Đồng đội ơi! Tiếng gọi từ trái tim

Dù chiến tranh đã qua đi hơn 30 năm, nhưng nỗi nhớ thương đồng đội không lúc nào vơi.

Chiều trắng xóa và những linh hồn trắng/ Mây trắng bay và bướm trắng chập chờn/ Hương khói trắng và lòng ta trắng lặng/ Đồng đội ơi! Chớp bể mưa nguồn.”.

Điệp khúc láy đi láy lại trong giai điệu da diết như xoáy vào tim người nghe, cảm xúc se lòng và một nỗi ám ảnh.

Các cựu chiến binh thắp nén nhang mời hương hồn đồng đội.

Các cựu chiến binh thắp nén nhang mời hương hồn đồng đội.

"Đồng đội ơi...", tiếng gọi từ trái tim của những người đồng đội đi tìm đồng đội. Họ không có gì ngoài tấm lòng. Trái tim như dồn nén vào lời thơ, nốt nhạc, cất tiếng gọi nhớ nhung những người đồng đội hôm qua, ngã xuống vì sự trường tồn của dân tộc.

Chuyện của nhà thơ, người lính

Anh là người Hà Nội, sinh ra đúng ngày Bác Hồ kêu gọi toàn quốc kháng chiến 19/12/1946. Năm 1965 anh đi bộ đội, trở thành người chiến sĩ tình báo kỹ thuật ở mặt trận miền Trung - Tây Nguyên. Mười năm đạn bom, mười năm sống - chết luôn cận kề gang tấc, mười năm chứng kiến bao đồng đội đã hy sinh.

"Và ngày 30/4/1975 cuộc chiến tranh kết thúc/, …/ Tôi đi giữa những ngôi mộ có tên và không tên/ Thẳng cả hàng ngang, thẳng cả hàng dọc/ Chẳng hiểu làm sao/ Tôi đã khóc.".

Anh bộc bạch: "Chiến tranh, cả dân tộc mất mát đau thương. Còn mình được trở về hôm nay là được lớn lắm, được tất cả". Có lẽ thế mà trong con tim anh, dù chiến tranh đã qua đi hơn 30 năm, nhưng nỗi nhớ thương đồng đội không lúc nào vơi. Và cứ mỗi năm, đến ngày "lễ trọng" của người lính (27/7), nỗi thương nhớ ấy lại trở về sâu nặng, xót xa.

Hơn 40 năm, đêm giao thừa nào cũng vậy, sau nén hương vái lạy trời đất, tổ tiên, ông bà, là tiếp một nén hương để anh thầm thì với linh hồn những đồng đội đã ngã xuống trên các chiến trường Đông Hà - Quảng Trị, Gio Linh, Sê San, Đắk Tô, Đắk Pet, ngã ba Đông Dương…

"Đêm giao thừa lạnh lắm/ Chỗ chúng mày lạnh không/ Dâng chúng mày rượu nhạt/ Kể huyên thuyên vài câu". 30/4 năm nào cũng vậy, như có tiếng gọi linh thiêng của đồng đội, anh đều trở lại chiến trường xưa. Một cuộc hành trình về quá khứ, về với hoài niệm.

Để cất tiếng gọi bạn tha thiết: “Tao gọi sao chúng mày không thưa/Mà mưa cứ rơi, mà gió cứ thổi/Giặc đã chạy rồi sao cứ thẳng hàng như vậy/ Bia rượu rất nhiều đứng dậy mà vui/ Tao gọi không đứa nào trả lời/ Lạnh trắng một màu da cắt thịt/ Tổ quốc sum vầy, chúng mày đâu hết/ Cứ vô tình hay rong - hay chơi”.

Đồng đội xưa, những người đã hy sinh là nỗi ám ảnh, khắc khoải trong trái tim anh, mỗi khi tìm bạn ở nghĩa trang. Màu nắng, màu gió, màu đất đều như mơ hồ không có thật. Chỉ có tiếng lòng anh là rất thật. “Gió ở nghĩa trang hình như xanh hơn/ Nắng ở nghĩa trang hình như vàng hơn/ Đất ở nghĩa trang hình như đỏ hơn/ Đứng ở nghĩa trang tim mình tím quặn.”

Cái ngày Việt Nam chính thức gia nhập WTO, vào đúng giờ khắc tiếng búa của vị chủ tịch gõ xuống công nhận Việt Nam là thành viên chính thức, giờ đó, Việt Nam là đêm. Anh, một mình nằm trên thảm cỏ xanh, giữa bầu trời sao thành cổ Quảng Trị, uống rượu với các linh hồn đồng đội, những người lính Giải phóng quân của 81 ngày đêm tử thủ giữ thành mùa hè 1972.

Đêm sương lạnh, nhưng hình như thật ấm áp. Anh cười, anh nói, anh cụng ly trong khoảng không mà như xung quanh anh là rất nhiều, rất nhiều đồng đội. Anh gọi tên bạn, anh kể chuyện quê, chuyện đất nước… Có lẽ chỉ những người lính đã qua trận mạc, chứng kiến sự hy sinh, cái chết, mới cảm nhận được trái tim người lính- nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn thời khắc đó: "Đồng đội ơi! Chớp bể mưa nguồn.".

