Đóng góp đầu năm học và câu chuyện xã hội hóa giáo dục: Cần hài hòa giữa lợi ích và trách nhiệm

Vấn đề được đặt ra và cần giải quyết là làm thế nào để tránh việc lạm thu, nhưng vẫn huy động được tốt nhất các nguồn lực xã hội cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT)...

Lễ khai giảng năm học mới 2019-2020 tại Trường THCS Minh Khai (TP Thanh Hóa).

Hạ nhiệt “điểm nóng”?

Họp phụ huynh là hình thức kết nối giữa nhà trường và gia đình, nhằm phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong việc giáo dục học sinh. Thế nhưng, bấy lâu nay, ý nghĩa và mục đích quan trọng ấy đã bị biến tướng đi ít nhiều. Bởi nhiều cuộc họp phụ huynh bỗng dưng trở thành nơi tranh luận và đóng góp các khoản phí, quỹ, xã hội hóa (XHH) đủ kiểu, trong sự bất mãn nhưng phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” của không ít phụ huynh. Cái thông lệ hàng năm ấy, thậm chí đã trở thành “luật bất thành văn”, khiến nhiều người ngán ngẩm và tạo dư luận xã hội không mấy tích cực đối với ngành GD&ĐT. Là một trong những trung tâm phát triển của giáo dục Thanh Hóa, TP Thanh Hóa cũng đã không ít lần “đứng mũi chịu sào”, do tình trạng lạm thu tại một số cơ sở giáo dục trên địa bàn. Song, câu chuyện tưởng không có hồi kết ấy, đang có một hướng tiếp cận mới trong năm học 2019-2020 này.

Cuộc họp phụ huynh đầu năm học của Trường Tiểu học Điện Biên I (TP Thanh Hóa), diễn ra và kết thúc trong sự ngỡ ngàng của nhiều bậc phụ huynh. Điểm mới của cuộc họp năm nay là giáo viên dành 2/3 thời gian để thông báo tình hình nhà trường, lớp học và nhận xét ưu, khuyết điểm của học sinh. Phần thời gian còn lại giáo viên thông báo các quy định của ngành GD&ĐT và chính quyền TP Thanh Hóa về các khoản đóng góp. Đồng thời, dành thời gian cho phụ huynh đóng góp ý kiến, thảo luận, bàn bạc và thống nhất đóng góp các khoản thu XHH. “Cái kết ngỡ ngàng” của cuộc họp là khi phụ huynh ra về mà hầu như chưa phải đóng góp các khoản thu hoặc mới chỉ đóng quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh.

Là phụ huynh có con đang theo học tại trường, chị Trần Thị Minh Châu (phường Trường Thi), chia sẻ: “Quả thực là mình đã chuẩn bị “tâm thế” để đóng tiền. Thế nhưng việc nhà trường không triển khai thu cũng khiến mình khá là bất ngờ và phần nào giúp mình giảm được kha khá áp lực. Vì mình có hai cháu đang học cấp 1 và cấp 2, nếu đóng tiền cùng một thời điểm cũng tốn một khoản tương đối lớn”. Nói về việc phụ huynh tham gia thảo luận, bàn bạc và đóng góp các khoản XHH, chị Minh Châu cho biết thêm: “Mình ủng hộ việc đóng góp các khoản thu này, miễn sao mức thu phù hợp, kinh phí được sử dụng đúng mục đích và giúp ích cho việc học tập của con em. Hơn nữa, việc thu – chi cũng phải công khai, minh bạch để phụ huynh nắm bắt được”.

