'Đồng chí Tố Hữu với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế'

Chiều 2/10, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã diễn ra Hội thảo khoa học 'Đồng chí Tố Hữu với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế'.

Hội thảo khoa học “Đồng chí Tố Hữu với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế"

Hội thảo khoa học “Đồng chí Tố Hữu với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế"

Đây là Hội thảo do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà cách mạng, nhà thơ Tố Hữu (4/10/1920-4/10/2020). Đây cũng là dịp để cán bộ, đảng viên và nhân dân ta tôn vinh những cống hiến to lớn của nhà thơ Tố Hữu đối với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế.

Tố Hữu, tên thật là Nguyễn Kim Thành, được sinh ra trong một gia đình công chức tại Hội An (Quảng Nam), quê gốc ở làng Phù Lai, nay là thôn Tân Xuân Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông là một nhà thơ tiêu biểu của thơ cách mạng Việt Nam, đồng thời ông còn là một chính khách, một cán bộ cách mạng lão thành.

Gần 70 năm hoạt động cách mạng sôi nổi, nhà thơ Tố Hữu đã được Đảng giao nhiều trọng trách quan trọng, như: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) nước Cộng hòa xã hôi chủ nghĩa Việt Nam, Phó Bí thư Xứ ủy Trung bộ, Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Thừa Thiên Huế, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương,...

Với những công lao và thành tích to lớn đối với sự nghiệp cách mạng, nhà thơ Tố Hữu đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác.

Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 40 tham luận của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các cơ quan Ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, của tỉnh Thừa Thiên Huế và một số địa phương, cùng nhiều báo cáo tham luận của các nhà khoa học.

Khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Mình, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương đề nghị Hội thảo tập trung phân tích, đánh giá những hoạt động, cống hiến nổi bật của dồng chí Tố Hữu: ảnh hưởng của truyền thống quê hương, gia đình - cái nôi hình thành nhân cách, nuôi dưỡng tâm hồn, nhiệt huyết, hình thành chí khí cách mạng của nhà thơ; tập trung phân tích, đánh giá những đóng góp quan trọng của đồng chí Tố Hữu trong quá trình đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc và Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã tập trung phân tích và làm nổi bật vai trò, đóng góp của đồng chí Tố Hữu trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc Việt Nam chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, trực tiếp là trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng.

Các tác giả cũng đã phân tích, đánh giá những hoạt động và cống hiến của cố nhà thơ giai đoạn sau khi đất nước thống nhất, cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội và thời kỳ đầu đổi mới toàn diện đất nước. Vai trò khai sáng và dẫn dắt nền văn học cách mạng, truyền cảm hứng, lan tỏa nhiệt tình cách mạng, niềm tin và tinh thần lạc quan cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân của Tố Hữu.

Hội thảo thống nhất khẳng định, đồng chí Tố Hữu là con người ưu tú của quê hương Thừa Thiên Huế, nơi khởi đầu những hoạt động yêu nước của ông.

THẢO VI

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/dong-chi-to-huu-voi-cach-mang-viet-nam-va-que-huong-thua-thien-hue-20201002153824268.htm