Đồng đội

Những gian phòng nhỏ được ngăn cách bởi các bức liếp đan bằng nứa. Nhìn từ bên ngoài vào, hai dãy nhà dài song song nhau được dựng bằng gỗ và tre, mái lợp lá gợi nên sự đơn sơ, yên ả.

Đó là khu tập thể quân đội mà tôi đã trải qua những mùa hè ấu thơ. Ngày đó, cứ mỗi dịp nghỉ hè, tôi lại được bố cho lên chơi, ở cùng bố suốt ba tháng. Bố tôi giỏi Toán, trong khi tôi chỉ học tốt Văn, vậy nên đây là dịp lý tưởng để bố bồi dưỡng cho tôi môn Toán. Nhưng điều quan trọng là tôi được sống ba tháng hè thần tiên ở một vùng đất mới lạ và quen thêm những người bạn mới.

Thời gian trôi qua kể từ khi tôi chia tay những ngày niên thiếu ở nơi đó. Hôm nay tôi trở lại, khu nhà tranh tre năm xưa đã không còn dấu tích, thay vào đó là doanh trại quân đội khang trang của quân khu. Dấu vết duy nhất tôi còn nhận ra là cây đa cổ thụ, nơi ngày xưa lũ trẻ chúng tôi thường tụ tập những buổi trưa hè để chơi đùa. Cây đa vẫn còn đó như chứng nhân cho thời gian, chứng nhân cho những gì tôi còn nhớ. Dịp kỷ niệm thành lập quân khu lần này, tôi trở lại thay bố. Lúc còn sống, bố tôi luôn háo hức, bồi hồi mong đến dịp này để trở về nơi bố đã gắn bó và cống hiến suốt nhiều năm. Đồng đội của bố, sau mỗi dịp gặp mặt lại thưa dần, bố tôi rất buồn mỗi khi hay tin ai đó đã ra đi. Và lần này thì bố là người vắng mặt. Nhìn những cựu chiến binh oai phong, lừng lẫy một thời nay đã tóc bạc chân run, tôi không khỏi bâng khuâng.

- Cháu là Phương, con bố Đông phải không?

Giọng nói trầm ấm kéo tôi về thực tại. Sau phút ngỡ ngàng, tôi nhận ra người đang đứng trước mình.

- Bác Lê! Ôi, bác về nước rồi ạ?

- Ừ, sắp xếp mãi rồi cũng về được cháu ạ. Bác về hẳn.

“Bác về hẳn”. Câu nói chắc chắn ấy của bác Lê lại khiến tôi chênh chao. Thế còn Khải, Khải có về cùng bác Lê không? Như đọc được ý nghĩ của tôi, bác Lê ý nhị nói tiếp:

- Bác già rồi. Người già thì chỉ nghĩ về quê hương bản quán thôi cháu ạ. Lá rụng về cội. Còn thằng Khải nhà bác, nó vẫn còn công việc bên ấy. Tuổi các cháu bây giờ công việc là trên hết, phải không?

Minh họa: QUANG CƯỜNG

Minh họa: QUANG CƯỜNG

Người cựu chiến binh đứng trước mặt tôi, khuôn mặt quắc thước, đôi mắt tinh anh. Khải thừa hưởng tất cả những đặc điểm ấy từ bố mình. Riêng nụ cười thì là riêng của Khải. Nụ cười ấy đã làm tôi xao xuyến suốt một thời hoa mộng.

