Đồng chí Phan Văn Khải với tiến trình chủ động hội nhập quốc tế của đất nước

Hơn 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Phan Văn Khải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều đóng góp lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Từ năm 1992 đến năm 2006, trên các cương vị Phó Thủ tướng, Phó Thủ tướng Thường trực rồi Thủ tướng Chính phủ, đồng chí đã để lại dấu ấn quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới, góp phần đưa Việt Nam tăng trưởng kinh tế mạnh, vượt ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, đồng thời đẩy nhanh tiến trình hội nhập quốc tế của nước ta.

1. Đảm nhiệm cương vị người lãnh đạo chủ chốt của Chính phủ trong giai đoạn đất nước gặp nhiều khó khăn bởi tác động nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng kinh tế Châu Á, đồng chí Phan Văn Khải đã thể hiện rõ là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược. Để đưa đất nước vượt qua khó khăn, đồng chí luôn coi trọng vai trò quyết định của nội lực trong xây dựng và phát triển đất nước. Đồng thời, đồng chí cũng sớm thấy rõ vai trò của ngoại lực, của hợp tác quốc tế và chú trọng mở rộng, tăng cường các hoạt động đối ngoại. Có thể nói, đồng chí Phan Văn Khải đã đóng vai trò quan trọng trong mũi đột phá của Việt Nam trên mặt trận đối ngoại.

Ngay từ những năm đầu thập niên 9 thế kỷ XX, trên cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phan Văn Khải đã nhận thức rõ và trực tiếp giải quyết mối quan hệ mật thiết giữa nội lực và ngoại lực. Trong bài phát biểu tại Hội thảo Quốc tế tại Brussels (Bỉ) ngày 23-10-1992, đồng chí đã khẳng định: “Để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, trước hết phải tận lực phát huy tiềm năng tiết kiệm đầu tư trong nước và nâng cao năng lực của nền khoa học - công nghệ quốc gia. Song, nguồn vốn và công nghệ bên ngoài là một yếu tố quan trọng để khơi dậy các nguồn lực của đất nước”. Chính vì vậy, năm 1993, được sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, đồng chí là người dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tại hội nghị các nhà tài trợ đầu tiên ở Paris (Pháp).

Ngày 15-12-1998, trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, trong bài phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Chính thức ASEAN lần thứ VI ở Hà Nội, đồng chí Phan Văn Khải đã chỉ ra rằng: “Sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trên phạm vi toàn cầu là cần thiết đối với lợi ích của mọi quốc gia”. Tiếp tục quan điểm này, trong bài phát biểu khai mạc cuộc gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài ở Hà Nội, ngày 25-3-1999, đồng chí khẳng định: “Cùng với việc khơi dậy và huy động mọi nguồn nội lực thì nguồn vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý và khả năng mở rộng thị trường từ bên ngoài, đặc biệt là qua kênh đầu tư trực tiếp của nước ngoài có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam”.

Xuất phát từ việc nhận thức vai trò hết sức quan trọng của ngoại lực trong phát triển kinh tế đất nước, đồng chí Phan Văn Khải xác định: “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận hữu cơ của kinh tế Việt Nam”. Do đó, năm 2002, đồng chí là người trực tiếp chỉ đạo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Đầu tư nước ngoài. Việc tham gia hội nghị các nhà tài trợ đầu tiên ở Paris và sửa đổi Luật Đầu tư nước ngoài đã góp phần rất lớn khai thông hai kênh huy động vốn quốc tế cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp công nghiệp hóa của Việt Nam.

2. Trong quá trình đổi mới, Đảng xác định đường lối đối ngoại: Việt Nam là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, tranh thủ thiết lập quan hệ với tất cả các nước, bao gồm các nước trong khu vực, các nước láng giềng, các nước lớn, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển. Hội nhập kinh tế quốc tế là quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh; nhiều cơ hội song cũng đầy thách thức, do vậy đòi hỏi sự đúng đắn trong đường lối và tổ chức thực hiện đặc biệt là sự khéo léo của những người đứng đầu.

Quán triệt đường lối đối ngoại rộng mở của Đảng, học tập và vận dụng theo tư tưởng đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Phan Văn Khải đã cùng tập thể Chính phủ xây dựng một chiến lược hội nhập và phát triển kinh tế của Việt Nam sau giai đoạn Việt Nam bình thường hóa quan hệ với các nước lớn, gia nhập ASEAN.

