Đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân

Đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ. Đồng chí đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục, rèn luyện và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ để phục vụ sự nghiệp phát triển lâu dài của ngành Kiểm sát mà trước hết là đạo đức cách mạng, đạo đức và văn hóa ứng xử của người cán bộ kiểm sát.

Ngày 15/7/1960 tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Khóa II đã thông qua Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND), luật này, đã được Chủ tịch nước ký Sắc lệnh số 20-LCT công bố ngày 26/7/1960. Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã bầu đồng chí Hoàng Quốc Việt làm Viện trưởng VKSND tối cao - Viện trưởng đầu tiên của ngành Kiểm sát nhân dân.

Trong công tác kiểm sát, đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn chú trọng việc nêu cao tính Đảng, coi trọng công tác xây dựng Đảng và gắn hoạt động kiểm sát vào phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng; đề cao tính dân chủ trong hoạt động kiểm sát, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; chăm lo việc giáo dục, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ của Ngành.

Chútrọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Ngành

Nắm vững quan điểm của Đảng, thấm nhuần tư tưởng của Bác về công tác cán bộ và bằng kinh nghiệm thực tiễn của mình, sau ngày thành lập hệ thống Viện kiểm sát nhân dân, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã bắt tay ngay vào công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kiểm sát. Xuất phát từ tình hình thực tiễn chung của đất nước lúc bấy giờ, nguồn tuyển dụng vào ngành Kiểm sát chủ yếu là cán bộ làm công tác Đảng, đoàn thể quần chúng và các chiến sĩ, sĩ quan quân đội, xuất thân từ giai cấp công nông đã được thử thách, rèn luyện trong kháng chiến, có nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm cao. Tuy nhiên, trình độ văn hóa còn hạn chế đặc biệt là chưa được đào tạo về kiến thức pháp lý và nghiệp vụ kiểm sát, do đó gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Trước tình hình đó, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của ngành theo phương châm “vừa chiến đấu, vừa xây dựng” đồng thời, lựa chọn một số cán bộ trẻ có trình độ văn hóa đi đào tạo đại học tại Liên Xô và cử một số cán bộ nòng cốt đi học các lớp pháp lý (thời gian hai năm) do chuyên gia Liên Xô giảng dạy tại Trường Cán bộ Tư pháp làm nguồn cán bộ lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ của VKSND tối cao và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng sau này của Ngành. Đặc biệt, với tầm nhìn chiến lược và tư duy sáng tạo, năm 1963 đồng chí Hoàng Quốc Việt đã chỉ đạo ngành Kiểm sát mở các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ kiểm sát ngắn hạn đáp ứng nhu cầu cán bộ trong những ngày đầu mới thành lập.

Trên cơ sở kết quả đạt được, ngày 12/10/1964 đồng chí Hoàng Quốc Việt đã ký Quyết định số 220/QĐ thành lập Trường Cán bộ kiểm sát, đồng thời giao cho nhà trường tổ chức biên soạn bộ giáo trình về khoa học pháp lý và nghiệp vụ kiểm sát đầu tiên dùng làm tài liệu đào tạo cán bộ, Kiểm sát viên theo hình thức luân huấn từ 2 tháng đến 6 tháng, góp phần phổ cập cấp tốc trình độ pháp luật và kinh nghiệm, kỹ năng kiểm sát đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ của Ngành để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Ngày 21/4/1970, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã ký Quyết định số 62/QĐ-TC về tổ chức bộ máy của VKSND tối cao, trong đó có Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ kiểm sát (Quyết định này, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn ngày 25/4/1970), đánh dấu một bước phát triển quan trọng của ngành Kiểm sát nhân dân trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Cùng với việc thành lập Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ Kiểm sát, đồng chí Hoàng Quốc Việt còn chủ động đề nghị ba trường của ba ngành Công an, Kiểm sát và Tòa án thống nhất xây dựng hệ thống giáo trình, đặc biệt là giáo trình giảng dạy về pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự. Những cuốn giáo trình đó, đã trở thành cẩm nang cho cán bộ các ngành Tư pháp trong một thời gian dài và là cơ sở, nền tảng căn bản cho việc xây dựng giáo trình Luật hình sự, Tố tụng hình sự cho các cơ sở đào tạo luật sau này ở nước ta.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước ta đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức, nhiệm vụ cấp bách của Đảng và Nhà nước là phải nhanh chóng thành lập chính quyền cách mạng ở miền Nam, hoàn thành thống nhất đất nước và thống nhất hệ thống bộ máy nhà nước, trong đó có Viện kiểm sát nhân dân. Trong những năm đầu mới thành lập, đội ngũ cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố phía Nam còn thiếu trầm trọng.

