Đóng cửa nhà kho vì đi 1km đường BOT tính trả phí 100 triệu/tháng

Dù chỉ sử dụng khoảng 1km đường BOT nhưng người dân vẫn phải mất phí toàn tuyến 40,6km khi qua trạm thu phí BOT Nam Bình Định. Điều này, khiến người dân phản ứng vì mất phí “oan”.

Trạm thu phí BOT Nam Bình Định (đặt tại phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, Bình Định) thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng QL1 - đoạn Km 1.212+400 đến Km 1.265 có chiều dài 40,6km chạy qua tỉnh Bình Định và Phú Yên, chủ đầu tư là Công ty TNHH đầu tư BOT Bình Định.

Tháng 5.2016, trạm thu phí này đi vào hoạt động đã gặp phải phản ứng rất gay gắt của người dân địa phương. Nhiều người dân, doanh nghiệp ở gần trạm thu phí bức xúc cho rằng, họ là đối tượng chịu thiệt hại trực tiếp từ việc thu phí nhưng khi đặt trạm lại không được tham gia đóng góp ý kiến.

Trong khi đó, việc chỉ sử dụng đường BOT khoảng 1km (từ thị xã An Nhơn đi QL1 rẽ sang QL 19 theo hướng huyện Tây Sơn) nhưng phải trả tiền cho toàn tuyến khi đi qua trạm thu phí là quá bất công. Trạm thu phí lại được đặt tại QL1 nên bắt buộc họ phải chấp nhận mất phí “oan”, không còn sự lựa chọn khác.

Trạm thu phí BOT Nam Bình Định (đặt tại phường Nhơn Hòa) gặp phải phản ứng của người dân. Ảnh: D.T

Theo ông Trần Văn Phúc (trú phường Bình Định, thị xã An Nhơn), công ty của gia đình ông có 6 xe tải, ô tô chuyên chở thức ăn và giao dịch công việc tại khu công nghiệp Nhơn Hòa. Vì vậy, từ khi trạm thu phí BOT Nam Bình Định đi vào hoạt động, mỗi tháng công ty phải đóng phí gần 20 triệu đồng.

“Điều nghịch lý, từ công ty đi khu công nghiệp Nhơn Hòa chúng tôi chỉ sử dụng khoảng 1km đường BOT trên QL1 nhưng bắt buộc phải qua trạm thu phí nên đành mất tiền phí oan cho cả tuyến. Trong khi đó, chất lượng đường BOT lại không được tốt”- ông Phúc phản ứng.

Ông Phúc đề nghị, trạm thu phí phải miễn phí cho những doanh nghiệp ở gần vì thực tế việc sử dụng đường BOT rất ít.

“Chưa kể việc nhập hàng từ xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước), khu công nghiệp Nhơn Hòa về lại công ty thì cước phí hàng hóa vận chuyển cũng tăng lên do tiền thu phí được tính vào cước phí. Cuối cùng, chúng tôi vẫn là đơn vị chịu thiệt hại dù sử dụng đường BOT rất ít”- ông Phúc cho hay.

Ông Trần Văn Mẫn phải bỏ hoang nhà kho vì lo sợ mất gần 100 triệu đồng tiền thu phí BOT mỗi tháng. Ảnh: D.T

Lâm vào tình cảnh trớ trêu hơn, nhà kho chứa vật liệu xây dựng trị giá 5 tỷ đồng (nằm ở phía Bắc trạm thu phí BOT Nam Bình Định) của Công ty TNHH SXTM Vinh Phong (phường Nhơn Hòa, TX.An Nhơn) phải chịu cảnh bỏ hoang từ khi trạm thu phí này hoạt động.

Ông Trần Văn Mẫn - Phó giám đốc Công ty Vinh Phong lý giải: “Xe chở xi măng từ Quảng Bình về vị trí kho, do trước trạm thu phí đều có dải phân cách đường nên muốn quay đầu qua kho, bắt buộc các xe này phải đi qua trạm thu phí đến 2 lần. Nếu tính toán, 1 tháng chúng tôi xuất nhập khoảng 8.000 tấn hàng thì phải đóng gần 100 triệu đồng tiền phí qua trạm. Điều này quá vô lý, chúng tôi đành đóng cửa nhà kho”.

Ông Mẫn cho rằng, việc thực hiện dự án BOT trên QL1 cần phải cho người dân có sự chọn lựa. Khi nào người dân sử dụng đường BOT thì họ chấp nhận đóng phí chứ không hề né tránh.

“Theo quy định, khoảng cách 2 trạm thu phí tối thiểu phải là 70km, nhưng thực tế 2 trạm BOT Bắc và BOT Nam trên QL1 chỉ 64km. Tôi đề nghị phải di dời trạm cho đúng khoảng cách. Chúng tôi là doanh nghiệp,  chịu thiệt hại trực tiếp từ việc thu phí. Nhưng khi đặt trạm, tại sao không tham khảo ý kiến chúng tôi (!?). Đối với những hộ kinh doanh gần trạm thu phí, sử dụng đường có 1km thì phải được giảm phí, chứ không thể trả tiền cho toàn tuyến đường BOT được, điều đó quá bất công?”- ông Mẫn nói.

Nhiều doanh nghiệp ở gần trạm thu phí BOT Nam Bình Định muốn quay đầu xe bắt buộc phải qua trạm thu phí 2 lần vì có dải phân cách. Ảnh: D.T

Sở GTVT tỉnh Bình Định cho rằng, đối với đường QL 1 cần có giải pháp mở dải phân cách giữa tại 2 đầu trạm thu phí BOT để người dân không có nhu cầu qua trạm được quay đầu xe trước trạm, không phải chịu cảnh đóng phí qua trạm 2 lần khi muốn quay đầu trở về phía chiều đường bên kia. Cần có chính sách miễn giảm đối với người dân có nhu cầu đi lại gần trạm thu phí…

Ông Nguyễn Văn Phồn - Trạm trưởng Trạm thu phí BOT Nam Bình Định, cho biết đơn vị này đã tiếp nhận được những kiến nghị trên từ người dân, doanh nghiệp địa phương.

“Thế nhưng, chưa thể mở dải phân cách giữa tại 2 đầu trạm thu phí vì liên quan đến vấn đề an toàn giao thông. Còn việc giảm phí qua trạm phải chờ ý kiến từ Bộ GTVT”- ông Phồn giải thích.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/video-anh/dong-cua-nha-kho-vi-di-1km-duong-bot-tinh-tra-phi-100-trieu-thang-803042.html