Động cơ mới cho tiêm kích J-20 không thể góp mặt trong triển lãm Chu Hải

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời một số nguồn tin nội bộ cho biết động cơ do Trung Quốc tự sản xuất riêng cho mày bay tiêm kích tàng hình J-20 không được ra mắt tại Triển lãm Hàng không quốc tế Chu Hải như kế hoạch do thất bại trong các cuộc kiểm tra khả năng hoạt động.

Một trong ba chiếc J-20 bay trình diễn trong Triển lãm Hàng không quốc tế Chu Hải - Ảnh: Nhân dân Nhật báo

Được mong đợi là một trong những điểm nhấn trong 6 ngày triển lãm diễn ra nhưng WS-15 cho đến nay vẫn chưa lộ diện. Theo một nguồn tin trong nội bộ quân đội: “Hiệu suất của động cơ này vẫn rất không ổn định, các kỹ sư vẫn chưa tìm ra lý do mặc dù công suất vector hiện đã đủ tốt”.

Nguồn tin khác tiết lộ WS-15 không đáp ứng được những mục tiêu về độ tin cậy tổng thể trong thử nghiệm hoạt động thời gian dài (hàng trăm tiếng đồng hồ).

Trước đó, SCMP có đưa tin WS-15 sử dụng cánh tuabin tinh thể đơn, đã khắc phục được lỗi kỹ thuật và có thể sản xuất hàng loạt vào cuối năm nay. Thất bại trong kiểm tra độ tin cậy chắc chắn ảnh hưởng kế hoạch sản xuất, mặc dù Trung Quốc có nhu cầu sở hữu J-20 càng nhiều càng tốt.

J-20 có tham gia bay trình diễn trong triển lãm Chu Hải. Tiêm kích này vẫn trang bị động cơ AL-31 Saturn Nga.

Mô hình J-20 tại triển lãm - Ảnh: AP

Dù quá trình phát triển động cơ riêng cho J-20 gặp vấn đề, quân đội Trung Quốc vào tháng 2 xác nhận kiểu chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 đã được điều động đến các đơn vị chiến đấu của không quân nước này. Số lượng bao nhiêu J-20 được triển khai không được nói rõ.

Theo một trong các nguồn tin: “Thật đáng xấu hổ khi Trung Quốc có thể phải nhờ Nga giúp đỡ. Hiện tại hai nước có quan hệ tốt, nhưng Bắc Kinh sẽ xoay xở ra sao nếu cả hai trở mặt hoặc Moscow có chiến tranh với quốc gia khác. Tất cả những bất trắc này sẽ tác động đến việc sản xuất AL-31, kế hoạch sản xuất hàng loạt J-20 vì vậy không tránh khỏi bị liên lụy”.

J-20 dùng động cơ WS-10B vốn được thiết kế cho tiêm kích đời trước trước khi được tích hợp AL-31 vì phù hợp hơn.

Dù thiếu vắng WS-15 nhưng Trung Quốc có đem đến triển lãm phiên bản cải tiến của tiêm kích hạng nhẹ J-10B sử dụng động cơ WS-10B. Chiến đấu cơ này thu hút sự chú ý vì tính cơ động cao.

Màn trình diễn của tiêm kích J-10B - Ảnh: Sputnik News

Một điểm nhấn khác là mô hình máy bay không người lái (UAV) tàng hình CH-7, sản phẩm của Tập đoàn Công nghiệp công nghệ không gian Trung Quốc. Sải cánh của CH-7 là 22 mét, trọng lượng cất cánh tối đa 13 tấn, có thể bay liên tục trong 15 giờ. Ngoài thực hiện nhiệm vụ do thám, UAV này còn có khoang chứa được nhiều loại vũ khí để thực hiện nhiệm vụ tấn công.

Dự kiến CH-7 sẽ tiến hành bay thử trong năm 2019, đến năm 2022 bắt đầu sản xuất hàng loạt.

Mô hình máy bay không người lái CH-7 - Ảnh: Sputnik News

Cẩm Bình (theo SCMP, CBS News)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/vu-khi-chien-luoc-quan-su-c-125/dong-co-moi-cho-tiem-kich-j-20-khong-the-gop-mat-trong-trien-lam-chu-hai-100500.html