Đóng cửa rừng tự nhiên: Bài 2 - Vẫn xảy ra phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật

Sau 4 năm thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên, những kết quả đạt được khá nổi bật, diện tích rừng, độ che phủ rừng liên tục tăng lên, số vụ vi phạm pháp luật và thiệt hại về rừng giảm rõ nét.

Hệ thống tời được lắp đặt để vận chuyển gỗ tại hiện trường. Ảnh: TTXVN phát

Hệ thống tời được lắp đặt để vận chuyển gỗ tại hiện trường. Ảnh: TTXVN phát

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, trong giai đoạn 2016-2019, bình quân mỗi năm trong cả nước giảm 35% số vụ và 20% diện tích rừng bị thiệt hại. Tuy vậy, tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật còn xảy ra tại một số địa phương.
Tình trạng phá rừng pơ mu vẫn tiếp diễn
Theo phản ánh của phóng viên TTXVN tại Đắk Lắk, những năm gần đây, tình trạng phá rừng pơ mu tại địa phương vẫn diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc phá rừng pơ mu liên tiếp xảy ra mà không tìm được thủ phạm.

Mặc dù cây pơ mu phân bố ở địa hình hiểm trở, trên những đỉnh núi có độ cao từ 1.500 mét so với mực nước biển, nhưng vì có giá trị kinh tế cao, thuộc loài quý hiếm nên "lâm tặc" luôn tìm mọi cách khai thác trái phép. Nếu không kịp thời bảo vệ, loài cây quý hiếm này có nguy cơ tuyệt chủng.
Những ngày giữa tháng 5/2020, phóng viên TTXVN tại Đắk Lắk đã tận mục sở thị khu vực phân bố, hiện trường các vụ phá rừng pơ mu tại huyện Krông Bông – nơi có nhiều quần thể cây pơ mu.
Sau hai ngày đi bộ, vượt địa hình núi cao hiểm trở, phóng viên có mặt tại tiểu khu 1219, thuộc lâm phần quản lý của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông (huyện Krông Bông). Khu vực này có độ cao trên 1.600 mét so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ cùng độ ẩm cao là điều kiện lý tưởng để cây pơ mu sinh trưởng và phát triển.
Tiểu khu 1219 là “thủ phủ” sinh sống của cây pơ mu cũng chính là “miếng mồi ngon” hút các nhóm lâm tặc đua nhau khai thác trái phép. Những năm gần đây, tại khu vực này liên tiếp xảy ra các vụ “thảm sát” rừng pơ mu, điển hình như các vụ khai thác trái phép: 48 cây gỗ pơ mu xảy ra tháng 10/2018, 24 cây pơ mu vào tháng 2/2019, 9 cây pơ mu vào tháng 12/2019; 14 cây pơ mu vào tháng 2/2020 và gần đây nhất là vụ cưa hạ 19 cây pơ mu vào tháng 4/2020. Điều đáng nói, tình trạng phá rừng pơ mu không chỉ nóng lên trong thời gian gần đây mà đã diễn ra suốt nhiều năm liền.
Trên hành trình tiếp cận hiện trường các vụ phá rừng pơ mu, bắt đầu từ độ cao khoảng 1.500 mét so với mặt nước biển tại tiểu khu 1213, phóng viên đã bắt gặp rất nhiều cây pơ mu bị cưa hạ từ nhiều năm trước, dấu vết còn nguyên với những phần gốc, thân, cành và cả những phần gỗ xấu của cây pơ mu còn vương vãi.