Người nhạc sĩ đồng đội

Là người Hà Nội gốc, năm 1968 Nguyễn Giang vào bộ đội, thuộc đơn vị vận tải chuyển quân, chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam theo tuyến đường Trường Sơn- Hồ Chí Minh huyền thoại. Anh đã nếm trải những trận mưa bom, từ đánh tọa độ đến rải thảm của máy bay Mỹ, chứng kiến những cuộc phá bom thông tuyến của các nữ thanh niên xung phong trên các cung đường Trường Sơn và đã bao lần rơi nước mắt tiễn đưa đồng đội nằm lại đại ngàn Trường Sơn.

Sau chiến tranh, như nhiều người lính, anh lần ngược thời gian đi tìm đồng đội. Nhưng nhiều đồng đội mãi lặng im. Anh cất giữ trong mình niềm day dứt khôn nguôi, dõi theo những cuộc tìm kiếm của rất nhiều người qua báo, đài…

Hơn 30 năm sau chiến tranh, nỗi niềm về những đồng đội đã ngã xuống luôn canh cánh trăn trở như món nợ, thôi thúc anh hành động. Và rồi tập thơ "Đồng đội ơi" của nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn đến với anh rất tình cờ, như "các linh hồn đồng đội đã mách bảo” - Nguyễn Giang nói vậy.

Anh đọc trong xúc cảm. Những nốt nhạc như bật ra từ câu thơ. Hay chính sự đồng điệu đã mang đến giai điệu da diết cháy lòng. Tiếng gọi “Đồng đội ơi” vang lên. Anh đốt một nén hương trầm. Tàn hương, khói còn bảng lảng, ca khúc được hoàn chỉnh. Nước mắt anh rơi trên phím đàn, trên khuông nhạc “Đồng đội ơi”. Chúng tôi đi tìm đồng đội bằng thơ, bằng nhạc, bằng cả trái tim của những người lính hôm nay.

"Cơn sóng" ngầm của ca khúc

Không một lời giới thiệu, không một sự quảng bá, không có một phương tiện truyền thông đại chúng nào thông tin, thế nhưng ca khúc như có một sức mạnh kỳ lạ lan tỏa giống sóng ngầm. Chỉ trong vài tháng, ở hầu khắp câu lạc bộ cựu chiến binh các tỉnh, thành đều vang lên giai điệu “Đồng đội ơi”.

Đầu tiên chỉ là hát cho bạn bè nghe, hát với nhau, rồi xin bản nhạc đem đi hát nơi khác… Cứ thế mà lan truyền từ Hà Nội đến TP.HCM, tới Bến Tre, Cà Mau, ngược đường lên Tây Bắc. Ở nghĩa trang Trường Sơn - Quảng Trị và Ngã ba Đồng Lộc - Hà Tĩnh, ca khúc được làm nhạc nền, phát trên loa thường xuyên.

Khi ca khúc lan tới cựu chiến binh Lê Bá Dương, người hàng năm tới tháng bảy lại thả một thuyền hoa trên dòng Thạch Hãn tưởng nhớ đồng đội, ông đã cùng nhạc sĩ mang bản nhạc lên thượng nguồn sông Bến Hải thả xuống: "Để gửi đến linh hồn những đồng đội trên những dòng sông, những nghĩa trang không mộ.".

Rồi một ngày, đạo diễn Dương Hùng Phong, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội phát hiện ra ca khúc, ngạc nhiên vì sức sống tiềm ẩn của ca từ, anh xin làm một bộ phim tài liệu về ca khúc này. Để rồi ngày 27/7, những người cựu chiến binh ở khắp mọi miền đất nước cất tiếng hát, tiếng gọi từ trái tim: "Đồng đội ơi!".

Khi cất lên “Đồng đội ơi, chớp bể mưa nguồn” tất cả họ như lắng lại, để trái tim lên tiếng gọi tha thiết, yêu thương, đầy nhớ tiếc. Không ai, không việc gì bị quên lãng “Đồng đội ơi”…

Mỗi khi nghe giai điệu da diết, tha thiết: "Chiều trắng xóa và những linh hồn trắng/ Mây trắng bay và bướm trắng chập chờn/ Hương khói trắng và lòng ta trắng lạnh/ Đồng đội ơi! Chớp bể mưa nguồn.”, trái tim người nghe lại thêm một lần xúc động.

Nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn, nhạc sĩ Nguyễn Giang đã thay mặt những người lính hôm nay đi tìm đồng đội bằng thơ, bằng nhạc. Họ đã tặng ca khúc này cho tất cả đồng đội và những ai có cùng sự đồng cảm, với những người lính đã hy sinh. Để tiếng gọi bạn vang lên khắp nơi, để những linh hồn đồng đội luôn ấm áp, dù năm tháng có trôi qua, dù “chớp bể mưa nguồn”.

Và hôm nay, bài viết này như một nén hương thơm tưởng nhớ linh hồn các anh./.

CTV Hoài Hương/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/van-hoa-giai-tri/dong-doi-oi-tieng-goi-tu-trai-tim-792559.vov