'Phục hồi kinh tế phải gắn với thị trường lao động một cách đồng bộ'

Đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu phục hồi kinh tế mà không gắn với thị trường lao động một cách đồng bộ, thì lao động cũng không thể quay trở lại làm việc.

Sáng 21/10, thảo luận ở tổ về bức tranh kinh tế-xã hội năm 2021 trong bối cảnh ảnh hưởng bởi thiên tai và dịch bệnh Covid-19, nhiều ý kiến đại biểu thống nhất cao với những đánh giá rất kỹ lưỡng những mặt được, chưa được cũng như phương hướng thời gian tới của Chính phủ.

Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến xã hội nhiều hơn cả kinh tế

Đại biểu Lê Tấn Tới (đoàn ĐBQH tỉnh Long An) nhấn mạnh, dù bị ảnh hưởng rất lớn từ dịch bệnh Covid-19 trên các mặt đời sống kinh tế xã hội cũng như những diễn biến nhanh chóng, phức tạp của tình hình thế giới, khu vực, tuy nhiên chúng ta vẫn giữ vững được an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội cũng như bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ; giữ được đà phát triển kinh tế mặc dù có bị đứt gãy ở một số ngành, lĩnh vực.

Nguyên nhân quan trọng nhất khiến chúng ta vẫn giữ được những kết quả trên theo đại biểu Lê Tấn Tới chính là sự quyết tâm, quyết liệt của Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ và Quốc hội. Việc ban hành Nghị quyết 30 đã thể hiện sự đồng hành cùng Chính phủ và nhiều chính sách, giải pháp khác, kết quả là chúng ta đã giải quyết được nhiều việc lớn về an sinh xã hội, được nhân dân đồng thuận và đánh giá cao.

Đại biểu Trần Sỹ Thanh (Ảnh: TTXVN)

Đại biểu Trần Sỹ Thanh (Ảnh: TTXVN)

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Sỹ Thanh (đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) nhấn mạnh, dịch bệnh Covid-19 lần đầu tiên xuất hiện, chưa có tiền lệ, đã gây ảnh hưởng nhiều đến xã hội hơn cả kinh tế. Điều đại biểu đặc biệt quan tâm đó là ảnh hưởng của Covid-19 đến tâm trạng của các giới, các khu vực và người dân. Trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh, những nơi công tác phòng, chống dịch hiệu quả, người dân tin tưởng hơn vào Đảng, Nhà nước là có thật; hệ thống chính trị ở cơ sở được phát huy, thậm chí công tác giải phóng mặt bằng dễ dàng hơn là có thật.

Phải có chính sách phù hợp đối với lao động chuyển đổi từ nông thôn ra thành thị

Đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống Covid-19 và phát triển kinh tế-xã hội, đại biểu Lương Quốc Đoàn (đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) đánh giá cao sự thẳng thắn của Chính phủ khi chỉ ra đầy đủ những hạn chế, tồn tại cũng như các nguyên nhân.

Đại biểu Đoàn chia sẻ, qua làn sóng Covid-19 lần thứ 4, đã nhìn thấy rõ là nền kinh tế của đất nước rất dễ bị tổn thương, từ Trung ương đến địa phương; thiếu chính sách, cơ chế điều phối và liên kết giữa các vùng. Thời gian ngắn giãn cách vừa qua đã bộc lộ những hạn chế rất rõ trong liên kết vùng.

Nhận định, kinh tế thế giới khó có thể hồi phục trong năm 2022, đại biểu Lương Quốc Đoàn đề xuất cần có giải pháp, chính sách mạnh hơn để phát triển thị trường trong nước. Thời gian vừa qua, lĩnh vực này chưa được quan tâm đúng mức.

Dòng người mang theo đồ đạc về quê ở miền Tây (Ảnh: Nguyễn Quang)

Đặc biệt, đại biểu nhận thấy làn sóng di cư vừa qua có nhiều vấn đề cần quan tâm xem xét. Đó là việc chuyển đổi lực lượng lao động từ nông nghiệp, nông thôn sang lĩnh vực phi nông nghiệp rất lớn, bao gồm sang các KCN, sang các ngành nghề kinh doanh và lao động tự do. Vì thế, cần có chính sách đối với lực lượng lao động này.