Có thể những điều mà vị phụ huynh trên chia sẻ chưa phải là đại diện cho số đông. Cũng có thể cách làm của cơ sở giáo dục này càng chưa thể đại diện cho hầu hết các cơ sở giáo dục. Song, qua tìm hiểu và nắm bắt dư luận, phản hồi bước đầu chúng tôi nhận được là khá tích cực. Bởi, nếu so sánh sức nóng dư luận của vài ba năm học trước, mới thấy không khí năm nay có phần “trầm lắng” hơn. Trao đổi với ông Tạ Hồng Lựu, Trưởng Phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa sau cuộc họp phụ huynh đầu năm, chúng tôi được biết: Vài năm trước, sau khi các trường triển khai họp phụ huynh là hầu như ngay lập tức, phòng nhận được phản hồi từ phụ huynh liên quan đến các khoản thu chưa phù hợp. Rút kinh nghiệm từ đó, năm học 2019-2020, việc quán triệt và triển khai các văn bản của ngành GD&ĐT và TP Thanh Hóa, liên quan đến các khoản đóng góp đầu năm học, được thực hiện chặt chẽ, bài bản hơn.

Cụ thể, trước đây các cơ sở giáo dục thường họp và bàn bạc với ban đại diện cha mẹ học sinh để xây dựng dự toán các khoản thu. Dự toán này sẽ được gửi về UBND phường, Phòng GD&ĐT, Phòng Tài chính TP Thanh Hóa để thẩm định và thông qua. Sau đó, nhà trường tổ chức họp phụ huynh để triển khai và thực hiện thu. Điều này dẫn đến không ít ý kiến trái chiều khi cho rằng, các khoản thu đã được thống nhất trước, thì bàn bạc chỉ mang tính hình thức và không còn nhiều ý nghĩa. Do đó, trong cuộc họp đầu năm học 2019-2020 này, các nhà trường sẽ triển khai bàn bạc với toàn thể phụ huynh, nhằm đi đến thống nhất các khoản thu. Tùy theo khả năng, mong muốn của phụ huynh và thực trạng, nhu cầu của cơ sở giáo dục ở từng địa bàn cụ thể, các khoản thu XHH sẽ có mức khác nhau. Sau đó, nhà trường mới xây dựng dự toán và trình lên UBND phường, Phòng GD&ĐT và Phòng Tài chính để thẩm định, thông qua rồi mới triển khai thu.

Như vậy, thay vì đi theo “quy trình ngược” như trước đây, thì năm nay “quy trình” này có vẻ đã “thuận” hơn. Tại thời điểm diễn ra cuộc trao đổi với lãnh đạo Phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa, chúng tôi được chia sẻ thêm, phòng chưa nhận được phản hồi tiêu cực nào từ phía phụ huynh, liên quan đến các khoản thu bất hợp lý. Song có lẽ còn quá sớm để khẳng định, thành phố - một trong những “điểm nóng” lạm thu đã hạ nhiệt. Bởi, vấn đề có thể vẫn sẽ phát sinh sau khi các cơ sở giáo dục xây dựng dự toán và nhất là khi triển khai thu các khoản đóng góp. Giải pháp được TP Thanh Hóa đề ra, nhằm hạn chế tình trạng lạm thu mới đi được 1/2 chặng đường. Do vậy, dư luận xã hội và nhất là các bậc phụ huynh hẳn cũng đang “nín thở” chờ đợi bước tiếp theo của quy trình đóng góp này.

“Bịt cửa” lạm thu

Đến hẹn lại lên, vấn đề lạm thu và giải pháp để “bịt cửa” lạm thu, đang và sẽ lại được đưa ra thảo luận, phân tích, quy trách nhiệm và xử lý nếu có sai phạm. Đặt vấn đề với ngành chức năng liên quan đến nội dung này, chúng tôi được ông Hoàng Văn Thi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Đa phần các đơn vị, trường học đã thực hiện khá nghiêm túc các khoản thu, chi ngoài ngân sách. Tuy nhiên, tình trạng lạm thu vẫn xảy ra ở một số cơ sở giáo dục, nhất là bậc học mầm non, tiểu học và THCS. Các khoản thu này chủ yếu liên quan đến dạy thêm, học thêm, quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh, các khoản thu phục vụ học sinh và huy động tài trợ tăng cường cơ sở vật chất. Trước thực trạng trên, trong năm học 2019-2020, nhằm quản lý và hạn chế phát sinh lạm thu, Sở GD&ĐT đã ban hành các Văn bản số 1890/SGDĐT-KHTC, ngày 29-7-2019 về việc hướng dẫn triển khai thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách trong các trường học năm học 2019-2020; Văn bản số 2300/SGDĐT-KHTC, ngày 4-9-2019 về việc tăng cường quản lý, chống tình trạng lạm thu trong các trường học vào đầu năm học 2019-2020.

