Đồng chí Nguyễn Văn Chính với cách mạng Việt Nam và quê hương Long An

Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Chính (1924 - 2019), ngày 30/11, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An chức Hội thảo khoa học: 'Đồng chí Nguyễn Văn Chính với cách mạng Việt Nam và quê hương Long An'.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tới dự hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Văn Chính quê xã Tân Quý Tây, Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh nhưng cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí gắn liền với quê hương Long An. Những năm 1945, đồng chí tham gia phong trào Thanh niên Tiền Phong, tham gia giành chính quyền tại địa phương.

Sau cách mạng tháng 8/1945, đồng chí gia nhập tự vệ chiến đấu quân của làng Tân Quý; trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1946; năm 1947, đồng chí là Huyện ủy viên Cần Giuộc; đến năm 1948, đồng chí là Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc; năm 1952, là Phó Bí thư Huyện ủy kiêm Chính trị viên Ban Chỉ huy Huyện đội dân quân liên huyện Cần Giuộc - Cần Đước - Nhà Bè thuộc tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn.

Năm 1954, tỉnh Chợ Lớn được thành lập, đồng chí là Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc, được chỉ định làm Tỉnh ủy viên phụ trách công tác binh vận và 2 huyện Cần Giuộc, Cần Đước. Năm 1956, đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Chợ Lớn, rồi Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Tháng 10/1957, đồng chí Nguyễn Văn Chính tiếp tục làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Long An; năm 1959, là Bí thư Tỉnh ủy Long An. Năm 1973, đồng chí về Trung ương Cục, phụ trách Phó Trưởng Ban Thường trực, Ban Tổ chức Trung ương Cục.

Sau 1975, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ nhất (4/1977), đồng chí được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Năm 1984, đồng chí Nguyễn Văn Chính làm Bộ trưởng Bộ Lương thực; tháng 2/1987, đồng chí là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước CHXHCN Việt Nam kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Nhà nước. Năm 1988, đồng chí được phân công là Phó Trưởng Ban thứ nhất Ban Tổ chức Trung ương Đảng. Năm 1992 đồng chí Nguyễn Văn Chính được bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phó Thủ tướng Trương Hòa bình nói chuyện với các đại biểu tại hội thảo. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết Long An là vùng đất giàu truyền thống yêu nước. Thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, tinh thần cách mạng, tiến công của nhân dân Long An đã được minh chứng bằng nhiều cuộc khởi nghĩa tiêu biểu, táo bạo như khởi nghĩa của Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Thiên Hộ Dương, Thủ khoa Huân; với những con người trí dũng, gan dạ như: Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn An Ninh, Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Thọ, Trần Văn Giàu… Đặc biệt, Long An là tỉnh đầu tiên được lựa chọn để tiến hành Tổng khởi nghĩa tháng Tám ở Nam kỳ năm 1945.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân dân Long An đoàn kết một lòng, cùng miền Nam tiến lên đồng khởi giành thắng lợi.

Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong cao trào toàn dân đánh Mỹ, ngày 17/9/1967, tại Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ 2, Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã quyết định phong tặng Đảng bộ và quân dân Long An danh hiệu Anh hùng và lá cờ ghi tám chữ vàng: “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.

Sau năm 1975, Long An đối diện với nhiều khó khăn, thách thức lớn không dễ vượt qua, đó là sự bất cập về cơ chế làm chậm đổi mới kinh tế, nạn lũ lụt, thiên tai, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam… Tuy nhiên, phát huy truyền thống anh hùng trong kháng chiến, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An đã có những cách làm mới mẻ, tiên phong, có tính đột phá cho sự phát triển của tỉnh.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Đó là thực hiện cơ chế “một giá”, phân phối lưu thông theo cơ chế thị trường, đổi mới tư duy kinh tế, tạo tiền đề thực tiễn cho Đảng tiến hành đổi mới toàn diện đất nước; là chương trình xây dựng Đồng Tháp Mười trở thành vùng lương thực trọng điểm của tỉnh và của Đồng bằng sông Cửu Long; thực hiện thành công 4 chương trình trọng điểm về phát triển kinh tế - xã hội do các kỳ Đại hội Đảng bộ của tỉnh đề ra. Những nỗ lực và thành công liên tiếp đó đã đưa tỉnh Long An ngày càng phát triển mạnh mẽ, gia nhập vào vùng kinh tế trọng điểm phía nam từ năm 2003 tới nay.