Trong quan hệ với các nước trong khu vực, đồng chí đã chủ trì hội nghị cấp cao đầu tiên của ASEAN họp tại Hà Nội năm 1998. Tại hội nghị, với sự khéo léo, tinh tế và chân thành trong xử lý những vấn đề để đi đến đồng thuận, đồng chí đã góp phần mở đường cho sự kiện mở rộng ASEAN thành 10 nước. Trong bài phát biểu của mình, đồng chí nhấn mạnh: “Chìa khóa để ASEAN đạt được mục tiêu hòa bình, phát triển là sự đoàn kết keo sơn giữa các nước... thống nhất trong sự đa dạng đã và sẽ giúp tăng thêm sức mạnh của mỗi nước, thúc đẩy hợp tác, góp phần củng cố ASEAN, duy trì ổn định trong khu vực và nâng cao vị thế của ASEAN trên trường quốc tế”.

Trong quá trình thực hiện đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, đưa đất nước chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng của Đảng và Nhà nước, đồng chí Phan Văn Khải là người đã có công lao thiết lập các quan hệ ngoại giao tốt đẹp, đưa đất nước phát triển và hội nhập. Năm 1998, sau một năm nhậm chức, Thủ tướng Phan Văn Khải là nhà lãnh đạo chủ chốt đầu tiên của Việt Nam tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), thúc đẩy Việt Nam tiến tới hội nhập và tích cực phát huy vai trò trong APEC. Thông qua APEC, Việt Nam có cơ hội và điều kiện liên kết, thực hiện hợp tác, thương mại, đầu tư với nhiều quốc gia khác. Đến năm 2006, Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Hội nghị APEC.

Trong quan hệ đối ngoại với các nước lớn, đồng chí Phan Văn Khải hết sức chú trọng. Đồng chí đã góp phần to lớn vào việc hoàn tất đàm phán và ký Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ (BTA) tháng 7-2000, mở ra thị trường rộng lớn nhất thế giới; đưa Hoa Kỳ thành bạn hàng xuất khẩu số 1 của Việt Nam, đánh dấu bước tiến lịch sử trong quá trình bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai nước.

Thủ tướng Phan Văn Khải hội đàm với Tổng thống Mỹ G.J.Bush tại phòng Ô-van, Nhà Trắng, ngày 21-6-2005.

Đặc biệt, ngày 21-6-2005, sau 10 năm bình thường hóa quan hệ hai nước, Thủ tướng Phan Văn Khải đã thăm chính thức Hoa Kỳ. Chuyến thăm này đánh dấu lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Hoa Kỳ sau 30 năm kết thúc chiến tranh; đồng thời, đánh dấu mốc mới trong quan hệ giữa hai quốc gia, nhất là trên lĩnh vực kinh tế. Sau chuyến thăm, nhiều hợp đồng lớn đã được ký kết. Chuyến thăm cũng góp phần tăng cường mối quan hệ ngoại giao ngày càng tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, làm nền tảng cho những bước tiến giữa hai nước trong những năm tiếp theo.

Ngay sau chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ, Thủ tướng Phan Văn Khải đã thăm chính thức Canada, cũng là chuyến thăm chính thức Canada đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973. Những cam kết, hiệp định và thỏa thuận hợp tác cấp cao mới, hợp tác giữa các địa phương và giữa các doanh nghiệp hai nước đã được ký kết nhân chuyến thăm này.

Hai chuyến thăm lịch sử của Thủ tướng Phan Văn Khải tới Mỹ và Canada đã mang lại thành công về nhiều mặt; nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; tăng cường quan hệ hợp tác về kinh tế thương mại, đầu tư (theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tổng giá trị các hợp đồng mà doanh nghiệp các bên đã ký kết đạt hơn 1,4 tỷ USD), thu hút vốn viện trợ đầu tư phát triển vào Việt Nam; tạo ra mối quan tâm cao đối với dư luận chung và dư luận tại Mỹ, Canada về Việt Nam; tăng cường các quan hệ hợp tác về nhân đạo, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, an ninh quốc phòng... Một thành quả quan trọng nữa là Việt Nam đã đạt được những tiến bộ có ý nghĩa trong đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Sau hơn 11 năm chuẩn bị và đàm phán, tháng 11-2006, Việt Nam được kết nạp làm thành viên thứ 150 của WTO. Việc gia nhập tổ chức quốc tế này là cột mốc hết sức quan trọng, mở ra nhiều điều kiện thuận lợi cho Việt Nam trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Có thể nói, thành tựu này là dấu mốc về đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, trong đó có sự dày công chuẩn bị và những nỗ lực hoạt động ngoại giao hiệu quả của Chính phủ, đứng đầu là Thủ tướng Phan Văn Khải.

Những đóng góp của Thủ tướng Phan Văn Khải đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước nói chung, lĩnh vực đối ngoại nói riêng sẽ mãi được ghi nhận trong lịch sử dân tộc và trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

Tiến sĩ Lý Việt Quang - Thạc sĩ Trần Thị Huyền (Viện Hồ Chí Minh và Các lãnh tụ của Đảng)

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/896377/dong-chi-phan-van-khai-voi-tien-trinh-chu-dong-hoi-nhap-quoc-te-cua-dat-nuoc