Đồng chí Nguyễn Duy Trinh - Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam

Ngày 15-7, tại TP Vinh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Ngoại giao và Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học 'Đồng chí Nguyễn Duy Trinh - Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam'.

Ngày 15-7, tại TP Vinh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Ngoại giao và Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học "Đồng chí Nguyễn Duy Trinh - Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam".

Hội thảo là hoạt động thiết thực kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của đồng chí Nguyễn Duy Trinh (15-7-1910 - 15-7-2020), ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú, tôn vinh những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Duy Trinh đối với Đảng và cách mạng Việt Nam.

Đây cũng là dịp để cán bộ, đảng viên và nhân dân ta bày tỏ sự tri ân sâu sắc đối với đồng chí Nguyễn Duy Trinh - nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu, tài năng của Đảng và dân tộc.

Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao; Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư T.Ư Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư; Thái Thanh Quý, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An; Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các ban, ngành T.Ư, tỉnh Nghệ An, cùng đông đảo các đại biểu, các nhà khoa học T.Ư, địa phương và đại diện thân nhân gia đình đồng chí Nguyễn Duy Trinh.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ôn lại cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Duy Trinh.

Đồng chí Nguyễn Duy Trinh (tên khai sinh là Nguyễn Đình Biền), sinh ngày 15-7-1910, tại làng Cổ Đan, tổng Đặng Xá, nay là xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Gần 60 năm hoạt động cách mạng và gần 30 năm trên cương vị Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí đã đem hết tâm lực và trí tuệ của mình cùng Ban Chấp hành T.Ư lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta.

Đồng chí Nguyễn Duy Trinh được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng, giao giữ nhiều cương vị quan trọng, như: Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, Phó Thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước. Đặc biệt là những đóng góp của đồng chí đối với ngành ngoại giao nước nhà.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định: “Trong lĩnh vực đối ngoại, chúng ta rất đỗi tự hào khi tưởng nhớ và noi theo tấm gương đồng chí Nguyễn Duy Trinh, “vị tư lệnh ngành” xuất sắc trên mặt trận ngoại giao”. Đồng chí cũng là vị Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam giữ nhiệm kỳ dài nhất, 15 năm (1965-1980), trải dài qua một thời kỳ đầy biến động, với những bước ngoặt lớn của đất nước, để lại cho ngành ngoại giao nhiều dấu ấn sâu sắc...

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, với vai trò là Bộ trưởng Ngoại giao thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã vận dụng sáng tạo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và đường lối, chính sách của T.Ư Đảng, triển khai thành công chủ trương chiến lược mở mặt trận đấu tranh ngoại giao, cùng mặt trận chính trị và mặt trận quân sự tạo thành sức tạo mạnh tổng hợp; đồng thời, khéo léo vận dụng sách lược “vừa đánh, vừa đàm”, ngoại giao “tuy hai mà một, tuy một mà hai”, nghệ thuật “thắng từng bước”, tạo thế và lực cho cách mạng Việt Nam, góp phần vào đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử…

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định: “Nhắc tới đồng chí Nguyễn Duy Trinh, chúng ta phải nhắc đến vai trò và dấu ấn rất quan trọng của đồng chí trong quá trình đàm phán và thực thi Hiệp định Paris. Trải qua 202 phiên họp công khai và 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, Hội nghị Paris là một cuộc đấu trí, đấu bản lĩnh quyết liệt giữa nền ngoại giao cách mạng non trẻ với nền ngoại giao lão luyện của siêu cường hàng đầu thế giới.

Đây là đỉnh cao của mặt trận ngoại giao Việt Nam thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, thể hiện vai trò quan trọng, tích cực và chủ động của mặt trận ngoại giao trong sự phối hợp chặt chẽ với mặt trận quân sự và chính trị; trên cơ sở đề cao nguyên tắc hòa bình, độc lập, tự chủ; đóng góp vào việc hình thành mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta. Ngày 27-1-1973, Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh đã chính thức ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Sau khi nước nhà thống nhất, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã chỉ đạo ngành Ngoại giao vừa tranh thủ sự hỗ trợ của các nước xã hội chủ nghĩa và các nước bạn bè thế giới để khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa đấu tranh phá bao vây cấm vận. Trong thời gian khó khăn này, tháng 7-1976, Việt Nam đã sớm thiết lập và tăng cường quan hệ với các nước láng giềng, khu vực với chính sách bốn điểm. Tháng 9-1977, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Liên hợp quốc, đánh dấu việc cộng đồng thế giới công nhận tính pháp lý và tư cách đại diện của nhà nước ta tại tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu. Đây là những bước mở đầu của chính sách mở cửa, hội nhập, đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam…”.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, cuộc đời hoạt động cách mạng, tư cách đạo đức và tinh thần cống hiến của đồng chí Nguyễn Duy Trinh là một tấm gương về trí tuệ, nhân cách và đạo đức mẫu mực cho mỗi cán bộ, đảng viên noi theo, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp hơn như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Vì vậy, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, hội thảo khoa học này là dịp để “chúng ta ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng lâu dài, sôi nổi, thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Duy Trinh cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc”.