Có cây đường kính gốc lên đến 1,5 mét, nằm bên vực sâu, nhưng vẫn bị lâm tặc lắp đặt hệ thống dàn giáo để cưa hạ, sau đó lấy phần gỗ từ vực sâu và vận chuyển ra khỏi rừng. Thậm chí, nhiều phần gỗ cây pơ mu bị chặt hạ từ các năm trước cũng bị lâm tặc xẻ gốc và thân cây để “mót” lại những khúc pơ mu từng bị vứt bỏ tại rừng già.
Tiếp tục men theo lối mòn, vượt qua những con dốc gần như thẳng đứng, phóng viên tiếp cận hiện trường vụ chặt hạ 19 cây pơ mu gần đây nhất (xảy ra tháng 4/2020) tại các lô 8, 9, 11, 13, khoảnh 4, tiểu khu 1219. Tại hiện trường, 1 cây pơ mu đã bị lấy đi phần thân, 3 cây đã bị cắt thành đoạn ngắn, 15 cây còn nguyên tại hiện trường. Ngoài phần gỗ đã bị lấy đi, qua đo đếm sơ bộ, số gỗ còn lại tại hiện trường khoảng gần 38 m3. Vị trí các cây gỗ bị cắt hạ thuộc rừng phòng hộ.
Tại tiểu khu 1219, phóng viên còn ghi nhận nhiều cây pơ mu đã bị lâm tặc cưa một phần vào gốc cây khoảng 5-10 cm, một số cây còn bị đốt tại các vị trí cưa. Theo lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của tiểu khu 1219, việc làm trên là cách mà "lâm tặc" kiểm tra xem gỗ cây pơ mu có hư bên trong hay không, đồng thời là cách “thực thi luật rừng” để các nhóm lâm tặc đánh dấu “quyền sở hữu” cây pơ mu đã được nhóm mình thăm dò và chỉ chờ cơ hội để cưa hạ.
Những vụ án không tìm ra “hung thủ”
Trên hành trình tìm đến “thánh địa” của cây pơ mu sinh sống tại tiểu khu 1219, thuộc lâm phần của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông quản lý, có thể nhận thấy một thực tế diễn ra từ nhiều năm qua là cây pơ mu có mặt ở đâu thì lâm tặc mở đường đi tới đó nhằm “truy cùng diệt tận” loài thực vật quý hiếm này.
Trong khu rừng nguyên sinh, từ độ cao trên 1.500 mét so với mực nước biển tại tiểu khu 1213 giáp ranh với tiểu khu 1219, cây pơ mu đã bắt đầu phân bố thưa thớt. Tại đây, dọc con đường mòn do lâm tặc “khai lối” là những cây pơ mu đã bị khai thác nằm rải rác từ nhiều năm trước.

Những năm gần đây, khi cây pơ mu tại tiểu khu 1213 bắt đầu khan hiếm, "lâm tặc" đã mở đường “tấn công” lên tiểu khu 1219, nơi có những quần thể pơ mu phân bố dày hơn. Điều này cho thấy, chỉ cần pơ mu mọc ở đâu thì ở đó sẽ có đường mòn để phục vụ khai thác và vận chuyển.

Những dấu vết tại hiện trường cũng thể hiện rõ, quần thể pơ mu cổ thụ ở đây đã liên tục bị “thảm sát” không thương tiếc trong nhiều năm. Chỉ tính riêng từ năm 2018 đến nay đã xảy ra 5 vụ khai thác gỗ pơ mu tại tiểu khu 1219 khiến 114 cây pơ mu bị cưa hạ.

Tuy nhiên, đến thời điểm này tất cả những vụ cưa hạ pơ mu đều không được xử lý dứt điểm, vì không tìm ra “hung thủ”.

Đội ngũ kiểm lâm. Ảnh: Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

Chủ rừng “bất lực”
Rõ ràng trách nhiệm đầu tiên trong việc để mất rừng pơ mu thuộc về chủ rừng. Ngoài chủ rừng còn có các lực lượng khác như Kiểm lâm, Công an, chính quyền địa phương. Vậy tại sao lâm tặc vẫn ngang nhiên lộng hành?
Tiểu khu 1219 có diện tích hơn 1.500 ha, được giao cho Phân trường 2, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông quản lý bảo vệ. Đây là khu vực có địa hình vô cùng hiểm trở khiến lực lượng quản lý, bảo vệ rừng gặp không ít khó khăn trong quá trình tuần tra, truy quét các nhóm "lâm tặc".
Là người trực tiếp quản lý, bảo vệ rừng tại tiểu khu 1219, anh Chu Minh Quang, Phân trường phó Phân trường 2 (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông) cho biết: Khu vực tiểu khu 1219 là nơi phân bố nhiều cây pơ mu nhất, cũng là vị trí đồi núi hiểm trở, dốc cao và cách trạm của Phân trường 2 hơn 20 km.

