Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương thăm và làm việc tại tỉnh Thanh Hóa

Thực hiện chương trình công tác, chiều ngày 4-8-2018, tại trụ sở Tỉnh ủy Thanh Hóa, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, lãnh đạo một số vụ, cục, đơn vị thuộc Ban Tổ chức Trung ương. Về phía tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân tỉnh, bí thư các huyện ủy, thành ủy, thị ủy trực thuộc Tỉnh ủy.

Đồng chí Phạm Minh Chính (người đứng) phát biểu kết luận buổi làm việc.

Thanh Hóa là một tỉnh lớn, có diện tích 11.116 km2, dân số gần 3,6 triệu người, có 27 huyện, thành phố, thị xã. Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực, cố gắng giành nhiều kết quả, tạo chuyển biến tích cực về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh – quốc phòng, tăng cường công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Trong số 26 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra có 10 chỉ tiêu đến nay đã đạt kế hoạch, 10 chỉ tiêu có triển vọng hoàn thành và đạt khá, có 6 chỉ tiêu thấp hơn mục tiêu đề ra, cần sự nỗ lực phấn đấu rất cao mới hoàn thành.

Về phát triển kinh tế, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 3 năm 2016-2018 ước đạt 11%, riêng năm 2018 ước đạt 15%, gấp 1,36 lần bình quân giai đoạn 2011-2015 và gấp 1,6 lần bình quân chung cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, hình thành cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp và thủy sản 12,5% - công nghiệp, xây dựng 43% - dịch vụ 36,6% - thuế sản phẩm 7,9%. Các doanh nghiệp phát triển mạnh, năm 2017 thành lập mới 3.000 doanh nghiệp, đứng thứ 7 cả nước, hoàn thành kế hoạch và gấp 2,04 lần năm 2016. Xuất khẩu tăng trưởng cao, năm 2017 đạt 1 tỷ 874 triệu USD, tăng 26,6% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước năm 2017 đạt 13.302 tỷ đồng, vượt 23% dự toán và tăng gấp 1,3 lần năm 2016, gấp 3,1 lần so với năm 2010.

Lĩnh vực văn hóa – xã hội đạt nhiều kết quả nổi bật: Giáo dục mũi nhọn đạt kết quả cao (trong 3 năm 2016-2018 tỉnh Thanh Hóa đã đạt 11 huy chương tại các kỳ thi ô-lim-píc quốc tế ở các môn toán, lý, hóa, sinh học, tin học). Thể thao thành tích cao giữ vững vị trí trong Top 5 cả nước. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chăm lo, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,54%/năm.

Về công tác xây dựng đảng, Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết của Trung ương khóa XII. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), gắn với kiểm điểm tập thể và cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý. Qua kiểm điểm đã xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xác định rõ trách nhiệm để xảy ra khuyết điểm, yếu kém, trên cơ sở đó đề ra phương hướng, lộ trình khắc phục. Năm 2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã gợi ý kiểm điểm đối với 26 tập thể và 25 cá nhân diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, năm 2017 gợi ý kiểm điểm 17 tập thể gắn với kiểm điểm trách nhiệm cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ hiện có, phát hiện những trường hợp bố trí, sử dụng chưa hợp lý để điều chỉnh. Đồng thời, quản lý chặt chẽ biên chế được giao. Đến nay, toàn tỉnh đã tinh giản 1.939 người.

Về thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 73-KH/TU thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Kế hoạch số 102-KH/TU để thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, đến nay việc bố trí, sắp xếp thu gọn tổ chức và cán bộ bên trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đang được triển khai tích cực. Các huyện, thị xã, thành phố đã bố trí trưởng ban tuyên giáo kiêm giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Giải thể và sắp xếp lại một số đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị lãnh đạo việc sáp nhập thôn, tổ dân phố, đến nay đã sáp nhập 3.100 thôn, tổ dân phố để thành lập 1.522 thôn, tổ dân phố, góp phần giảm từ 5.971 thôn, tổ dân phố xuống còn 4.393 thôn, tổ dân phố. Theo đó giảm tương ứng 9.468 cán bộ không chuyên trách thôn, bản, tổ dân phố. 17 huyện, thị, thành phố đã xây dựng phương án sáp nhập văn phòng HĐND và UBND cấp xã với văn phòng đảng ủy cấp xã. Đã có 1.833/5.887 chi bộ thôn, tổ dân phố thực hiện nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ dân phố.