 Đồng chí Hoàng Quốc Việt (thứ 2, từ trái sang) (Ảnh: TL)

Đồng chí Hoàng Quốc Việt (thứ 2, từ trái sang) (Ảnh: TL)

Trước tình hình đó, đồng chí Hoàng Quốc Việt cùng với tập thể lãnh đạo VKSND tối cao kịp thời đề ra chủ trương điều động một số lượng lớn cán bộ, Kiểm sát viên có trình độ, có kinh nghiệm công tác (gồm 377 người) từ các VKSND các tỉnh, thành phố phía Bắc bổ sung kịp thời cho VKSND các tỉnh phía Nam; đồng thời tuyển dụng những sĩ quan quân đội, thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ vào Ngành, tạo cơ sở cho việc xây dựng nguồn nhân lực ban đầu cho các VKSND mới thành lập ở phía Nam và xúc tiến việc thành lập cơ sở đào tạo ở phía Nam nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ mới được tuyển dụng vào Ngành.

Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ Ngành

Về giáo dục đạo đức cách mạng, đạo đức người cán bộ kiểm sát. Là Lão thành cách mạng, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cương vị Viện trưởng VKSND tối cao đầu tiên, đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn thấm nhuần tư tưởng của Bác về công tác cán bộ. Thấy trước những khó khăn lớn nhất của ngành Kiểm sát trong những ngày đầu mới thành lập, đó là trình độ cán bộ thấp, kinh nghiệm công tác còn hạn chế và số lượng biên chế còn ít, do đó đồng chí Hoàng Quốc Việt đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục, rèn luyện và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ để phục vụ sự nghiệp phát triển lâu dài của ngành Kiểm sát mà trước hết là đạo đức cách mạng, đạo đức và văn hóa ứng xử của người cán bộ kiểm sát.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt quan niệm, công tác kiểm sát thực chất là công tác chính trị, phải phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của Đảng qua từng thời kỳ cách mạng. Chính vì vậy, đồng chí yêu cầu đầu tiên là xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát phải có lập trường chính trị vững vàng, có đạo đức cách mạng, lấy hoạt động cách mạng làm sự nghiệp phấn đấu, sẵn sàng đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết, đồng chí nhấn mạnh “Kiểm sát viên phải là Đảng viên, ai chưa là Đảng viên phải lấy tiêu chuẩn của người cộng sản để phấn đầu rèn luyện, Kiểm sát viên chỉ có duy nhất một chất đó là chất cách mạng, chất cộng sản để vượt qua mọi thử thách khó khăn và các cám dỗ vật chất, sẵn sàng tiến công cách mạng, chuyên chính kịp thời đối với bọn phản cách mạng, với nhân dân lao động nhất thời phạm tội nhẹ, nên mạnh dạn giao cho quần chúng giúp đỡ, tránh đơn thuần áp dụng phương pháp trừng trị, bỏ tù để giải quyết”.

Trong công tác giáo dục và rèn luyện đạo đức cách mạng đối với người cán bộ kiểm sát, đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn luôn quan tâm đến công tác quần chúng “cán bộ kiểm sát phải có tư tưởng trọng dân, hành động của mỗi cán bộ kiểm sát không có gì khác hơn là làm lợi cho cách mạng, làm lợi cho nhân dân”. Theo quan điểm của đồng chí việc quán triệt tính nhân dân, không chỉ là đạo đức cách mạng của người cán bộ kiểm sát mà còn tạo điều kiện cho ngành Kiểm sát thực hiện tốt chức năng được giao “muốn phát hiện tội phạm phải dựa vào quần chúng, đồng thời phải làm cho quần chúng hiểu biết pháp luật, sử dụng pháp luật để đấu tranh chống tội phạm”.