Đây cũng là dịp để các đại biểu nghiên cứu, trao đổi và đúc rút các bài học kinh nghiệm từ cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Duy Trinh trong các lĩnh vực từ công tác kinh tế, kế hoạch, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ đến công tác đối ngoại, góp phần tiếp tục hoàn thiện đường lối Đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, và thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới...

Bên lề hội thảo.

Bên lề hội thảo.

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư T.Ư Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư đề nghị, hội thảo tập trung làm sáng tỏ những nội dung chủ yếu, gồm: Đồng chí Nguyễn Duy Trinh - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, dũng cảm; Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước Việt Nam; tấm gương đạo đức cách mạng mẫu mực, trong sáng; người con ưu tú của quê hương Nghệ An.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, đối với Đảng bộ Nghệ An, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã có đóng góp to lớn trong việc xây dựng tổ chức đảng và phát triển phong trào cách mạng. Trên bước đường hoạt động cách mạng, dù ở đâu và trên cương vị công tác nào, đồng chí Nguyễn Duy Trinh cũng luôn dành cho quê hương Nghệ An những tình cảm tốt đẹp, nồng hậu nhất. Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân Nghệ An luôn tự hào, ra sức học tập tấm gương của đồng chí Nguyễn Duy Trinh và các anh hùng tiền liệt, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Diễn văn chào mừng hội thảo khoa học do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý nhấn mạnh: "Thông qua hội thảo, sẽ góp phần làm phong phú, sâu sắc thêm về cuộc đời, tôn vinh những cống hiến của đồng chí Nguyễn Duy Trinh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta; hiểu hơn, tự hào hơn về truyền thống lịch sử, văn hóa của đất và người Nghệ An.

Bên cạnh đó, tài liệu của hội thảo sẽ là những dữ liệu lịch sử hết sức quý báu của Đảng, nhà nước và của tỉnh Nghệ An, phục vụ công tác học tập, nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau".

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh Nghệ An tham quan triển lãm chuyên đề về đồng chí Nguyễn Duy Trinh.

Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được hơn 40 tham luận của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các cơ quan ban, bộ, ngành, đoàn thể T.Ư, của tỉnh Nghệ An - quê hương của đồng chí Nguyễn Duy Trinh và của nhiều nhà khoa học tập trung vào các chủ đề, như: Đồng chí Nguyễn Duy Trinh với Cách mạng Tháng Tám 1945; Hoạt động của đồng chí Nguyễn Duy Trinh trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền Nam Trung Bộ; Ảnh hưởng của truyền thống quê hương, gia đình đến tư tưởng yêu nước và cách mạng của đồng chí Nguyễn Duy Trinh; Hoạt động của đồng chí Nguyễn Duy Trinh trong tổ chức Tân Việt Cách mạng Đảng; Đồng chí Nguyễn Duy Trinh với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh...

Phát biểu bế mạc hội thảo, Bí thư T.Ư Đảng Nguyễn Xuân Thắng đánh giá, các tham luận gửi về hội thảo đã phản ánh toàn diện trên các lĩnh vực gắn với cuộc đời sự nghiệp, cương vị công tác, đóng góp, cống hiến của đồng chí Nguyễn Duy Trinh.

Sau hội thảo, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh sẽ biên tập, chuẩn hóa để kỷ yếu của hội thảo thực sự chất lượng, làm tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách của đồng chí Nguyễn Duy Trinh là học trò của Bác Hồ, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho biết thêm.

Trước đó, chiều 14-7, các đại biểu đã tổ chức dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Duy Trinh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước tại nhà lưu niệm đồng chí ở xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc (Nghệ An).

THÀNH CHÂU; Ảnh: THÀNH DUY

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/dong-chi-nguyen-duy-trinh-nha-lanh-dao-tien-boi-tieu-bieu-cua-dang-va-cach-mang-viet-nam-608717/