Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra công tác quản lý phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản

Ngày 25/6, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại địa bàn huyện Vân Đồn và TP Cẩm Phả.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kiểm tra việc nuôi trồng, khai thác thủy sản tại vùng biển Vân Đồn.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kiểm tra việc nuôi trồng, khai thác thủy sản tại vùng biển Vân Đồn.

Với 250 km đường bờ biển, hơn 5.500 ha diện tích mặt nước được sử dụng để nuôi trồng thủy sản, cùng với đó là vùng vịnh có nhiều hòn đảo lớn nhỏ, ngư trường đánh bắt rộng lớn, tỉnh Quảng Ninh có nhiều thế mạnh để phát triển ngành thủy sản. Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực này, góp phần đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh trọng điểm về kinh tế biển, những năm qua, Quảng Ninh đã ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các địa phương ven biển triển khai thực hiện các biện pháp siết chặt công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản hiệu quả và bền vững. Đặc biệt là Chỉ thị số 18-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 13-CT/TU về tăng cường công tác quản lý phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản.

Cùng với đó, UBND tỉnh đã ban hành các quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản lợ, mặn; Quy định về danh mục các loại nghề khai thác, ngư cụ bị cấp và thời gian cấp khai thác ở các ngư trường trên địa bàn tỉnh... Công tác kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động thủy sản được tăng cường; hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản được thường xuyên triển khai.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra mô hình nuôi hàu của ông Hoàng Ngọc Vân, hộ nuôi thủy sản khu vực đảo Cống Đông – Vạn Đuôi (Vân Đồn).

Từ sự quan tâm của tỉnh, cùng các giải pháp được triển khai đồng bộ, quyết liệt, tới nay, ngành thủy sản của Quảng Ninh ngày càng phát triển theo hướng quy mô lớn, mang lại giá trị kinh tế cao, không chỉ xóa nghèo mà còn làm giàu cho những người nuôi biển. Giá trị tăng thêm của ngành thủy sản ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu khu vực nông nghiệp, đóng góp cho tăng trưởng GRDP của tỉnh. Ý nghĩa hơn khi nhiều loài có nguy cơ cạn kiệt đã sinh trưởng, phát triển trở lại, giữ gìn và làm đa dạng hệ sinh thái biển tại vùng biển Quảng Ninh. Nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường nuôi trồng thủy sản cũng được nâng lên rõ rệt. Nhiều hộ đã tích cực chuyển đổi phao xốp sang vật liệu nổi thân thiện môi trường trong nuôi trồng thủy sản.

Nhiều hộ nuôi thủy sản đã chuyển đổi sang vật liệu phao nhựa HDPE thân thiện môi trường.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế. Việc quản lý quy hoạch và giao mặt nước cho cơ sở nuôi trồng thủy sản của một số địa phương còn chậm và yếu, gây lãng phí tài nguyên. Nhiều hộ nuôi không có phép. Có không ít trường hợp vì lợi nhuận trước mắt mà bất chấp gia tăng diện tích nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch, nuôi trái phép, thậm chí là sử dụng vật liệu không thân thiện với môi trường như phao xốp, nhất lại tại khu vực Vân Đồn và vùng giáp ranh giữa Vân Đồn – Cẩm Phả, Vân Đồn – Cô Tô. Qua thống kê cho thấy, việc chuyển đổi thay thế vật liệu nổi sử dụng trong nuôi biển thân thiện với môi trường mới thực hiện được khoảng 30%, phần lớn vẫn sử dụng phao xốp gây mất an toàn và làm ảnh hưởng đến môi trường vùng biển; nhiều hộ nuôi đã chuyển đổi sang vật liệu nổi HDPE nhưng lại là hàng trôi nổi, không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn công tác trò chuyện với các hộ nuôi thủy sản tại khu vực Vân Đồn.

Kiểm tra tại hiện trường, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nêu rõ, mặc dù tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo, nhưng việc tổ chức thực hiện hiện chưa đạt yêu cầu mà trách nhiệm trực tiếp ở đây là do công tác quản lý nhà nước ở cấp xã, cấp huyện còn hạn chế; trong khi sự phối hợp, trao đổi thông tin, thường xuyên giữa các lực lượng chưa đồng bộ, dẫn đến hiệu quả không cao, còn để phát sinh các trường hợp vi phạm như nuôi không theo quy hoạch, nuôi trái phép, ảnh hưởng luồng lạch hàng hải, gây tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự. Đáng lưu ý là có nhiều trường hợp vi phạm là người ngoại tỉnh. Ngay tại buổi kiểm tra đã phát hiện trường hợp một tàu tỉnh ngoài đã hết thời gian đăng kiểm, thực hiện nuôi trồng thủy sản ở vùng không quy hoạch; người điều khiển phương tiện không có đăng ký tạm trú với chính quyền địa phương. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để răn đe.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đoàn công tác kiểm tra việc nuôi thủy sản tại khu vực hòn Đầu Khấu (Vân Đồn).

