Đóng góp cho hòa bình thế giới để bảo vệ nền hòa bình của Việt Nam

'Chúng ta đóng góp vào hòa bình trên thế giới, mặc nhiên chúng ta yêu cầu các nước cũng phải tôn trọng hòa bình của Việt Nam, tôn trọng lợi ích chính đáng, chủ quyền của Việt Nam', Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành, Trưởng ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình (GGHB) Liên hợp quốc (LHQ), khẳng định trong cuộc trao đổi với báo chí Việt Nam.

Phóng viên (PV): Thưa Thứ trưởng, đại dịch Covid-19 có ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động của lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam đang triển khai tại hai phái bộ Cộng hòa (CH) Trung Phi và CH Nam Sudan?

Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có chỉ đạo phải thực hiện nghiêm các quy định và biện pháp để phòng, chống đại dịch Covid-19 bảo đảm an toàn cho các lực lượng GGHB LHQ của Việt Nam đang làm nhiệm vụ tại địa bàn châu Phi. Điều kiện chữa trị ở đây phải nói là cực kỳ khó khăn, cả về nguồn lực con người cũng như trang thiết bị y tế. Hiện Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 2 (BVDC 2.2) của Việt Nam ở Bentiu, CH Nam Sudan, đang điều trị cho một bệnh nhân nghi nhiễm nhưng phải gửi mẫu xét nghiệm tới thủ đô Juba cách hàng trăm cây số. Bộ Quốc phòng đã có phương án gửi thêm vật tư và thiết bị sang địa bàn để hỗ trợ BVDC phòng, chống dịch. Hằng ngày, Bộ Quốc phòng đều nắm các báo cáo về tình hình sức khỏe của lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam tại các địa bàn. Từ trong nước, Học viện Quân y đã tổ chức tập huấn trực tuyến về phòng, chống đại dịch cho BVDC 2.2.

Hiện BVDC 2.2 đang được đặt trong tình trạng báo động cao, toàn thể cán bộ, nhân viên bắt buộc phải thực hiện nghiêm quy trình phòng dịch, tránh lây nhiễm, với ưu tiên là bảo đảm an toàn. Các tình huống giả định cũng được đặt ra để có thể ứng phó kịp thời. Trường hợp đóng cửa bệnh viện để bảo đảm an toàn cũng được tính tới, thậm chí chúng ta có thể thực hiện quyền rút lực lượng về nước nếu dịch bệnh bùng phát trên diện rộng và gây nguy hiểm cho cán bộ, chiến sĩ. Tất cả phương án đều được trao đổi trước với LHQ để thực hiện theo đúng quy định. Nhưng rất may cho đến nay, chúng ta chưa phải thực hiện những việc này. BVDC 2.2 đã hỗ trợ rất tốt Phái bộ trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch lây lan, vừa bảo đảm an toàn nhất có thể.

 Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu tại cuộc họp Tổ công tác liên ngành về Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, ngày 21-9-2018. Ảnh minh họa: qdnd.vn

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu tại cuộc họp Tổ công tác liên ngành về Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, ngày 21-9-2018. Ảnh minh họa: qdnd.vn

Tại Phái bộ GGHB ở CH Trung Phi (MINUSCA), các sĩ quan của chúng ta cũng tham gia tích cực cùng với Phái bộ tuyên truyền các biện pháp phòng, chống đại dịch. Trung tá Nguyễn Thị Liên đã được chỉ huy Phái bộ tặng giấy khen đột xuất vì có việc làm ý nghĩa may hơn 400 chiếc khẩu trang tặng đồng nghiệp trong toàn MINUSCA và một số người dân địa phương. Tôi cho rằng, đây là sự ghi nhận đối với việc làm giản dị, nhưng cao đẹp và cách hành xử trách nhiệm vì cộng đồng, đóng góp cho nỗ lực chung toàn cầu của chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam.

Cho dù gặp rất nhiều thách thức, chúng ta quyết tâm không để dịch bệnh lây nhiễm vào lực lượng GGHB LHQ của Việt Nam, quyết tâm không để dịch bệnh ảnh hưởng tới nhiệm vụ.

PV: Ngoài yếu tố dịch bệnh, trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều thách thức đối với hoạt động GGHB LHQ của Việt Nam thời gian tới. Thứ trưởng có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?

Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Thách thức của Việt Nam là đào tạo đội ngũ cán bộ, sĩ quan có đủ trình độ và năng lực đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ mới. Do đặc thù nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ triển khai tại địa bàn thường xuyên phải luân phiên thay thế. Vì vậy, yêu cầu đào tạo sĩ quan làm nhiệm vụ tại địa bàn cần phải được quan tâm. Việc đào tạo ngoại ngữ, kiến thức về luật pháp quốc tế, quy định của LHQ, văn hóa nước sở tại, chuyên môn GGHB LHQ… là rất quan trọng. Các sĩ quan đi làm nhiệm vụ, ngoài chuyên môn, còn phải là cán bộ chính trị, tuyên huấn để thực sự là hình ảnh đại diện cho đất nước, con người và quân đội Việt Nam. Ngoài ra, trong môi trường GGHB LHQ, địa bàn xa xôi, phức tạp, thiếu luật pháp, khắc nghiệt về khí hậu, nhiều bệnh dịch, thách thức bảo đảm sức khỏe và an toàn cho lực lượng của chúng ta cũng không nhỏ. Bộ Quốc phòng luôn nhấn mạnh yêu cầu chăm lo sức khỏe, bảo đảm an toàn cho lực lượng GGHB LHQ là hàng đầu khi tham gia các hoạt động có tính nguy hiểm. Thách thức thứ ba là nguồn lực của chúng ta có hạn. Dù tham gia hoạt động này, LHQ sẽ trả chi phí, nhưng chúng ta cũng phải có nguồn lực để huấn luyện, chuẩn bị và điều hành lực lượng. Tôi tin với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng, chúng ta sẽ vượt qua được những thách thức này để tham gia ngày càng tích cực, mở rộng trong hoạt động GGHB LHQ theo như đánh giá của quốc tế.

PV: Tính đến nay, tròn 6 năm Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ. Thứ trưởng cho biết sự tham gia của Việt Nam vào hoạt động GGHB LHQ thời gian tới sẽ có những điểm gì mới?

Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Tới đây, chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện các kế hoạch thay quân cho các lực lượng tham gia ở hình thức cá nhân và đơn vị, tiếp tục duy trì BVDC cấp 2 ở CH Nam Sudan. Lãnh đạo LHQ đã đề nghị Việt Nam duy trì lực lượng này thêm ít nhất 5 năm. Tuy nhiên, đây là yêu cầu của LHQ còn thực hiện như thế nào thì tùy vào điều kiện và chính sách của Việt Nam. Năm 2020 dự kiến Việt Nam sẽ triển khai đội công binh sang CH Nam Sudan, nhưng do đại dịch Covid-19, kế hoạch sẽ chậm lại. Chúng ta cũng tính toán cử các lực lượng khác như cảnh sát, bảo vệ, thông tin… tham gia hoạt động GGHB LHQ.

Ngoài ra, Việt Nam rất quan tâm thúc đẩy việc đưa các sĩ quan tham gia làm việc ở các cơ quan tại trụ sở LHQ, từ cơ quan hoạch định chính sách cho đến cơ quan điều hành các hoạt động GGHB, giải trừ quân bị, là những cơ quan đưa ra các nguyên tắc chung của thế giới về hòa bình. Đây là những vị trí có yêu cầu rất cao, được lựa chọn khắt khe và phải là những sĩ quan đã kinh qua các nhiệm vụ và đóng góp ở các Phái bộ. Rất tự hào là Việt Nam đã có sĩ quan đầu tiên vượt qua tất cả các vòng thi để trúng tuyển vào vị trí sĩ quan kế hoạch của Cục các hoạt động hòa bình LHQ tại New York (Mỹ). Đó là Trung tá Lương Trường Vinh thuộc Cục GGHB Việt Nam. Sắp tới Việt Nam sẽ cử thêm các sĩ quan ứng thi vào các vị trí ở các cơ quan LHQ. Tôi tin trong những năm tới, Việt Nam sẽ có các sĩ quan đảm nhận vị trí chỉ huy ở các Phái bộ CH Nam Sudan và CH Trung Phi cũng như vị trí ở các cơ quan của LHQ.

Trong khi chúng ta cố gắng làm những cái mới, những nhiệm vụ lớn hơn, cần chú ý tiếp tục duy trì những công việc chúng ta đã và đang làm để không bị giảm chất lượng, bảo đảm tính kỷ luật và đặc biệt là không để mất an toàn.

Việc cử lực lượng tham gia hoạt động GGHB LHQ được dựa trên những thế mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam đúc rút từ các cuộc kháng chiến, từ quá trình xây dựng lực lượng trong thời bình. Cho dù thế nào, việc tham gia hoạt động GGHB LHQ cũng phải phù hợp với chính sách của Việt Nam, đó là không tham gia xung đột, không tham gia giao tranh quân sự, không tham gia quản lý dân mà chỉ đưa những lực lượng mang tính chất hòa bình, xây dựng tái thiết cho các phái bộ.

