Đồng chí Tố Hữu: Hai lần làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Tố Hữu đã có hai lần giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Tháng 4/1939, đồng chí Tố Hữu bị thực dân Pháp bắt và kết án hai năm tù giam ở Huế. Do đấu tranh chống tra tấn, đồng chí bị thực dân Pháp tăng án tù và đày đi Lao Bảo, rồi Buôn Ma Thuột, Quy Nhơn,... sau đó đi trại tập trung Đắk Lay (Kon Tum) trong nhiều năm.

Đến tháng 3/1942, Đồng chí vượt ngục Đắk Lay về Huế, sau đó ra Hà Nội; cuối tháng 7/1942, bí mật vào Thanh Hóa hoạt động, gây dựng lại cơ sở cách mạng

Từ năm 1943 - 1945, đồng chí làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, tham gia Ban lãnh đạo chiến khu Quang Trung; sau ngày Nhật đảo chính Pháp (tháng 3/1945), được Trung ương phái vào tổ chức Ủy ban Khởi nghĩa ở các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và liên lạc với các đồng chí hoạt động cách mạng ở Nam Trung Bộ.

Tháng 8/1945, đồng chí Tố Hữu làm Phó Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên - Huế; năm 1946, được điều ra Trung ương phụ trách công tác văn hóa và thanh niên.

Đến tháng 12/1946, đồng chí được Trung ương phân công về làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa lần thứ hai. Lần thứ hai làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, đồng chí nhận nhiệm vụ cùng Tỉnh ủy xây dựng Thanh Hóa thành hậu phương chiến lược khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nổ ra.

Trong quá trình hoạt động tại Thanh Hóa, đồng chí Tố Hữu đã có thời gian ở tại gia đình mẹ Tơm - một cơ sở cách mạng ở làng Hanh Cù (xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc); được đùm bọc, nuôi dưỡng, chở che, bởi những con người bình dị mà cao cả.

Sau này, trong lần về thăm “Quê mẹ nuôi xưa” vào tháng 7/1961, đồng chí đã xúc động viết bài thơ Mẹ Tơm, với những lời ca ngợi: “Sống trong cát, chết vùi trong cát/ Những trái tim như ngọc sáng ngời!”.

PV

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/dong-chi-to-huu-hai-lan-lam-bi-thu-tinh-uy-thanh-hoa/125219.htm