“Chúng ta đều biết công nhân trong các KCN có thu nhập thấp, họ chủ yếu sống trong các nhà trọ rẻ tiền. Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài sử dụng lao động chủ yếu ở độ tuổi từ 18 – 35, sau 35 là tìm cách đào thải. Vì thế, tích lũy của lực lượng này không đủ để họ có thể trở thành cư dân ở nơi mà họ đã cống hiến tuổi trẻ và quãng thời gian sức khỏe tốt nhất. Như thế, khi có bất kỳ biến động nào, làn sóng di cư này có thể gây áp lực không chỉ cho thành phố mà cho cả nông thôn”, đại biểu nêu rõ.

Đối tượng thứ hai bị ảnh hưởng lớn do tác động của dịch bệnh Covid-19 là lực lượng lao động tự do. Lực lượng này lên thành phố đã góp phần vào việc vận hành của thành phố. Dẫn chứng thời gian cách vừa qua ở TP.HCM, đã cho thấy rất rõ vấn đề an sinh cho đối tượng này. Khi không đủ ăn, người ta phải đi ra khỏi đó.

Nêu ra những vấn đề trên, đại biểu Lương Quốc Đoàn cho rằng, đến 2025-2030, chúng ta không có biện pháp, chính sách cho những đối tượng này, khi xảy ra khủng hoảng kinh tế, đại dịch, thì áp lực sẽ rất lớn, đề nặng lên nông thôn, khi đó nông nghiệp, nông thôn không thể là trụ đỡ được nữa.

“Ngay bây giờ đây, chính người nghèo đang phải nuôi người nghèo. Người dân ở nông thôn đang phải gánh những người không còn gì ở thành phố, nếu không có chính sách tốt, sẽ ảnh hưởng rất lớn thời gian tới”, đại biểu nêu rõ.

Đại biểu đề nghị phải có chính sách phù hợp đối với lao động chuyển đổi từ nông thôn ra thành thị, làm sao để họ có thể trở thành cư dân ở những KCN mà họ làm việc; phải có chính sách rõ ràng hơn để phát triển kinh tế nông thôn, định vị trọng tâm của phát triển kinh tế nông thôn. Nếu xác định kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể là mấu chốt để phát triển kinh tế nông thôn thì phải xác định rõ điểm mấu chốt để định vị phát triển kinh tế nông thôn trong thời gian tới.

Giải pháp để kéo lực lượng lao động quay trở lại

Lo ngại về tình hình kinh tế-xã hội bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 khiến một lượng lớn lao động trở về nông thôn, đặc biệt ở khu vực phía Bắc, khu vực đất sản xuất đã gần như hết, vấn đề đặt ra là làm sao để kích thích lao động nông thôn quay trở lại thị trường lao động, đại biểu Lâm Văn Đoan (đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) cho rằng “chìa khóa” duy nhất là vấn đề lương, tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay là rất khó.

Hành trình về quê của người lao động với tài sản lớn nhất là chiếc xe máy.

Qua đại dịch đã cho thấy các vấn đề phúc lợi, an sinh đối với công nhân, người lao động còn ít. Rõ nhất là hành trang về quê hương chỉ có một chiếc xe máy, như vậy là tích lũy tài sản của họ trong những năm làm công nhân là không nhiều.

Theo đại biểu Đoàn, Ủy ban Xã hội đã kiến nghị Chính phủ sớm có đề xuất về phát triển thị trường lao động để kéo lực lượng lao động quay trở lại. Nếu phục hồi kinh tế mà không gắn với thị trường lao động một cách đồng bộ, thì lao động cũng không thể quay trở lại làm việc.

Cùng với đó, cần phải xây dựng tiêu chuẩn lao động phù hợp với thời kỳ Covid-19 khi mà các tiêu chuẩn cũ đã lạc hậu. Trong quá trình xây dựng tiêu chuẩn lao động, cũng cần khôi phục lại các quan hệ lao động theo phương châm thích ứng an toàn với dịch bệnh. Cần có đề án của Chính phủ về phát triển nhà ở công nhân, an sinh phúc lợi, có quy hoạch dài hạn để có thể làm được, nếu chỉ dừng lại ở một vài chính sách ngắn hạn, tình hình phát triển nhà ở công nhân sẽ lại rơi vào tình trạng như vài năm trước./.

PV/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi/phuc-hoi-kinh-te-phai-gan-voi-thi-truong-lao-dong-mot-cach-dong-bo-899459.vov