* * *

Ngày ấy, bác Lê là đại đội trưởng, bố tôi là chính trị viên đại đội. Bố tôi và gia đình bác Lê ở gần nhau trong khu tập thể quân đội. Tôi còn nhớ rất rõ, sau mỗi buổi huấn luyện ngoài thao trường về, bộ quân phục mà bố tôi và bác Lê mang trên mình đều đỏ bụi đất. Việc đầu tiên hai người làm là ra khu giếng tắm giặt. Hình ảnh hai người lính phơi quân phục trong những chiều mùa hè trung du khi nắng tắt đến giờ vẫn còn khắc sâu trong trí nhớ của tôi, chân thực đến nỗi chỉ cần tôi nghĩ đến họ là không gian ấy, hình ảnh ấy lại dội về đậm nét. Trong lúc chờ mẹ Khải nấu cơm, bố tôi và bác Lê lại ngồi bên bàn nước nói chuyện. Tôi rất thích nghe chuyện của hai người lính ấy dẫu không hiểu được hết. Lúc đó, họ thường nói về tình hình ở biên giới, có lúc lại nói về xu thế đi nước ngoài của người trẻ. Nhưng câu chuyện chiếm nhiều thời gian nhất chính là những bài huấn luyện, những kinh nghiệm và những câu chuyện vui buồn đời lính. Chiến tranh chống Mỹ vừa kết thúc chưa lâu, những cơ hội và những nguy cơ phía trước. Những người lính đã kinh qua trận mạc luôn là những người nhạy cảm trong phán đoán, sâu sắc trong nhận định. Bố và bác Lê chính là hình ảnh đẹp đẽ và gần gũi nhất về người lính trong tôi.

Mỗi dịp nghỉ hè tôi lên chơi, khi bố bảo tôi học Toán thì Khải thường ngó qua bức liếp xem tôi học. Mỗi lần tôi trả lời sai, bố chưa kịp nói gì thì Khải đã cười như nắc nẻ. Sau mấy lần như vậy thì bố giao hẳn việc dạy tôi học Toán cho Khải. Khải học trên tôi ba lớp. Và năm ấy, anh vừa đạt danh hiệu học sinh giỏi Toán cấp tỉnh. Có lẽ do cùng lứa nên khi được Khải hướng dẫn, tôi tiếp thu bài rất nhanh. Sau những giờ học, chúng tôi chơi đùa cùng các bạn trong khu tập thể. Hết dịp nghỉ hè, tôi về Hà Nội, Khải và các bạn lại lưu luyến tiễn tôi, hẹn mùa hè năm sau. Năm tháng trôi đi, sau những mùa hè, tôi trở thành thiếu nữ và biết rung động trước nụ cười của Khải. Lần cuối cùng tôi gặp Khải là khi tôi mười bảy tuổi, chúng tôi ngại ngùng nhìn nhau.

- Phương sắp thi hết cấp rồi phải không? Em có dự định gì chưa?

- Phương thích vào quân đội. Như bố, như bác Lê...

Ánh mắt Khải sẫm lại, nụ cười tan nhanh vào xa vắng. Khải nhìn tôi đầy khó hiểu.

- Con gái vào quân đội sẽ khó khăn đó Phương. Anh định nói với Phương chuyện này.

- Có chuyện gì, anh Khải cứ nói với Phương.

Trầm ngâm một lúc, Khải nhìn tôi với vẻ mặt nghiêm túc nhất mà tôi từng thấy.

- Ba năm qua, anh đã tốt nghiệp và có ý chờ Phương. Anh đã học thêm ngoại ngữ và tìm hiểu về Đông Âu. Anh muốn đi nước ngoài... Anh muốn Phương đi cùng anh...

Nghe Khải nói đến đây, tôi điếng người. Đó là điều mà có trong mơ tôi cũng không bao giờ nghĩ đến. Tôi đã luôn thầm ao ước sẽ trở thành bộ đội, hình ảnh giản dị, đẹp đẽ về những sĩ quan quân đội đã ăn sâu vào tâm thức và khát vọng của tôi.

Trở về Hà Nội để ôn thi, nhưng trong tôi vẫn không nguôi suy nghĩ về Khải và những lời anh nói. Đông Âu xa xôi mà tôi chỉ từng quan tâm đến khi học lịch sử về những cuộc thế chiến. Không ngờ đó lại là nơi mà giấc mơ tuổi trẻ của Khải bay đến. Tôi thi tốt nghiệp cuối cấp đạt loại giỏi và có quyền lựa chọn vào một ngôi trường bất kỳ. Trước khi đưa ra lựa chọn của mình, tôi viết một bức thư dài gửi Khải.

* * *

Những tháng dài huấn luyện khắc nghiệt trước khi bước vào học chính trị, tôi không biết tin gì từ gia đình cũng như từ Khải. Ngày tôi kết thúc huấn luyện, bố đến thăm tôi. Sau rất nhiều câu chuyện và những chia sẻ kinh nghiệm của người lính dạn dày với một tân binh vốn nhiều mộng mơ thì bố tôi cũng nhắc đến Khải.

