Đồng đội có nhau, trước sau như một

45 năm trước, trong đội hình của Quân đoàn 2 tiến vào Sài Gòn, có 3 sĩ quan trẻ quân giải phóng cùng quê ở Quảng Bình không hẹn mà gặp nhau giữa thời khắc lịch sử, trưa 30-4-1975. Nay trở về với đời thường, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong họ vẫn tỏa sáng, sắt son tình đồng đội, cùng nhau chung sức xây dựng quê hương.

3 sĩ quan trẻ nói trên có chức vụ từ chính trị viên đại đội đến tiểu đoàn nay tuổi đã "thất thập", nhưng trong ký ức về ngày chiến thắng vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí. 45 năm trước, các ông là Thiếu úy Trần Ngọc Mai, Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn Xe tăng 203; Trung úy Dương Đình Thân, Chính trị viên Đại đội 5, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn Pháo binh 164 và Thượng úy Trần Mạnh Thao, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325. Trong 5 cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn, Quân đoàn 2 ở hướng Đông Nam. Tuy đơn vị khác nhau, nhưng họ đều chung một hướng và ngày đêm hành quân thần tốc không nghỉ.

Nhắc đến ngày 30-4 lịch sử, cựu chiến binh (CCB) Trần Ngọc Mai, trú tại tổ dân phố 1, phường Bắc Lý (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), hào hứng kể: "Trước khi đơn vị xuất quân, xe tăng xếp thẳng hàng, nòng pháo vươn xa, tôi vinh dự thay mặt đại đội đón nhận lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” do đồng chí Chính trị viên tiểu đoàn trao. Sau khi đồng thanh hô vang: “Quyết tâm giải phóng Sài Gòn”, cả đoàn xe đồng loạt nổ máy, rầm rầm hành quân thần tốc vào Nam, đi cả ngày lẫn đêm không nghỉ, vào đến đâu, địch tháo chạy đến đó, quân trang quân dụng bỏ lại đầy đường".

 Các ông Trần Ngọc Mai, Dương Đình Thân, Trần Mạnh Thao (từ trái qua phải).

Các ông Trần Ngọc Mai, Dương Đình Thân, Trần Mạnh Thao (từ trái qua phải).

Đến Phan Rang (Ninh Thuận), gặp địch cố thủ chống cự, Lữ đoàn Xe tăng 203 chiến đấu trong đội hình hành tiến, phối hợp với bộ binh tiêu diệt địch. Tới vùng ven Sài Gòn thì gặp khó khăn hơn bởi nhiều sông rạch, cầu cống. Địch đã phá hỏng các loại cầu, xe tăng vừa phải bơi qua sông vừa đánh trả các ổ đề kháng của địch, một số xe bị bắn cháy, chiến sĩ ta hy sinh. Ngày 26-4-1975, sau khi đập tan “cánh cửa thép Xuân Lộc”, đơn vị ông Mai tiến vào cửa ngõ Sài Gòn. Lúc này, một số tên địch vẫn ngoan cố chống trả, nhưng trước sức mạnh như chẻ tre, đoàn xe tăng của Lữ đoàn Xe tăng 203 dũng mãnh tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. CCB Trần Ngọc Mai khoe với chúng tôi hai tấm ảnh để đời, chụp cảnh ông nhận lá cờ "Quyết chiến Quyết thắng" ở Đà Nẵng và một tấm ảnh ông cầm lá cờ giải phóng ngồi trên xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập.

Câu chuyện của CCB Trần Mạnh Thao vừa hào hùng, vừa dí dỏm nhưng rất thực: Cả Sư đoàn 325 hành quân thần tốc từ Tây Nguyên xuống và có mặt ở Đồng Nai ngày 24-4-1975. Đơn vị ông được giao đánh địch ở hướng Đông. Vừa đi vừa truy kích, đánh đuổi địch về tận quận 9, Sài Gòn. Vì không quen đường, nên lòng vòng mãi, đơn vị của ông mới đến Dinh Độc Lập, chậm hơn các đơn vị bạn. Với CCB Trần Mạnh Thao, trận đánh đồn địch ở Long Thành (Đồng Nai) là đáng nhớ nhất trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, vì diễn ra rất ác liệt. Đồn địch có 12 lớp hàng rào bảo vệ, trên tháp canh có hỏa lực mạnh khống chế. Muốn diệt đồn phải xóa ổ đề kháng trên cao, bộ binh dùng B40 cũng không được. Địch bắn như mưa làm thương vong nhiều anh em, trong đó có tiểu đoàn trưởng và trợ lý tham mưu. Chỉ đến khi xe tăng của Lữ đoàn Xe tăng 203 nâng đầu pháo, bắn nổ tung tháp canh của địch mới xóa sổ được.

Đối với CCB Dương Đình Thân, thì ký ức về trận đánh trước cửa ngõ Sài Gòn là một bức tranh rực lửa. Ông kể đầy hào sảng: Đơn vị hành quân cơ giới thần tốc cả ngày đêm, sợ không kịp cơ hội vào giải phóng Sài Gòn. Đến giờ G, các loại pháo của đơn vị ông gầm lên trút lửa lên đầu giặc ở căn cứ sân bay Biên Hòa, Nước Trong, Tân Sơn Nhất, tạo điều kiện cho bộ binh và xe tăng của ta xông lên. Chiều 26-4-1975, mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trung đoàn Pháo binh 164 cùng 20 tiểu đoàn pháo của các đơn vị bạn nã dồn dập vào các mục tiêu quan trọng của địch cả giờ đồng hồ. Đây cũng là trận đấu pháo dữ dội nhất ông từng chứng kiến trong cuộc đời quân ngũ.

Trưa 30-4, các cánh quân như nước vỡ bờ tiến vào Dinh Độc Lập. 3 sĩ quan trẻ, đồng hương Quảng Bình quần áo bụi đỏ, còn khét mùi thuốc súng, có người vẫn quấn băng trên đầu, trên tay, nhưng tất cả đều rạng rỡ nụ cười. Họ ôm chầm lấy nhau trong niềm vui khôn tả, nước mắt chảy tràn vì sung sướng.

Hết chiến tranh, 3 đồng chí chính trị viên người Quảng Bình đều trở về xây dựng quê hương. Tuy mỗi người một hoàn cảnh, công việc, song khí thế “thần tốc, táo bạo, quyết thắng” và truyền thống vẻ vang của quân đội luôn nhắc nhở các ông tiếp tục cống hiến. Sự gương mẫu, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm của Bộ đội Cụ Hồ, các ông luôn được đồng đội và bà con tin tưởng, mến phục. Ông Trần Ngọc Mai làm Chủ tịch Hội CCB phường Bắc Lý, TP Đồng Hới 10 năm liền. Ông Dương Đình Thân cũng làm Chủ tịch Hội CCB xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa hai nhiệm kỳ, sau đó vì tuổi cao, sức khỏe có hạn, đồng đội mới cho nghỉ. Còn ông Trần Mạnh Thao thì đảm nhiệm cán bộ hội khuyến học. Mỗi dịp kỷ niệm Chiến thắng 30-4, các nhà trường, chi hội CCB đều mời các ông đến kể lại những trận đánh oanh liệt vào mùa Xuân 1975 lịch sử. Lúc đó, “tổ ba người” lại quân phục chỉnh tề, huân chương đính đầy ngực áo vui vẻ lên đường, với khí thế như năm xưa vào chiến dịch…

Bài và ảnh: XUÂN VUI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/dong-doi-co-nhau-truoc-sau-nhu-mot-617290