Về giáo dục, rèn luyện phương pháp, nghiệp vụ công tác kiểm sát. Việc thiết lập hệ thống VKSND, một thiết chế mới trong bộ máy nhà nước, một trong những khó khăn lớn nhất trong những ngày đầu mới thành lập là hầu hết đội ngũ cán bộ kiểm sát mới được tuyển dụng chưa được đào tạo về pháp luật và nghiệp vụ kiểm sát, chưa hiểu được chức năng nhiệm vụ của ngành và phương pháp nghiệp vụ công tác kiểm sát.

Chính vì vậy, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã dành nhiều tâm huyết, trí tuệ để xây dựng, rèn luyện phương pháp và nghiệp vụ công tác kiểm sát cho đội ngũ cán bộ, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng chí quan niệm “cán bộ kiểm sát trước hết phải nắm vững chức năng, thông suốt nhiệm vụ của ngành, nắm vững pháp luật, sát với thực tiễn để vận dụng pháp luật chính xác” nhằm thông qua hoạt động kiểm sát kịp thời phát hiện vi phạm pháp luật của cơ quan nhà nước, nhân viên nhà nước, công dân và yêu cầu khắc phục sửa chữa. Là cơ quan kiểm sát việc chấp hành pháp luật, đồng chí yêu cầu “Cán bộ kiểm sát phải gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật, có phẩm chất đạo đức, có lối sống trong sáng, có tinh thần đấu tranh bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa”.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đồng chí Hoàng Quốc Việt yêu cầu cán bộ kiểm sát phải luôn đổi mới phương pháp công tác kiểm sát, nhạy cảm với tình hình thực tiễn, chống bệnh quan liêu chỉ dựa vào hồ sơ, giấy tờ để giải quyết công việc theo kiểu quan chức bàn giấy, đồng chí căn dặn “nếu chỉ vùi đầu vào hồ sơ thì chưa đủ và dễ sinh bệnh giấy tờ, phải nhạy cảm với tình hình xảy ra, phải sát với thực tế. Không thể chỉ đơn thuần dựa vào hồ sơ mà quyết định truy tố hay không truy tố, xử nặng hay xử nhẹ”. Về tác phong làm việc của cán bộ kiểm sát, đồng chí nhấn mạnh cán bộ kiểm sát phải có tính tỉ mỉ, thận trọng, khách quan không được tùy tiện làm theo ý chí chủ quan, công tác kiểm sát không phải muốn làm thế nào cũng được, bởi nó đụng chạm đến sinh mệnh con người…/.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt, tên thật là Hạ Bá Cang, sinh ngày 28/5/1905, tại làng Đáp Cầu, tổng Đỗ Xá, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh (nay là phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh).

Đồng chí Hoàng Quốc Việt.

Với gần 70 năm tham gia hoạt động cách mạng, đồng chí Hoàng Quốc Việt được Đảng và Nhà nước giao cho nhiều cương vị lãnh đạo khác nhau, như: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Viện trưởng VKSND tối cao...

Ở bất kỳ cương vị công tác nào, đồng chí luôn thể hiện là người cán bộ gương mẫu, hết lòng vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; đặc biệt, trong suốt 16 năm trên cương vị Viện trưởng VKSND tối cao (1960 - 1976), đồng chí Hoàng Quốc Việt đã có những chỉ đạo nhằm xác lập, củng cố vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân trong thể chế nhà nước, trong hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương; xây dựng bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ kiểm sát tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân đã tin tưởng giao cho Ngành.

TS Nguyễn Văn Khoát

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/thuc-tien-kinh-nghiem/dong-chi-hoang-quoc-viet-luon-cham-lo-xay-dung-doi-ngu-can-bo-nganh-kiem-sat-nhan-dan-88636.html