- Khải đã đi Đông Âu rồi, nó sang chào bố. Bố có nói con đang bước vào huấn luyện nên không tiện nhận thư. Nó gửi lời chào con.

Bố vừa nói vừa nhìn tôi, nửa như thăm dò nửa như chia sẻ. Bố biết tôi là đứa không biết giấu cảm xúc, nhưng quãng thời gian huấn luyện không chỉ làm tôi rắn rỏi hơn về thể lực mà còn giúp tôi trưởng thành hơn về tâm lý. Tôi biết mình không thể yếu lòng hay dao động vì những điều thuộc về cảm xúc. Thay vì tỏ ra xao xuyến, tôi hỏi bố:

- Bác Lê đồng ý để Khải đi sao bố?

- Nó đã lựa chọn như thế rồi con. Tương lai của con cái, bố mẹ không thể can thiệp. Cũng như con, bố chưa từng nghĩ con sẽ vào quân đội.

Những chế độ trong ngày, những điều lệnh, quy định, những khóa học cùng những ước vọng đã cuốn tôi đi. Tôi chọn quân đội không vì tham vọng gì lớn lao như Khải đã nghĩ, tôi trước sau vẫn là một cô gái mộng mơ như Khải từng biết đến. Tôi chọn trở thành người sĩ quan quân đội đơn giản vì vẻ đẹp tôi thấy toát lên từ những người lính mà tôi yêu mến, ngưỡng vọng. Khải đã không hiểu tôi cũng như tôi đã không hiểu được Khải, không hiểu được vì sao Khải chọn đi nước ngoài. Chúng tôi chỉ gặp nhau ở những rung cảm đầu đời trong trẻo nhất.

Bố tôi nhận quyết định về hưu. Tôi xin nghỉ phép ít ngày để lên đơn vị đón bố về Hà Nội. Tôi đã ngạc nhiên khi không còn thấy gia đình bác Lê ở đó.

- Bác ấy đi Đông Âu rồi. Anh Khải về đón hai bác ấy đi sau khi bác Lê nghỉ hưu. Nghe nói bên ấy anh Khải làm ăn được.

Tôi lặng người nhìn gian nhà xưa kia gia đình Khải sinh sống. Sự trống vắng xâm chiếm trong tôi. Khải đã từng trở về nhưng không có ý định tìm tôi. Mà tìm để làm gì đâu khi chúng tôi đã đi trên hai con đường khác. Điều khiến tôi suy nghĩ nhiều hơn là vì sao bác Lê lại chọn rời đi sau một đời quân ngũ gắn bó máu thịt với nơi này.

* * *

- Bác đã quyết định đi vì hai bác chỉ có Khải-bác Lê nhìn tôi ấm áp-Thấy cháu chững chạc trong bộ quân phục thế này, bác mừng lắm. Bố cháu hẳn rất tự hào về cháu. Người làm bố, ai cũng mong thấy con mình trưởng thành, và nhất là có thể tiếp bước mình trong lý tưởng. Cháu và Khải rất giống nhau, giá như...

Bác Lê bỏ lửng câu nói đầy khó hiểu.

- Anh Khải và cháu vốn đã lựa chọn hai con đường khác nhau mà bác.

Bác Lê nhìn tôi trầm ngâm:

- Khải đã từng về tìm cháu sau khi hoàn thành nhiệm vụ, nó muốn nói rõ với cháu vì nhiệm vụ mà trước đây không thể nói rõ được. Khi biết cháu đã có gia đình, nó xin được chuyển công tác hẳn sang bên ấy. Nó vào quân đội trước cháu ba năm. Đi du học chính là một nhiệm vụ đặc biệt mà nó được giao.

Tôi trân trối nhìn người cựu chiến binh đang đứng trước mặt mình mà như đang thấy hình bóng của Khải. Anh đâu có xa xôi và khác biệt như tôi vẫn nghĩ, anh chính là người đồng chí, đồng đội của tôi. Tôi không hối tiếc, chỉ là tôi đang xao xuyến vì tin rằng anh đang rất gần tôi.

Truyện ngắn của HOÀI PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/dong-doi-636602