Đồng Đăng không chỉ có phố Kỳ Lừa

Lạng Sơn đâu chỉ có ải Chi Lăng, đỉnh Mẫu Sơn mùa có tuyết... Những mặc định check-in khiến du khách chọn cách khám phá như nhau, cảm nhận như nhau và họ chỉ đến một lần rồi thôi. Nhưng Lạng Sơn nào chỉ có vậy.

Món vịt áp chao nổi tiếng của Lạng Sơn

Bị mê hoặc vì... coóng phù, cao sằng, áp chao

Còn nhớ lần đầu tiên đến Lạng Sơn cách đây gần 20 năm là do Bình Minh rủ rê về quê. Lúc đó, Bình Minh chưa nổi tiếng, chưa làm MC, chưa làm diễn viên điện ảnh, chỉ mới là anh chàng người mẫu vào nam lập nghiệp. Chân ướt, chân ráo lên Lạng Sơn, mẹ Bình Minh, một người phụ nữ đẹp đằm thắm, ấm áp đã đưa cả nhóm chúng tôi... ra chợ. Những thanh âm, sắc màu, mùi vị của chợ Đông Kinh đã đánh gục đứa đi đông, đi tây như tôi.

Món ăn đường phố hấp dẫn du khách

Những phụ nữ bán hàng chợ Đông Kinh không mời chào mua hàng mà họ xởi lởi hỏi khi biết người từ trong nam ra: lạnh không em, có đi đâu chưa... Cứ như đón người thân trong nhà.

Hôm sau vào chợ Kỳ Lừa, tôi sà ngay vào sạp bán chè chén bởi lẽ tôi đã thấy họ bán những ly trà đá to đùng đoàng đúng kiểu miền Tây, điều khó tìm thấy ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc ngay cả bây giờ chứ đừng nói là thời điểm 20 năm trước.

Thời gian trôi qua ngần ấy mà tôi vẫn nhớ cái giọng tưng tửng, hài hước, tự trào của ông cụ bán trà đá: “Ở đây họ uống trà đá nhưng tôi chả uống. Chẳng phải cảnh vẻ gì, nhưng uống vào lại phải đi... giải, mất thời gian...”. Ly trà đá đã như mắt xích khiến tôi cứ nghĩ ngợi và muốn đi khám phá nét tương đồng của văn hóa ẩm thực Lạng Sơn và ẩm thực miền Nam.

Cứ như thế, sắc màu vàng ruộm của heo quay, vịt quay mắc mật; màu đỏ uôm của bát khâu nhục đã níu kéo tôi quay về Lạng Sơn không biết bao nhiêu lần trong gần 20 năm qua mà vẫn không chán, vẫn như thấy chưa hiểu hết vùng đất này.

Phố Kỳ Lừa với những hàng vịt quay luôn thu hút không chỉ thực khách mà cả những phượt thủ đi săn ảnh

Món vịt áp chao nổi tiếng của Lạng Sơn

Như mới đây, cùng Vlogger Tùng Nếm - chủ nhân kênh Nếm TV - anh chàng đang lập kỷ lục bay “cam” gần hết đất nước VN lên Lạng Sơn, chúng tôi liên tục ồ, à với những cái tên món ăn đầy hấp dẫn. Coóng phù, cao sằng, áp chao, bánh rợm, bánh ngải, phở chua, bánh cuốn... Tất cả đều rất rất lạ mà cũng quen thuộc từ tiền kiếp nào.

Tùng Nếm nói với tôi: “Em bị gục ngã vì cái chợ Kỳ Lừa chị ạ, chứ không chỉ những cảnh hoa đào trên đỉnh Mẫu Sơn hay cái hùng tráng, hiểm trở của ải Chi Lăng đâu nhé”.

Tùng đi tiền trạm trước tôi một ngày, tôi lên sau cùng với một cô bé dễ thương làm công ty nước ngoài. Cô bé cứ mắt tròn, mắt dẹt nghe Tùng Nếm chém. Này nhé, món coóng phù làm nóng cơ thể bằng vị gừng tươi nấu trong nồi nước. Những viên bánh nhỏ xinh lang thang hờ hững trong chiếc bát nhỏ khiến tôi chỉ nhìn thôi đã muốn nuốt chửng chúng nó rồi. Nghe tên thì có vẻ lạ nhưng cách chế biến của món ăn này khá giống sủi dìn, trôi nước, trôi tàu ở những nơi khác. Còn cao sằng được bày biện hấp dẫn trên một chiếc mâm tròn với phần trên là thịt bằm được chưng lên đậm đà. Mỗi khi có khách gọi, chủ quán sẽ xắt từng miếng vuông vắn và đặt khéo léo trong chén, sau đó tưới nước thịt nấu cùng dấm lên trên rồi thêm một chút rau thơm để át đi vị ngấy của thịt.

