Động cơ ô tô quá nóng, những điều bác tài cần thuộc nằm lòng

Việc di chuyển đường dài dưới thời tiết nắng nóng liên tục khiến động cơ xe bị quá nhiệt không hiếm gặp. Tuy nhiên, nếu không ở trong những tình huống tương tự, động cơ vẫn quá nóng, nghĩa là lúc bác tài phải xem xét lại vấn đề của xe mình để kịp thời sửa chữa.

Dưới đây là những thao tác bạn cần làm để kiểm tra, tìm nguyên nhân xe bị nóng:

1. Kiểm tra bộ phận làm mát

Các bộ phận đầu tiên bạn cần kiểm tra bao gồm két làm mát, nước làm mát, ống dẫn nước làm mát xem có bất thường gì không.

Hệ thống làm mát bị bẩn, hỏng hóc là nguyên nhân hàng đầu khiến động cơ ô tô bị quá nóng.

Hệ thống làm mát bị bẩn, hỏng hóc là nguyên nhân hàng đầu khiến động cơ ô tô bị quá nóng.

Nguyên nhân phổ biến và dễ khắc phục nhất là két nước lâu ngày không vệ sinh, bị đóng cặn bẩn hoặc thiếu nước làm mát khiến cho việc thoát nhiệt của động cơ xe không được đảm bảo. Với lỗi này, bạn chỉ cần vệ sinh, thêm dung dịch làm mát là máy sẽ chạy bon bon.

Ống dẫn nước làm mát bị hỏng cũng sẽ khiến nước mát không lưu chuyển được, quá trình làm mát của két nước mất tác dụng, dẫn đến động cơ quá nóng. Lúc này, bạn cần đến thợ để thay thế nếu không thể tự khắc phục.

2. Kiểm tra dầu động cơ:

Cần thay dầu định kỳ cho động cơ để đảm bảo cho xe hoạt động trơn tru, không bị quá nhiệt dẫn đến hỏng hóc.

Việc thiếu dầu hoặc dầu quá cũ, kém hiệu quả sẽ khiến động cơ hoạt động không trơn tru, khiến cho lực ma sát giữa các piston và xi lanh trong quá trình làm việc bị ảnh hưởng, động cơ xe nhanh bị nóng máy và quá nhiệt. Về lâu dài, có thể khiến động cơ bị hỏng nặng. Vì vậy, hãy định kỳ thay dầu nhớt khi ô tô của bạn chạy được khoảng 3.000 km hoặc 500 giờ hoạt động.

3. Hỏng quạt gió:

Bộ phận quạt gió có tác dụng giúp lưu thông không khí đi qua két tản nhiệt hệ thống làm mát để động cơ được làm mát. Khi quạt gió hỏng, hiệu quả làm mát sẽ bị giảm đi, vì vậy cần sửa chữa, thay thế khi cần thiết để bảo vệ cho động cơ được an toàn.

Quạt gió làm mát động cơ bị hỏng cũng sẽ khiến máy bị quá nhiệt.

4. Van hằng nhiệt bị kẹt:

Bộ phận này thường ít người quan tâm, tuy nhiên nó lại có vai trò khá quan trọng trong việc làm mát động cơ, giúp rút ngắn thời gian làm nóng của động cơ nhờ việc điều chỉnh nước đi qua két nước mát và giảm nhiệt độ nóng động cơ. Khi bộ phận này bị kẹt, lỗi sẽ khiến quá trình làm mát động cơ chậm hơn dẫn đến quá nhiệt.

Van hằng nhiệt ô tô bị kẹt cũng sẽ khiến động cơ bị nóng bất thường.

5. Dây cu-roa truyền động bị căng, trùng:

Nếu phát hiện bộ dây cu-roa truyền động gặp tình trạng căng, trùng, hãy nhanh chóng khắc phục để giúp xe được vận hành êm ái.

Dây cu-roa truyền động bị căng, trùng sẽ khiến động cơ làm việc nhiều hơn, nhanh nóng máy hơn.

(*) Lưu ý: trước khi kiểm tra khoang động cơ để tìm nguyên nhân, tài xế cần mở nắp capo và chờ khoảng 5-10 phút để toàn bộ nhiệt quá tải bên trong được thoát ra ngoài. Sau đó, hãy kiểm tra két nước bằng cách mở hé, giúp hơi nóng từ từ thoát ra ngoài, không mở ngay vì nước sôi có thể bắn và gây bỏng cho bạn. Với những tài xế có kinh nghiệm lâu năm, trong xe luôn có sẵn nước dự trữ (nước suối chẳng hạn) để đề phòng tình huống thiếu nước làm mát. Sau khi bổ sung tạm thời, cần rửa bình nước và sử dụng nước làm mát chuyên dụng để tránh bám cặn, tắc nghẽn hệ thống làm mát.

Quan trọng nhất, để tránh phải những tình huống bất ngờ, khó xử lý, bạn nên thường xuyên bảo dưỡng xế yêu theo định kỳ để đảm bảo tất cả các bộ phận đều hoạt động trơn tru, đồng bộ.

Anh Nguyễn (tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://xe.nguoiduatin.vn/517/dong-co-o-to-qua-nong-nhung-dieu-bac-tai-can-thuoc-nam-long-356864.html