Đồng chí Phạm Minh Chính được bầu làm Thủ tướng Chính phủ

Chiều 5/4, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về việc bầu đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, giữ chức Thủ tướng Chính phủ với 96,25% đại biểu tán thành.

Sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết bầu Thủ tướng Chính phủ, tân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tuyên thệ nhậm chức.

Đồng chí Phạm Minh Chính tuyên thệ khi được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: VGP

Đồng chí Phạm Minh Chính tuyên thệ khi được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: VGP

Đứng trước cờ Tổ quốc, trước sự chứng kiến của Quốc hội và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt tay trái lên bản Hiến pháp, tay phải giơ cao, tuyên thệ: “Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, tôi - Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam; nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó".

Đồng chí Phạm Minh Chính (63 tuổi, quê quán: Xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) tốt nghiệp kỹ sư xây dựng dân dụng và công nghiệp, chuyên ngành kết cấu thép tại Trường đại học Xây dựng Bucharest (Romania) năm 1984. Trong thời gian dài, đồng chí là nghiên cứu viên về các vấn đề kinh tế, khoa học và công nghệ…

Đồng chí Phạm Minh Chính là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa XI, XII và XIII; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa XII và XIII. Đồng chí là đại biểu Quốc hội khóa XIV thuộc đoàn Quảng Ninh.

Trước khi được điều động làm Phó Ban Tổ chức Trung ương (tháng 4/2015) và Trưởng Ban (tháng 2/2016), đồng chí Phạm Minh Chính là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhiệm kỳ 2010-2015. Trên cương vị, trọng trách người đứng đầu, đồng chí Phạm Minh Chính đã khởi thắp và truyền lửa đổi mới cho tỉnh Quảng Ninh. Từ việc định vị lại Quảng Ninh trong mối tương quan quốc gia và quốc tế, xác định triết lý phát triển dựa trên 3 trụ cột thiên nhiên-con người-văn hóa kết hợp với xu thế hòa bình, hội nhập và phát triển của thế giới, định hình lại không gian phát triển "Một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá", xây dựng 7 quy hoạch chiến lược của tỉnh, đổi mới quy trình xúc tiến đầu tư, huy động nguồn lực xã hội theo hình thức hợp tác công-tư (PPP), cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao... đã khơi gợi tình yêu, niềm tự hào, khát vọng vươn lên của người dân Quảng Ninh từ những tiềm năng, cơ hội nổi trội, truyền thống kỷ luật và đồng tâm của "một Việt Nam thu nhỏ"; người tìm tòi để xác định tầm nhìn, hướng đi mới cho Quảng Ninh; người khơi dậy nguồn lực từ trong sức dân trở thành động lực và nguồn lực cho sự phát triển.

Đặc biệt với phương châm “việc gì có lợi cho dân, cho nước thì phải hết sức làm”, đồng chí Phạm Minh Chính đã cùng Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh triển khai thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tinh giản bộ máy biên chế của tỉnh. Từ đó xây dựng Đề án 25, Nghị quyết số 19 của tỉnh, là cở thực tiễn để Trung ương ban hành Nghị quyết 18, 19. Đồng thời, thực hiện thành công chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” với cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; đưa kinh tế Quảng Ninh không còn phụ thuộc vào khai thác khoáng sản mà phát triển các ngành kinh tế khác với tiềm năng lớn hơn, bền vững là du lịch và dịch vụ.

Dưới sự dẫn dắt, điều hành quyết liệt, đổi mới, sáng tạo của đồng chí Phạm Minh Chính, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã có được những giải pháp thực hiện hiệu quả, tạo đột phá ngoạn mục. Đó là, tỉnh cơ cấu lại các nguồn chi từ ngân sách, tiết kiệm chi, tập trung đầu tư cho đối tượng chính sách, cho vùng khó, công trình văn hóa, dân sinh, không hoặc ít sinh lời như các thiết chế văn hóa; điện, nước, đường dân sinh; trường học, bệnh viện cho vùng sâu, vùng xa, biên tới, hải đảo. Với cách này, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên của cả nước đưa điện lưới quốc gia đến tận thôn, khu, khe, bản trên đất liền, đưa điện lưới ra đảo Cô Tô và các xã đảo....

Đồng thời giải quyết bài toán huy động các nguồn lực nhàn rỗi trong dân và doanh nghiệp, bằng cách nhà nước không trực tiếp làm những việc người dân và doanh nghiệp làm được và làm tốt; chỉ tập trung cho các công trình mang tính động lực, tạo nền tảng thu hút đầu tư như hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch....; nghiên cứu và triển khai thực hiện sáng tạo các mô hình hợp tác công tư (PPP): "Lãnh đạo công-quản lý tư", "Đầu tư công-quản trị tư", "Đầu tư tư-sử dụng công" để huy động nguồn lực phát triển hạ tầng đồng bộ. Bằng cách này, Quảng Ninh đã xây dựng, quản lý được nhiều công trình văn hóa, thể thao, trường học, trụ sở cơ quan bằng nguồn lực ngoài nhà nước. Đặc biệt đã chủ động đề xuất Chính phủ cho phép tự huy động các nguồn vốn để triển khai dự án đường cao tốc đầu tiên là Hạ Long - Hải Phòng. Ðây được coi là động lực kích cầu đầu tư phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh Quảng Ninh và khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Tiếp theo đó, hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm được triển khai như: Đường cao tốc Hạ Long - Vân Ðồn, cầu Bạch Ðằng, Cảng hàng không quốc tế Vân Ðồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, đường cao tốc Vân Ðồn - Móng Cái… với tổng số vốn đầu tư ngoài ngân sách lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Trong đó, tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, Hạ Long - Vân Ðồn là 2 dự án đường cao tốc đầu tiên trong cả nước do cấp tỉnh làm chủ đầu tư; Cảng hàng không quốc tế Vân Ðồn là sân bay đầu tiên trong cả nước do tư nhân đầu tư, mở đầu cho hướng phát triển cảng hàng không mới tại Việt Nam.

Những chiến lược mang tính mở đường, đột phá đã giúp Quảng Ninh phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, trở thành một hiện tượng của khu vực phía Bắc về phát triển KT-XH, vươn lên tốp các tỉnh phát triển năng động nhất cả nước.

Trúc Linh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/202104/dong-chi-pham-minh-chinh-duoc-bau-lam-thu-tuong-chinh-phu-2527834/