Đồng chí Đỗ Mười và những bước ngoặt lịch sử với ngành dầu khí Việt Nam

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước nhưng cũng rất gần gũi với những người làm dầu khí chúng tôi. Đặc biệt, sự phát triển của ngành dầu khí có công lao và vai trò chỉ đạo rất lớn của đồng chí Đỗ Mười.

Vào đầu tháng 3-1981, ở cương vị Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí Đỗ Mười đã đến kiểm tra công tác xây dựng và chuẩn bị hạ thủy chân đế giàn khoan đầu tiên của Vietsovpetro. Chúng tôi đã báo cáo với đồng chí về tiến độ và những khó khăn kỹ thuật vì tất cả thiết bị phải nhập khẩu từ Bacu. Công nhân kỹ thuật lắp ráp 100% là người Liên Xô... Nghe xong, đồng chí Đỗ Mười quay sang hỏi chúng tôi: Một chân đế giàn khoan có bao nhiêu tấn thép, loại mác gì? Bao nhiêu bu-lông, bao nhiêu “cút nối”, chế tạo ra sao? Lẽ dĩ nhiên chúng tôi không trả lời được đầy đủ vì đó là phần thiết kế của nhà máy chế tạo. Trước gương mặt suy tư của đồng chí, chúng tôi cảm thấy thiếu sót lớn không chỉ ở sự thiếu sâu sát, mà vấn đề quan trọng là không suy nghĩ xem phía Việt Nam có thể làm được gì. Những nhà máy cơ khí, các viện thiết kế của chúng ta có thể làm được gì, dù là những chi tiết rất đơn giản để không phải nhập từ Liên Xô.

Để khắc phục khuyết điểm đó, chúng tôi đã tranh thủ sự hợp tác của các nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, Sông Công, Ba Son, Viện Thiết kế công trình biển (Bộ Xây dựng), Viện Thiết kế công trình thủy (Bộ Giao thông vận tải), Công ty xây lắp 18-3... Từ chân đế thứ hai, thứ ba sau này, chúng tôi đã thay thế một số lớn chi tiết sản xuất tại Việt Nam; bắt đầu chế tạo các “cút nối” là bộ phận khó trong chân đế ở cảng Vietsovpetro. Đặc biệt, sự trưởng thành của đội ngũ kỹ thuật lắp ráp người Việt Nam có thể thay thế người Liên Xô.

Tinh thần “phát huy nội lực” xuyên suốt trong chỉ đạo của đồng chí Đỗ Mười. Đối với công trình sớm đưa khí vào bờ từ mỏ Bạch Hổ, sau gần 10 năm khai thác mỏ Bạch Hổ, lượng khí đồng hành vẫn phải đốt bỏ hằng năm lúc đó lên đến gần một tỷ mét khối, tương đương một triệu tấn dầu, vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường. Ta không đủ về năng lực tài chính và kỹ thuật nên kêu gọi liên doanh đầu tư. Việc đàm phán với liên doanh bị kéo dài do nhiều nguyên nhân. Không chờ đợi kết quả đàm phán, đồng chí Đỗ Mười cho phép ngành dầu khí tự vay vốn, tự đầu tư từng bước xây dựng đường ống và những công trình xử lý, tàng trữ. Quyết định phát huy nội lực, sớm đưa khí vào bờ của đồng chí Đỗ Mười làm lợi cho đất nước hàng chục nghìn tỷ đồng, tăng giá trị gia tăng của khai thác dầu thô và kịp thời giải quyết được sự thiếu hụt năng lượng của đất nước những năm 1996-1999. Quan trọng hơn cả là những chỉ đạo của đồng chí Đỗ Mười đặt nền móng cho sự phát triển ngành công nghiệp khí theo hướng hiện đại hóa.

Vào những năm 1986-1987, mặc dù chúng ta bắt đầu khai thác dầu ở mỏ Bạch Hổ, nhưng những giếng khai thác sớm vì được thiết kế dựa theo tài liệu cũ của Công ty Mobil, kết quả không như mong đợi, gây tâm lý hoài nghi trong toàn ngành. Lúc đó, Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro chủ trương mở rộng diện thăm dò bằng giếng khoan số 4. Phương án này không nhận được sự đồng tình của số đông đội ngũ cán bộ kỹ thuật. Ý kiến khác biệt được báo cáo đến đồng chí Đỗ Mười. Sau khi nghe liên doanh báo cáo, với sự tin tưởng vào khả năng của đội ngũ địa chất Việt Nam và Liên Xô, đồng chí Đỗ Mười quyết định cho phép khoan giếng số 4. Sự thành công khi phát hiện dầu lưu lượng lớn của giếng khoan số 4 không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà quan trọng là khẳng định tầng chứa dầu mới thứ hai ở Việt Nam và khu vực mà trước đây nhiều công ty tư bản làm việc ở Việt Nam không thừa nhận, giúp chúng tôi làm giảm đi sự hoài nghi, hoang mang đối với tương lai phát triển của Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro.

