trường tiểu học. Sáng kiến trên đã được Hội đồng Khoa học tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiểm định và công nhận có ảnh hưởng trên phạm vi toàn quốc.

Nhân lên niềm tự hào sức trẻ Việt Nam

Ngày 18/1/2019, tại trung tâm vũ trụ Uchinoura (Nhật Bản), vệ tinh MicroDragon đã được tên lửa Epsilon số 4 phóng vào quỹ đạo, đánh dấu một bước tiến lớn của khoa học Việt Nam trong việc chinh phục vũ trụ. Nhiệm vụ chủ đạo của MicroDragon là chụp ảnh theo dõi chất lượng nước biển ven bờ để phục vụ cho ngành đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản Việt Nam. Điều đáng nói là MicroDragon được thiết kế, chế tạo bởi 36 nghiên cứu viên đều ở lứa tuổi 30, là các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đang theo học tại 5 trường đại học hàng đầu Nhật Bản tham gia khóa học thạc sĩ công nghệ vệ tinh.

PGS.TS Phạm Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho hay, nếu đi mua thì giá thành có thể rẻ hơn nghiên cứu sản xuất, nhưng mãi mãi chúng ta không làm chủ được công nghệ. Với suy nghĩ đó, từ năm 2007, các kỹ sư của trung tâm phải vừa làm, vừa mày mò học từ những kiến thức cơ bản nhất về quy trình phát triển vệ tinh và sau 7 năm ý tưởng đó mới thành hiện thực.

Thành công ban đầu trong việc phóng và vận hành vệ tinh MicroDragon trên quỹ đạo đã là động lực khích lệ đội ngũ cán bộ tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam có thể phát triển và thực hiện được các công việc khó khăn hơn trong tương lai. Đặc biệt, mở ra cơ hội Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện giấc mơ sản xuất vệ tinh “Made in Vietnam”, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ vũ trụ thế giới.

Tại chương trình vinh danh các tập thể, cá nhân “Vinh quang Việt Nam” năm nay, ghi nhận sự xuất hiện của những tấm gương là kỹ sư, người lao động trực tiếp tuổi đời còn khá trẻ, nhưng đã phát huy sức trẻ, sức sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Có thể kể đến chuyên viên Nguyễn Ngọc Thanh (Ban Vận hành Sản xuất Công ty TNHH một thành viên Lọc - Hóa dầu Bình Sơn). Anh Thanh đã đề xuất “Giải pháp hạn chế tối đa hơi thấp áp xả ra môi trường trong điều kiện hơi thấp áp sinh ra từ các tuốc bin cao hơn nhiều so với lượng hơi thấp áp tiêu thụ trong Nhà máy Lọc - Dầu Dung Quất”, góp phần làm lợi cho Công ty khoảng 2,8 triệu USD/năm. Đặc biệt đề xuất “Nâng cao độ tin cậy và tối ưu hóa vận hành trạm giảm ồn giảm áp trong Nhà máy Lọc - Hóa Dung Quất” của anh Thanh đã làm lợi cho Công ty khoảng 12,4 tỷ đồng/năm.

Hay như những tấm gương kỹ sư trẻ Nguyễn Vũ Đạt (SN 1986) là kỹ sư điện - điện tử Công ty TNHH MTV Cao Su Thống Nhất (Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH Một thành viên), từ năm 2013-2017, đã có 15 sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học, với tổng số tiền làm lợi là gần 3 tỷ đồng. Kỹ sư Nguyễn Hồng Thảo (SN 1982) là kỹ sư cơ khí, kỹ sư kinh tế vận tải biển - Công ty TNHH Một thành viên Cảng Bến Nghé (TP Hồ Chí Minh), từ năm 2013 -2017, đã 5 sáng kiến, với tổng số tiền làm lợi gần 5 tỷ đồng...

Ông Nguyễn Đình Chúc - Phó Tổng Biên tập Báo Lao Động cho hay, điểm mới của chương trình “Vinh quang Việt Nam” lần thứ 15 là gắn với chủ đề “Thi đua làm theo lời Bác”.

Đặc biệt, qua các vòng tuyển chọn và đăng tải công khai trên các ấn phẩm của báo Lao Động để nhận sự góp ý của bạn đọc cả nước, Ban tổ chức chương trình quyết định tôn vinh 12 cá nhân và 7 tập thể đã có đóng góp tích cực vào sự trưởng thành, phát triển đi lên của đất nước. Đây cũng là những tấm gương đã được các cơ quan Đảng, Nhà nước ghi nhận, qua danh sách giới thiệu của Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

L.Ngọc

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/dong-gop-vao-su-phat-trien-cua-dat-nuoc-93407.html