Công tác cán bộ được chấn chỉnh, khắc phục cơ bản những thiếu sót, khuyết điểm. Tỉnh đã kịp thời bổ sung một số quy định bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ. Đồng thời, chủ động tạo nguồn cán bộ cho giai đoạn tiếp theo; đã tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2015 - 2020 và xây dựng quy hoạch nhiệm kỳ 2020 - 2025, trên cơ sở đó tiến hành luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo quy hoạch, chuẩn bị nguồn cán bộ cho đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025 và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Kết hợp thực hiện luân chuyển cán bộ với bố trí cán bộ chủ chốt cấp huyện, cấp xã không là người địa phương. Từ tháng 6 - 2012 đến tháng 4-2018, toàn tỉnh đã điều động, luân chuyển 1.772 lượt cán bộ ở các cấp, các ngành. Đến nay có 22/27 huyện, thị xã, thành phố (chiếm 81,48%) đã bố trí một trong ba chức danh chủ chốt không là người địa phương. Đối với cấp xã, toàn tỉnh có 421/635 xã, phường, thị trấn (chiếm 66,29%) bố trí một trong ba chức danh không là người địa phương.

Tại buổi làm việc, các ý kiến trao đổi đã làm rõ thêm một số kết quả và tồn tại, hạn chế; nguyên nhân của kết quả và những yếu kém, trên cơ sở đó bổ sung các giải pháp khắc phục trong thời gian tới, nhất là trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và các Nghị quyết Trung ương 4, 6, 7 (khóa XII).

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phạm Minh Chính đã bày tỏ sự vui mừng và biểu dương những kết quả mà Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã đạt được trong nửa nhiệm kỳ qua. Đồng chí khẳng định đây chính là kết quả của việc giữ vững truyền thống đoàn kết và phát huy tiềm năng về con người, tài nguyên và truyền thống văn hóa xứ Thanh. Bên cạnh việc biểu dương và ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh trong việc phấn đấu thực hiện có kết quả các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh – quốc phòng và xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đồng chí Phạm Minh Chính cũng lưu ý các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa xác định rõ muốn phát triển kinh tế - xã hội phải đi lên từ nội lực, thực hiện phương châm “phát triển cơ sở hạ tầng là nền tảng, lấy con người làm động lực, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu cho sự phát triển”; tiếp tục suy nghĩ tìm giải pháp để đẩy mạnh việc cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện chỉ số về sự hài lòng của người dân. Quan tâm cải thiện đời sống nhân dân, nhất là ở vùng có đông giáo dân, vùng có đông người dân tộc thiểu số; chăm lo công tác xóa đói, giảm nghèo. Coi trọng việc giữ gìn và phát huy quan hệ hữu nghị đặc biệt với nhân dân các bộ tộc nước bạn Lào.

Về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đồng chí đề nghị tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nghị quyết về công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị, cụ thể hóa các giải pháp thực hiện nghị quyết phù hợp với tình hình địa phương. Trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), mỗi cán bộ, đảng viên, phải soi mình vào 27 biểu hiện đã được chỉ rõ để nhận diện, đồng thời khắc phục nghiêm túc, có hiệu quả bằng các biện pháp cụ thể, bằng việc nêu gương để ngăn chặn sự suy thoái, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), tỉnh cần thực hiện tốt phương châm: Cái gì đã “chín”, đã rõ thì kiên quyết làm và phải làm ngay, nhất là khắc phục sự trùng lắp, chồng chéo trong tổ chức, bộ máy, giảm số lượng cấp phó, giảm đầu mối bên trong, đẩy nhanh việc xây dựng vị trí việc làm, việc phân cấp quản lý; phải nghiên cứu, mạnh dạn thực hiện thí điểm một số mô hình mới để lựa chọn được các mô hình, cách làm tối ưu, hiệu quả. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tinh giản biên chế quyết liệt, tập trung giải quyết có trọng tâm, trọng điểm. Về thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII): Phải tập trung rà soát, đào tạo, bồi dưỡng để bảo đảm nguồn cán bộ các cấp cho nhiệm kỳ tới. Thực hiện việc công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền.

* Trước đó, chiều 3-8 và sáng 4-8-2018, đồng chí Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã làm việc với xã Hà Bình, huyện Hà Trung và xã Đông Minh, huyện Đông Sơn, làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Hà Trung và Ban Thường vụ Huyện ủy Đông Sơn về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị và việc triển khai thực hiện các nghị quyết của BCH Trung ương khóa XII. Đồng chí Phạm Minh Chính thay mặt đoàn công tác trao tặng mỗi xã 100 suất quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo.

Đồng chí Phạm Minh Chính (ngoài cùng bên phải) thân mật hỏi thăm tình hình đời sống người dân xã Đông Minh, huyện Đông Sơn.

Đồng chí Phạm Minh Chính (thứ 6 từ trái sang) tặng quà cho các hộ nghèo ở xã Hà Bình, huyện Hà Trung.

Tin: Minh TuấnẢnh: Minh Hiếu

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/home/thoisu/2018/11847/dong-chi-pham-minh-chinh-uy-vien-bo-chinh-tri-bi-thu.aspx