Động đất mạnh tại Indonesia khiến hàng trăm người thương vong

Rạng sáng 15-1, một trận động đất mạnh 6,2 độ richter làm rung chuyển đảo Sulawesi của Indonesia, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Đây là trận động đất thứ hai xảy ra ở khu vực này chỉ trong vòng hai ngày qua.

Reuters cho biết, tâm chấn nằm ở độ sâu 10km, cách TP Majene trên đảo Sulawesi khoảng 6km về phía đông bắc. Trận động đất khiến ít nhất 35 người thiệt mạng và hơn 600 người bị thương. Hàng trăm nhà dân cùng nhiều tòa nhà văn phòng, bệnh viện đã bị phá hủy hoàn toàn hoặc hư hại nặng nề do động đất. Hàng nghìn người đã phải rời bỏ nhà cửa để tìm nơi trú ẩn an toàn hơn. CNN dẫn thông tin từ Cơ quan giảm thiểu thiên tai Indonesia cho biết, trận động đất gây ra ít nhất 3 vụ lở đất sau đó. Theo cơ quan chức năng Indonesia, con số thương vong được dự báo sẽ tăng lên do còn nhiều người đang bị vùi lấp trong các tòa nhà bị đổ nát. “Bệnh viện bị san phẳng. Có nhiều bệnh nhân và nhân viên của bệnh viện mắc kẹt dưới đống đổ nát”, Channel News Asia dẫn lời ông Arianto, nhân viên của cơ quan cứu hộ tại TP Mamuju trên đảo Sulawesi cho biết. Trong khi đó, tờ The Guardian dẫn lời ông Ali Rahman, người đứng đầu cơ quan giảm thiểu thiên tai tại TP Mamuju nhấn mạnh: “Nhiều thi thể đang bị chôn vùi dưới đống đổ nát”.

Hiện, công tác cứu hộ, cứu nạn đang được tích cực triển khai. Theo tờ The Guardian, việc tiếp cận các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất cũng gặp khó khăn do nhiều đường sá, cây cầu và sân bay địa phương bị hư hại; các đường dây điện, điện thoại bị ngắt.

Nhiều ngôi nhà trên đảo Sulawesi của Indonesia bị hư hại do trận động đất ngày 15-1. Ảnh: CNN.

Nhiều ngôi nhà trên đảo Sulawesi của Indonesia bị hư hại do trận động đất ngày 15-1. Ảnh: CNN.

Phát biểu tại một cuộc họp báo cùng ngày, bà Dwikorita Karnawati, Giám đốc Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia đã cảnh báo nguy cơ sóng thần nếu các dư chấn mạnh xảy ra sau trận động đất. Bà Karnawati hối thúc người dân địa phương tránh xa các tòa nhà cao tầng và sơ tán ngay lập tức khỏi các bãi biển trong trường hợp xảy ra dư chấn mà không cần chờ cảnh báo do sóng thần có thể ập đến rất nhanh. “Các dư chấn có thể mạnh bằng hoặc mạnh hơn cả trận động đất. Có khả năng xảy ra sóng thần từ các dư chấn sau đó”, Channel News Asia dẫn lời bà Dwikorita Karnawati.

Trước đó, vào ngày 14-1, đảo Sulawesi cũng ghi nhận một trận động đất mạnh 5,9 độ richter. Trận động đất ngày 15-1 được cho là gây thêm khó khăn chồng chất cho Indonesia khi quốc gia vạn đảo vừa chứng kiến vụ lở đất kép ở tỉnh Tây Java ngày 9-1 vừa qua, khiến nhiều người thiệt mạng và mất tích, đồng thời đang phải căng mình ứng phó với đại dịch Covid-19. “Một trong những nỗi lo sợ lớn nhất của chúng tôi chính là những gì đang diễn ra hiện nay. Chuyện gì xảy ra khi xuất hiện một biến cố lớn trong thời đại dịch? Nếu nhiều người phải sơ tán, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tăng lên rất nhiều”, tờ The Guardian dẫn lời ông Jan Gelfand, người đứng đầu Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tại Indonesia nhấn mạnh.

Theo AFP, Indonesia thường xuyên xảy ra các trận động đất và núi lửa phun trào vì nằm ở khu vực “Vành đai lửa” Thái Bình Dương. Một trong những trận động đất lớn nhất được ghi nhận tại Indonesia xảy ra vào tháng 12-2004 với cường độ 9,1 độ richter, làm rung chuyển bờ biển Sumatra, gây sóng thần trên khắp Ấn Độ Dương, cướp đi sinh mạng của 220.000 người, trong đó có khoảng 170.000 người tại Indonesia. Năm 2018, một trận động đất lớn khác mạnh 7,5 độ richter cũng xảy ra tại đảo Sulawesi, gây ra sóng thần khiến hơn 4.300 người thiệt mạng và mất tích.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/dong-dat-manh-tai-indonesia-khien-hang-tram-nguoi-thuong-vong-649264