Riêng món áp chao, thoạt nghe thì cứ nghĩ là thịt ướp với chao, hóa ra không phải - chao ở đây có nghĩa là cho thịt chao qua, chao lại trong chảo dầu nóng sùng sục - món bánh được đặt tên đúng như cách chế biến của nó. Nghệ nhân làm bánh sẽ đặt miếng thịt vịt tươi vào giữa và bọc quanh là lớp vỏ bột gạo nếp. Bánh thả vào chiên trong chảo dầu rồi cứ thế lang thang 15 - 20 phút. Thời gian đủ để khiến vỏ ngoài giòn tan, vỏ trong mềm mại và nhân thịt vịt chín tới.

Dọc theo quốc lộ 1A khi đến Ngã tư Mẹt, huyện Hữu Lũng, cửa ngõ Lạng Sơn vốn nổi tiếng với món heo quay lá mắc mật

Những gian hàng bán bánh ngải ở chợ cũng khiến cho tôi lúng túng khi chọn góc máy. Bánh được xếp theo cuộn như xâu tiền đồng cổ, màu lá xanh rêu lạ lùng. Cứ 10 viên bánh xinh xinh be bé xếp cạnh nhau nhìn đẹp vô cùng.

Tùng Nếm lại thao thao bất tuyệt: Vỏ làm từ lá ngải nên mùi thơm và màu sắc của lá ngải không lẫn đi đâu được. Ấy thế mà vị đắng đã biến mất từ bao giờ bởi những người Tày chế biến món ăn này đã đem rau ngải luộc qua để loại bỏ chúng. Nhân là vừng lạc xay nhuyễn tạo nên vị mặn cân bằng với vỏ bánh giống bánh giầy kia. Tôi nghe mà cứ cười tủm tỉm, hóa ra Tùng Nếm là dân phượt “có tâm”, không chỉ lớt phớt check-in ảo này nọ ở các địa danh lừng lẫy như thường thấy, mà kỳ công tìm hiểu tận nguồn tận ngọn...

Những tấm ảnh có... mùi

Mới đây nhân sự kiện cuộc gặp thượng đỉnh, khi hay tin mấy trăm nhà báo ùn ùn kéo lên Lạng Sơn để đón ông Kim Jong-un, tin bên lề chỉ là chuyện chịu lạnh, chuyện về món bánh cuốn trứng, và chỉ có thế. Tôi đã tặc lưỡi tiếc thầm vì cái ga Đồng Đăng nó sát một bên phố Kỳ Lừa. Chỉ cần lang thang một chút, lùng sục một chút, thì cả thế giới sẽ có dịp biết một Lạng Sơn rất khác, rất đặc sắc.

Bánh mì nướng, phủ một lóp sốt mật ong và xì dầu đặc trưng Lạng Sơn

Gánh hàng gia vị thu hoạch từ nương rẫy, hình ảnh thường gặp ở phố núi Lạng Sơn

Tỷ như ai cũng biết cái vị ngon trứ danh của vịt quay, heo quay lá mắc mật Lạng Sơn; nhưng mấy ai đã khám phá ra một góc phố trước chợ đêm Kỳ Lừa chuyên bán món này. Màu đỏ kỳ ảo của những chú vịt quay bóng lưỡng, màu vàng sậm nhấp nháy của dãy bóng đèn chăng trước sạp. Tiếng dao chặt thịt, tiếng cười, tiếng nói lao xao. Sinh động, đặc sắc khiến chúng tôi vừa loay hoay chọn góc máy ảnh, máy quay phim, trong khi bao nhiêu tì vị cứ hoạt động hết công suất vì mùi thơm lừng của cả con phố. Tôi nghĩ, màu đỏ thắm của hoa đào hay... vịt quay thì lên hình cũng lung linh, cũng lay động y như nhau. Những hàng quán, những tên món ăn cứ hiện lên lộng lẫy trong khung máy của tôi.

Lên đây nhiều lần, tôi càng tin chắc một điều rằng, những địa danh mà dân phượt hay nhắc cũng chẳng ghê gớm gì. Mẫu Sơn ngàn năm vẫn thế, nếu không có băng giá, không gặp mùa hoa đào vào dịp tết thì cũng chẳng có bao nhiêu điểm check-in sống ảo... Cái đặc sắc nhất của Lạng Sơn chính là phố, là ẩm thực đường phố. Hồn phố chính là ở đó. Món ăn không chỉ là ăn. Cứ nhẩn nha tay cầm máy, cuốc bộ, chuẩn bị bụng dạ. Hấp dẫn vô cùng.

Mà Lạng Sơn có cách Hà Nội bao xa đâu!

Hồng Hạnh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/du-lich/dong-dang-khong-chi-co-pho-ky-lua-1063728.html