PV: Tham gia hoạt động GGHB LHQ có ý nghĩa như thế nào trong việc bảo đảm quốc phòng, an ninh của Việt Nam, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Việc cử lực lượng tham gia hoạt động GGHB LHQ trước hết thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Chúng ta nói là làm, không nói suông. Thứ hai, khi chúng ta đóng góp vào hòa bình trên thế giới, mặc nhiên chúng ta yêu cầu các nước cũng phải tôn trọng hòa bình của Việt Nam, tôn trọng lợi ích chính đáng, chủ quyền của Việt Nam. Đây là một tiêu chí rất quan trọng trong bảo vệ Tổ quốc thời bình. Chúng ta bảo vệ Tổ quốc trong thời bình là không để mất lợi ích quốc gia dân tộc, không để xảy ra xung đột, đặc biệt là phải đẩy lùi chiến tranh. Tham gia vào những hoạt động như vậy, chúng ta mới có quyền đòi hỏi lợi ích của mình.

Sắp tới đây, nhiệm vụ của chúng ta rất nặng nề vì chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định rõ Việt Nam là đối tác có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẽ không thể đứng ngoài vấn đề an ninh khu vực và thế giới. Vì vậy chúng ta sẽ phải tiếp tục có nhiều hoạt động hơn nữa để thể hiện chính sách đó. Nói cho cùng tất cả đều là để bảo vệ lợi ích của chính đất nước chúng ta.

PV: Thứ trưởng đánh giá như thế nào về chặng đường Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ trong những năm qua?

Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Có thể nói chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu rất đáng mừng. Việt Nam đã cử gần 200 lượt sĩ quan làm nhiệm vụ ở hai phái bộ CH Trung Phi và CH Nam Sudan, cử đơn vị BVDC cấp 2 số 1 (đã hoàn thành nhiệm vụ về nước) và hiện là BVDC 2.2 đang làm nhiệm vụ tại Phái bộ CH Nam Sudan. Lực lượng Việt Nam cử đi đều đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí của LHQ, được lãnh đạo LHQ đánh giá cao về trình độ chuyên môn và tính kỷ luật, năng lực không thua kém bất kỳ quốc gia nào. Để có được kết quả này, Việt Nam đã trải qua quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng (hơn 10 năm) về chính sách, lực lượng và quan hệ quốc tế. Chúng ta có sự chuẩn bị nghiêm túc, cẩn thận, đưa quân đi phải bảo đảm thành công, chắc chắn mình làm tốt rồi mới cử quân đi.

Cũng cần phải nhấn mạnh thêm về sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động GGHB LHQ của Việt Nam được LHQ đánh giá rất cao. Tỷ lệ nữ sĩ quan tham gia hoạt động GGHB LHQ của Việt Nam là cao so với các nước (hơn 10%). Các nữ sĩ quan Việt Nam đảm nhận những nhiệm vụ như nam giới, kể cả tham mưu kế hoạch, quân y, đặc biệt ta đã cử nữ sĩ quan đầu tiên làm Quan sát viên quân sự là Thiếu tá Nguyễn Thị Minh Phương. Các đồng chí nữ đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo đảm an toàn, đi đến đâu cũng được người dân địa phương quý mến với những việc làm thân thiện, giúp đỡ người dân một cách rất tự nhiên. LHQ đã đề nghị Việt Nam tổ chức Hội nghị quốc tế “Vai trò của phụ nữ trong hoạt động GGHB LHQ” vào năm 2020. Đây không chỉ là vinh dự cho Việt Nam, cho phụ nữ Việt Nam mà còn thể hiện sự công nhận đối với vai trò của phụ nữ Việt Nam trong hoạt động GGHB LHQ, chứng tỏ với quốc tế Việt Nam luôn đề cao vai trò và bảo đảm các quyền của phụ nữ. Dự kiến lãnh đạo của hơn 100 quốc gia sẽ tham gia sự kiện này. Nên biết rằng nhiều nước cũng muốn đăng cai hội nghị này nhưng Việt Nam đã được chọn là nước chủ nhà. Tôi rất tự hào vì các sĩ quan Việt Nam ngoài thực hiện nhiệm vụ quốc tế, còn làm được những điều giản dị nhưng ý nghĩa lớn lao, đóng góp cho việc quảng bá hình ảnh đất nước.

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

MỸ HẠNH (ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/doi-ngoai/doi-ngoai-quoc-phong/dong-gop-cho-hoa-binh-the-gioi-de-bao-ve-nen-hoa-binh-cua-viet-nam-619165