Đồng chí rất tình cảm và tế nhị, được các chuyên gia Nga mến phục. Sự mến phục đó không chỉ vì đồng chí Đỗ Mười là nhà lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, mà vì tình cảm rất con người. Khi Tổng giám đốc Vietsovpetro Ardjanov bị bệnh, đồng chí Đỗ Mười đã gọi điện hỏi thăm và chỉ đạo lãnh đạo Tổng cục Dầu khí phối hợp với bệnh viện chăm sóc chữa trị. Nhưng đồng chí Đỗ Mười cũng rất nguyên tắc và kiên định trong bảo vệ quyền lợi của Việt Nam trong liên doanh. Đồng chí yêu cầu tổ đàm phán về sửa đổi Hiệp định Liên doanh tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí Vietsovpetro, kiên trì thuyết phục phía bạn về các điều khoản kinh tế. Những chỉ đạo rất nguyên tắc và kiên định đó mang lại thành công và Hiệp định sửa đổi của Liên doanh Dầu khí Việt Xô năm 1990 là cơ sở hoạt động có hiệu quả của liên doanh dầu khí trong gần 30 năm qua, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Trong chỉ đạo, đồng chí Đỗ Mười xem ngành dầu khí là công cụ kinh tế vĩ mô của Nhà nước. Đồng chí yêu cầu chúng tôi phải báo cáo rất chi tiết, cụ thể những chỉ tiêu, từ việc quản lý tiền bán dầu, hiệu quả khai thác của Vietsovpetro, lợi nhuận hằng năm Vietsovpetro phải đóng góp cho Nhà nước. Đồng chí rất quan tâm đến “giá trị chuỗi” của công nghiệp khí và sự đóng góp của ngành trong việc tạo sự phát triển ổn định kinh tế đất nước. Khi gặp khó khăn trong đàm phán để tổ chức liên doanh xây dựng nhà máy đạm ở Phú Mỹ, cũng như nếu không tổ chức được hộ tiêu thụ khí ở miền Tây Nam Bộ thì ta phải bán khí khai thác được với giá rẻ cho nước ngoài. Mặc dù lúc đó đã chuyển sang làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhưng đồng chí Đỗ Mười rất quan tâm và đề nghị Chính phủ ủng hộ để ngành dầu khí tự vay vốn, tự đầu tư xây dựng khu Khí-Điện-Đạm Phú Mỹ và Khí-Điện-Đạm Cà Mau. Hiệu quả kinh tế của quyết định sáng suốt này có thể thấy rõ, nhưng ý nghĩa chính trị-xã hội của những công trình này chắc còn cần thời gian mới nhận biết hết được trong chính sách đảm bảo an ninh lương thực và đường lối công nghiệp hóa nông thôn của Đảng. Nhưng quan trọng đối với ngành dầu khí là nền tảng ban đầu của sự phát triển toàn diện và hoàn chỉnh của ngành dầu khí như một tập đoàn kinh tế Nhà nước.

Ngày nay, ngành dầu khí đã trở thành tập đoàn kinh tế phát triển hoàn chỉnh, đa ngành, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế quốc dân và là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô quan trọng của Chính phủ. Nền tảng của sự phát triển này là kết quả của đường lối và chủ trương phát triển ngành dầu khí của Đảng và Nhà nước, trong đó có vai trò và dấu ấn của đồng chí Đỗ Mười, đặc biệt trong những giai đoạn bước ngoặt lịch sử của ngành. Tập thể lãnh đạo và cán bộ, nhân viên ngành dầu khí Việt Nam đang phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, xứng đáng với sự mong ước và tin cậy của đồng chí Đỗ Mười.

NGÔ THƯỜNG SAN(*)

--------------------------

(*) Nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/dong-chi-do-muoi-va-nhung-buoc-ngoat-lich-su-voi-nganh-dau-khi-viet-nam-551421