Theo Phó Thủ tướng, nhắc lại truyền thống trong kháng chiến cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước, không thể không nhớ tới sự đóng góp to lớn, những dấu ấn nổi bật của các bậc lão thành cách mạng, những nhà lãnh đạo tiền bối xuất sắc. Đối với quê hương Long An, không thể không nhắc tới thân thế, sự nghiệp và những công lao đặc biệt của đồng chí nguyên Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Chính.

Long An dưới sự lãnh đạo của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Chính đã có đột phá thành công, gây tiếng vang trong và ngoài nước vào “đêm trước đổi mới”, không lâu sau, những cải cách này đã được áp dụng trong cả nước với các quyết định lịch sử tại Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng năm 1986. Chính vì vậy, nghiên cứu về công lao và đóng góp của đồng chí Nguyễn Văn Chính cần tiến hành trên cả hai bình diện đối với Long An và cả cách mạng Việt Nam.

Trong bài phát biểu, Phó Thủ tướng cũng cho hay ông tham dự hội thảo ngoài cương vị là người đồng chí, đồng cấp nhưng đồng thời còn với cả tư cách là con cháu, là người tham gia tổ bảo vệ, giúp việc cho đồng chí Nguyễn Văn Chính trong những năm kháng chiến chống Mỹ, khi đồng chí là Phó Ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam.

“Lúc bấy giờ chú đã giành cho anh em chúng tôi những tình cảm vô cùng thân thương như một người chú trong gia đình, chỉ bảo chúng tôi những điều hết sức quý báu trong quan hệ đồng chí, đồng đội và giáo dục lý tưởng cách mạng. Đến giờ tôi vẫn nhớ như in hình ảnh chú Chín Cần trong trái tim tôi”, Phó Thủ tướng bày tỏ.

Đánh giá cao việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An tổ chức hội thảo khoa học này, Phó Thủ tướng cho rằng hội thảo không chỉ khẳng định, tôn vinh công lao và sự cống hiến của đồng chí Nguyễn Văn Chính đối với quê hương Long An, cách mạng Việt Nam mà còn là sự tri ân, trọng thị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An, sự yêu mến của người dân cả nước nhất là thế hệ trẻ hôm nay dành tặng cho thế hệ cha, anh lòng kính trọng, sự biết ơn sâu sắc.

Phó Thủ tướng đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An tiếp thu, kế thừa phẩm chất cao đẹp của đồng chí Nguyễn Văn Chính, đó là tinh thần cách mạng quyết liệt, tính chủ động, sáng tạo, “dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm” trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân ta đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng như công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng…

Trước mắt, Long An cần quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả tại Đại hội Đảng bộ cơ sở tiến đến tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh, Đại hội Đảng toàn quốc, trong đó lựa chọn, tìm ra những hạt nhân nòng cốt, ưu tú, hội tụ đầy đủ trí tuệ, bản lĩnh và năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, thích ứng với cuộc cách mạng 4.0 và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng với truyền thống vẻ vang “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, mang tinh thần đổi mới sáng tạo, chủ động, bản lĩnh, có tầm nhìn đột phá, “dám nghĩ, dám làm” của người chú, người anh, người đồng chí kính mến Nguyễn Văn Chính, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An tiếp tục đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện hơn nữa trên tất cả các mặt trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng thăm công trường xây dựng cảng quốc tế Long An. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng đã đến thăm công trường xây dựng cảng quốc tế Long An, tại xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc.

Mạnh Hùng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/dong-chi-nguyen-van-chinh-voi-cach-mang-viet-nam-va-que-huong-long-an/381396.vgp