Cũng qua kiểm tra phát hiện vẫn còn không ít các trường hợp cố tình sử dụng phao xốp trá hình qua việc bọc phao bằng lưới màu đen, màu xanh để qua mắt các cơ quan chức năng. Có trường hợp mua phao nhựa nhưng trôi nổi trên thị trường không rõ nguồn gốc xuất xứ, không kiểm soát được tiêu chuẩn.

Qua kiểm tra, đoàn công tác đã phát hiện trường hợp một tàu tỉnh ngoài hết hạn đăng kiểm, người điều khiển không có đăng ký tạm trú và thực hiện nuôi trồng thủy sản ở vùng không quy hoạch.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nghiêm khắc phê bình UBND huyện Vân Đồn vì còn thiếu sâu sát trong công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, còn để những trường hợp người, phương tiện tỉnh ngoài cư trú trái phép, phát sinh những vùng nuôi không theo quy hoạch, không đảm bảo yêu cầu về môi trường, sử dụng phao xốp. Tại thời điểm kiểm tra, tại nhiều vùng nuôi có hàng nghìn phao xốp chuẩn bị thả xuống biển để phục vụ cho vụ nuôi mới.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh sớm chỉ đạo các ngành Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Tài nguyên Môi trường, Giao thông, Công an, Biên phòng, Khoa học Công nghệ và UBND các địa phương có biển đánh giá đề xuất để ra quân tổng lực, quyết liệt với các biện pháp mạnh, đồng bộ nhằm xử lý nghiêm các trường hợp nuôi thủy sản trái phép. Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, nhất là trường hợp nuôi trái phép mà dùng vật liệu không thân thiện môi trường; người ngoại tỉnh cư trú trái phép, lấn chiếm vùng biển để nuôi thủy sản trái phép; các trường hợp người bên ngoài mượn dân bản địa để nuôi trái phép và gây kích động để người kiện cáo, khiếu nại.

Cũng qua kiểm tra phát hiện vẫn còn không ít các trường hợp cố tình sử dụng phao xốp trá hình qua việc bọc phao bằng lưới màu xanh để qua mắt các cơ quan chức năng.

Đồng chí yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ hết năm 2022 thay thế vật liệu nổi sử dụng trong nuôi biển thân thiện với môi trường theo quy chuẩn địa phương, nhất là tại khu vực vùng biển Vân Đồn, Cô Tô và vùng vịnh Bái Tử Long. Bên cạnh đó, làm tốt công tác quy hoạch, khai thác, phát huy hiệu quả, tiềm năng thế mạnh của vùng nuôi biển rộng lớn của tỉnh Quảng Ninh theo hướng quy mô lớn, giá trị nâng cao và đạt chuẩn VietGAP và Global GAP; không khuyến khích gia tăng diện tích nuôi trồng mà đi sâu áp dụng khoa học công nghệ; đồng thời kêu gọi thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư nuôi trồng thủy sản áp dụng khoa học công nghệ.

Nhiều hộ nuôi vẫn sử dụng phao xốp gây mất an toàn và làm ảnh hưởng đến môi trường vùng biển.

Đối với những trường hợp nuôi hợp pháp là những người dân sống bằng nghề nuôi biển ở các địa phương, UBND các địa phương khảo sát, đánh giá đúng hiện trạng từng trường hợp, gia cảnh, nhân thân để đề xuất với tỉnh cơ chế chính sách phù hợp theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm bảo đảm an sinh xã hội trong quá trình chuyển đổi từ vật liệu không thân thiện với môi trường biển sang vật liệu thân thiện với môi trường.

Nhiều tàu khai thác thủy sản nuôi trồng xuống cấp nghiêm trọng.

“Khai thác, bảo tồn, phát triển và sử dụng hợp lý nguồn lợi thủy sản bền vững đảm bảo sự đa dạng sinh học là yêu cầu cấp thiết và lâu dài trong định hướng phát triển chung của tỉnh. Tất cả vì một đại dương sẽ ngày một “khỏe mạnh” hơn, xanh hơn, đẹp hơn; vì một ngành du lịch của tỉnh phát triển bền vững, giữ mãi di sản sản kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long cho muôn đời sau. Ngành kinh tế biển sẽ ngày càng phát triển đưa Quảng Ninh trở thành địa phương giàu từ biển, mạnh về biển, đóng góp lớn hơn cho tăng trưởng của tỉnh” – Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Thu Chung

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/dong-chi-bi-thu-tinh-uy-kiem-tra-cong-tac-quan-ly-phat-trien-ben-vung-nguon-loi-thuy-san-3192897.html