Cùng với các khoản thu theo quy định của Nhà nước, “các khoản không được thu trong các cơ sở giáo dục” cũng được nêu rõ ràng, chi tiết tại Văn bản 1890. Cụ thể, có 9 khoản “không được thu”, bao gồm: Các khoản ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu; đóng góp của cha mẹ học sinh phục vụ chi thường xuyên; vệ sinh; đồng phục; sách tham khảo; phát hành hồ sơ, sổ sách nhà trường và giáo viên; tổ chức dạy tiếng Anh và song ngữ từ lớp 3 đến lớp 9 và dạy làm quen tiếng Anh đối với trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi; kiểm tra định kỳ đối với học sinh tiểu học, THCS và THPT; tổ chức dạy thêm tiết thứ 8 trong ngày đối với các lớp tiểu học. Bên cạnh đó, để chống tình trạng lạm thu, ngành GD&ĐT cũng đặc biệt nhấn mạnh đến công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục, cũng như trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục trên địa bàn để xảy ra tình trạng lạm thu.

Quy định là vậy, nhưng thực tế triển khai không phải địa phương và cơ sở giáo dục nào cũng thực hiện nghiêm túc và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của phụ huynh. Điển hình như tại Trường Tiểu học Yên Phong (huyện Yên Định) vài ngày qua, một danh sách 25 khoản thu đã được thống kê và tranh luận tại cuộc họp phụ huynh toàn trường. Tính đúng – sai của các khoản thu hiện vẫn chờ phân định, song sự việc đã một lần nữa cho thấy, câu chuyện lạm thu tại các cơ sở giáo dục vẫn cứ tái hồi. Dẫu rằng, hàng loạt các văn bản quy định có liên quan đã được Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT ban hành và hướng dẫn triển khai thực hiện đến các địa phương, xuống tận các cơ sở giáo dục. Các khoản thu cứng có tính bắt buộc và cả các khoản thu ngoài ngân sách đều được quy định khá rõ ràng, chặt chẽ. Song, tình trạng “trên nóng dưới lạnh” hay cố tình “lách” quy định vẫn diễn ra. Thậm chí, từ quy định đến việc thực hiện, ví như 2 đường thẳng song song, không có điểm kết nối.

Vài năm trở lại đây, vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh bỗng dưng được nâng lên một bậc. Nhiều nơi, ban đại diện này trở thành “tấm bình phong”, hỗ trợ tích cực và đắc lực cho các cơ sở giáo dục “lách” quy định, để thu các khoản “ngoài tầm với”. Các khoản đóng góp được thực hiện dưới hình thức XHH, công khai và tự nguyện. Tuy nhiên, “nguyên tắc tự nguyện” lại được mềm hóa thành “tinh thần tự nguyện”. Từ đó, việc huy động đóng góp từ cha mẹ học sinh nhiều khi được tiến hành theo kiểu áp đặt, cào bằng và đổ đầu học sinh. Do đó, để có thể “bịt cửa” lạm thu hay kéo gần khoảng cách từ văn bản quy định đến việc thực thi, thiết nghĩ, phải từ sự công tâm, quyết tâm và trách nhiệm của ngành chức năng, chính quyền các địa phương và đặc biệt là của chính các cơ sở giáo dục. Đồng thời, đề cao vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh, nhưng phải trong khuôn khổ quy định.

Hồi kết nào cho câu chuyện XHH giáo dục?

Khẳng định rằng, lạm thu nhằm tư lợi hoặc phục vụ không đúng mục đích, là phải kiên quyết chấn chỉnh. Song, cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, XHH trong lĩnh vực giáo dục là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Cách đây hơn 20 năm, Nghị quyết 90-CP ngày 21-8-1997 của Chính phủ, về phương hướng và chủ trương XHH các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, đã nêu rõ: XHH là mở rộng các nguồn đầu tư, khai thác các tiềm năng về nhân lực, vật lực và tài lực trong xã hội. Đây là một chính sách lâu dài, ngay cả khi ngân sách Nhà nước dồi dào vẫn phải thực hiện XHH. Bởi vì giáo dục, y tế, văn hóa là sự nghiệp lâu dài của nhân dân!