Để tiếp cận khu vực này, lực lượng chức năng phải mất 2 ngày đi bộ. Do đó, dù thường xuyên tổ chức các đợt tuần tra, truy quét, nhưng rất khó kiểm soát tình trạng các nhóm "lâm tặc" chặt hạ cây pơ mu.
Trong khi đó, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của Phân trường 2 chỉ có 13 người, nhưng phải quản lý, bảo vệ hơn 12.000 ha rừng. Lực lượng tuần tra được chia theo ca, mỗi ca có 3-4 người, mỗi đợt tuần tra kéo dài từ 4-5 ngày, sau đó có nhóm khác thay thế. Các đối tượng phá rừng cũng lợi dụng khoảng thời gian giao ca giữa hai đợt tuần tra để phá rừng.

Hơn nữa, việc phá rừng pơ mu đa số diễn ra ban đêm, "lâm tặc" dùng đèn pin và cưa máy để thực hiện nên rất khó trong việc phát hiện và bắt quả tang đối tượng. Đặc biệt, khi phát hiện có dấu hiệu tuần tra của lực lượng bảo vệ rừng, những đối tượng cảnh giới của "lâm tặc" sẽ đánh động cho các nhóm phá rừng tháo chạy.
Theo anh Chu Minh Quang, cũng chính vì địa hình hiểm trở, việc vận chuyển gỗ ra khỏi rừng cũng được thực hiện bằng phương pháp thủ công. Các đối tượng lâm tặc thuê người dân sống gần rừng dùng trâu kéo hoặc gùi trên vai từng tấm gỗ ra khỏi rừng.

Khi bị lực lượng bảo vệ rừng phát hiện, người dân lập tức bỏ lại gỗ để chạy thoát vào rừng. Do người dân bản địa sống gần rừng, thông thạo địa hình nên rất khó để truy bắt.
Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông) Đoàn Văn Thành cho biết: Một trong những khó khăn nữa là gần khu vực tiểu khu 1219 có rất nhiều con đường tỏa đi các hướng khác nhau như về xã Yang Mao, Cư Đrăm (huyện Krông Bông), đi về các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên.

Tuy nhiên, do lực lượng bảo vệ rừng quá mỏng, nên việc kiểm soát các con đường vận chuyển gỗ rất khó triển khai. Hơn nữa, nếu tập trung hết lực lượng để bảo vệ tiểu khu 1219 thì những tiểu khu khác có nguy cơ bị xâm nhập, khai thác trái phép khi “vắng bóng” lực lượng quản lý bảo vệ rừng.
Ngoài địa hình hiểm trở làm hạn chế hoạt động tuần tra, tiếp cận các “điểm nóng” phá rừng pơ mu, lực lượng tuần tra bảo vệ rừng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn khác do điều kiện đi lại, ăn, ở, sinh hoạt trong rừng vô cùng khắc nghiệt.
Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông Bùi Quốc Tuấn phân trần: Những năm gần đây, do ảnh hưởng của thiên tai, đời sống người dân sống xung quanh khu vực rừng do Công ty quản lý, rất khó khăn.

Nhiều người dân phải dựa vào rừng để kiếm kế sinh nhai, trong đó một bộ phận tham gia vào các nhóm lâm tặc chặt hạ, vận chuyển gỗ pơ mu trái phép khiến áp lực giữ rừng đè nặng lên chủ rừng.
“Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng pơ mu bị tàn phá là do hầu hết các vụ phá rừng đều được cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường, khởi tố vụ án để điều tra. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có vụ án nào tìm ra được đối tượng gây án nên không tạo được sự răn đe đối với các nhóm lâm tặc”, ông Tuấn cho hay.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Krông Bông Lê Văn Long cho biết: Hầu hết các vụ phá rừng pơ mu đều được khởi tố vụ án, tuy nhiên không bắt được người vi phạm, dẫn đến vụ việc không xử lý được, không đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm pháp luật. Đây cũng là thực trạng diễn ra trong nhiều năm qua khiến cho công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.
Những khó khăn trong quản lý, bảo vệ rừng pơ mu và những hạn chế trong công tác điều tra làm rõ vụ việc đã đặt ra cho cả chủ rừng, cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương “bài toán cân não” để giữ rừng pơ mu trước thực trạng bị khai thác “tận diệt” như hiện nay./.

>>>Thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên: Bài 3 - Giải bài toán giữ rừng

Tuấn Anh/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/du-bao-tinh-hinh-thien-tai-nam-2020/157703.html