Như vậy, vấn đề được đặt ra và cần giải quyết ở đây là làm thế nào để tránh việc lạm thu, nhưng vẫn huy động được tốt nhất các nguồn lực xã hội cho giáo dục. Trong thực tế, sự tham gia hay ý thức trách nhiệm của người dân đối với sự phát triển giáo dục hiện nay, vẫn còn rất hạn chế. Bên cạnh các nguyên nhân khách quan và chủ quan, thì việc phát sinh không ít mâu thuẫn trong quá trình thực hiện chính sách, là lực cản khiến cho nguồn lực lớn từ xã hội chưa thể “chảy” vào giáo dục. Đơn cử như việc đóng góp các khoản phí, quỹ đầu năm học, như đã nêu ở trên, là một ví dụ điển hình.

Đó là mâu thuẫn giữa mong muốn huy động được nguồn lực xã hội to lớn phục vụ sự nghiệp giáo dục; với các văn bản pháp quy, quy định cách thức, nội dung triển khai phải dựa theo nguyên tắc “tự nguyện”. Thế nhưng, có lúc, có nơi và có người vẫn đang hiểu rằng “tự nguyện” là “ai thích thì đóng, không thích thì thôi”, chứ không phải là trách nhiệm công dân. Đó là mâu thuẫn giữa mong muốn của các cơ sở giáo dục trong việc cải thiện điều kiện dạy và học; với việc “sợ” dư luận xã hội gây áp lực, ảnh hưởng đến hoạt động và uy tín của nhà trường. Đó còn là mâu thuẫn giữa mong muốn cho con em mình được học tập trong môi trường giáo dục tốt nhất; với việc hạn chế hoặc không muốn bỏ tiền đóng góp để phục vụ chính con em mình...

Đành rằng, “không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ GD&ĐT”, như tinh thần Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Song, trở đi cũng phải trở lại, nếu chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước hạn hẹp dành cho giáo dục, thì rất khó để các cơ sở giáo dục có thể cung cấp được các dịch vụ GD&ĐT “tốt vừa”, chứ đừng nói đến “tốt nhất”. Hiểu đơn giản hơn, trong điều kiện kinh tế đất nước và của tỉnh còn những khó khăn nhất định nếu không có các nguồn lực xã hội, mà trực tiếp và cụ thể nhất là sự đóng góp của mỗi bậc phụ huynh, thì khó có thể đòi hỏi một môi trường giáo dục và điều kiện học tập tốt cho con em chúng ta. Giải quyết được hàng loạt mâu thuẫn kể trên, thiết nghĩ, câu chuyện XHH giáo dục, vốn gây không ít tranh cãi vài năm gần đây, sẽ có được hồi kết?

Cũng bởi dựa trên nguyên tắc tự nguyện, cho nên tính ràng buộc pháp lý của các chính sách XHH trong giáo dục là không cao. Song điều đó lại cho thấy tính nhân văn trong xây dựng chính sách; cũng đồng thời là nhằm nhấn mạnh, đề cao vai trò, nhận thức, ý thức của mỗi người dân – với tư cách một công dân có trách nhiệm. Đó là chưa kể, ở một khía cạnh khác, XHH trong giáo dục cũng được xem là một giải pháp nhằm thực hiện công bằng xã hội. Bởi lẽ, công bằng không chỉ hiểu là “hưởng thụ”, mà còn được thể hiện thông qua sự đóng góp, cống hiến của mỗi người cho sự phát triển giáo dục nói riêng, phát triển xã hội nói chung.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/dong-gop-dau-nam-hoc-va-cau-chuyen-xa-hoi-hoa-giao-duc-can-hai-hoa-giua-loi-ich-va-trach-nhiem/108843.htm