Dòng chảy phương Bắc 2: Ukraine quan trọng? Nga quan trọng hơn? Hay lợi ích quan trọng nhất?

Ukraine đang cảm thấy vô cùng bất ổn sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố từ bỏ lệnh trừng phạt nhằm vào Dòng chảy phương Bắc 2 - dự án hợp tác về hệ thống đường ống dẫn khí đốt giữa Nga và Đức.

Dòng chảy phương Bắc 2: Ukraine quan trọng? Nga quan trọng hơn? Hay lợi ích quan trọng nhất?. (Nguồn: Uawire.org)

Dòng chảy phương Bắc 2: Ukraine quan trọng? Nga quan trọng hơn? Hay lợi ích quan trọng nhất?. (Nguồn: Uawire.org)

Mỹ bật đèn xanh, Dòng chảy phương Bắc 2 sớm "chảy"

Miễn trừ các biện pháp trừng phạt đối với công ty chủ chốt liên quan đến việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt mang tên - Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2), như vậy, Mỹ đã bật đèn xanh cho Nga để hoàn thành đường ống dẫn khí đốt gây tranh cãi. Và không phải lần đầu tiên Ukraine cảm thấy thất vọng trước các đồng minh phương Tây.

Các biện pháp trừng phạt sẽ vẫn tiếp tục được duy trì đối với một số thực thể nhỏ hơn đã tham gia vào việc xây dựng đường ống, chủ yếu là của Nga, bao gồm cả Cơ quan Cứu hộ Hàng hải Nga. Tuy nhiên, quyết định dỡ bỏ trừng phạt đối với Nord Stream 2 AG, một công ty đăng ký tại Thụy Sỹ thuộc sở hữu của tập đoàn khí đốt nhà nước Nga Gazprom về cơ bản đã bật đèn xanh cho việc hoàn tất dự án.

Trong báo cáo trình Quốc hội Mỹ, ngày 19/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt ban đầu nhằm vào công ty Nord Stream 2 AG và Giám đốc điều hành của công ty này là Matthias Warnig là "vì lợi ích quốc gia của Mỹ". Động thái này khá mới mẻ, khi mới chỉ ít tháng trước chính Quốc hội nước này vẫn khẳng định rằng, "Nord Stream 2 AG và Giám đốc điều hành Matthias Warnig" đã tham gia vào hoạt động có thể trừng phạt và đề xuất các biện pháp trừng phạt.

Phát biểu sau đó tại Hội đồng Bắc Cực ở Iceland, có sự tham dự của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, ông Blinken còn bổ sung thêm rằng: “Các hành động hôm nay thể hiện cam kết của chính quyền Mỹ đối với an ninh năng lượng ở châu Âu, phù hợp với cam kết của tổng thống Biden về việc xây dựng lại mối quan hệ với các đồng minh và đối tác châu Âu."

Quyết định này chắc chắn nhắm đúng vào mối quan hệ đang trong giai đoạn thử thách, giữa Mỹ và các đồng minh lớn ở châu Âu - vốn ủng hộ dự án đường ống - đặc biệt là Đức, nước phụ thuộc vào Nga về nhu cầu năng lượng. Các mối quan hệ đã ngày càng trở nên căng thẳng trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump và nay, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã sử dụng dòng chảy nhạy cảm này như một cách để làm dịu một số vết thương mà người tiền nhiệm đã gây ra với đồng minh.

Tuy nhiên, quyết định này đã vấp phải sự hoài nghi, cũng như những chỉ trích dữ dội từ Ukraine, vốn lo ngại rằng, Mỹ sẽ phớt lờ để Nga tiếp tục can thiệp vào công việc nội bộ của nước mình.

Dòng chảy phương Bắc 2 dài 1.230 km, trị giá 11,6 tỷ USD đi qua Biển Baltic, ước tính chỉ còn 100 km nữa là hoàn thành. Khi Dòng chảy phương Bắc 2 đi vào hoạt động, kế hoạch sẽ tăng gấp đôi công suất vận chuyển khí đốt của Nga sang Đức, lên 110 tỷ m3/năm.

Dự kiến, Dự án sẽ được hoàn thành vào cuối mùa Hè này và đã được chào hàng là “cung cấp cho châu Âu một nguồn khí đốt ổn định hơn“.

Hiện tại, và trong lịch sử, phần lớn xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu đều đi qua Ukraine. Nhờ đó, hàng năm Ukraine sẽ nhận được hàng tỷ USD phí vận chuyển. Điều này khiến cả Ukraine và Nga có phần phụ thuộc vào nhau - Ukraine thu về ngoại tệ phí trung chuyển (và cả tỷ lệ chiết khấu khi tiêu thụ năng lượng) - Nga thu tiền xuất khẩu khí đốt quá cảnh qua Ukraine.

Tuy nhiên, việc hoàn thành Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ cho phép Nga bỏ qua hoàn toàn Ukraine, bán khí đốt trực tiếp cho thị trường rộng lớn châu Âu. Điều này không chỉ tước đi khoản phí vận chuyển đáng kể của Ukraine, mà còn làm tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào Nga và tất nhiên sẽ khiến các quốc gia châu Âu có ít cơ sở để phản đối Nga hơn, mỗi khi có một vấn đề nào đó phát sinh. Về cơ bản, Dự án giúp Nga có “tiếng nói mạnh hơn“ trong chính sách đối ngoại của mình.

Trong đó, điều mà Kyiv lo lắng, là một thành phần chính của chính sách đối ngoại đó có số phận của Ukraine, nơi Kremlin tiếp tục hỗ trợ hai vùng lãnh thổ ly khai và bán đảo Crimea.

Không nên đặt trọn niềm tin

Trong một phiên họp được tổ chức vài ngày sau tuyên bố của chính phủ ông Biden, Quốc hội Ukraine đã ra một nghị quyết với số phiếu ủng hộ áp đảo, kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ “sử dụng tất cả các công cụ sẵn có để ngăn chặn hoàn toàn và không thể đảo ngược việc xây dựng đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2, bằng các biện pháp trừng phạt đối với tất cả những người tham gia vào dự án địa chính trị này của Nga ”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky còn lên tiếng chỉ trích, việc hoàn thành đường ống sẽ là một “tổn thất cá nhân” đối với Tổng thống Biden và sẽ là một “chiến thắng chính trị quan trọng” đối với Nga.

Đáp lại, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, ông đã “phản đối Nord Stream 2 ngay từ đầu”. Nhưng ông Biden cũng nói thêm rằng “Nord Stream 2 gần như đã hoàn thành vào thời điểm tôi nhậm chức. Vì vậy, việc tiếp tục theo đuổi áp đặt các biện pháp trừng phạt lúc này, tôi nghĩ sẽ phản tác dụng về mặt quan hệ châu Âu của chúng ta ”.

Tuyên bố của Tổng thống Mỹ đã củng cố thêm nỗi lo sợ của Ukraine rằng, mặc dù đã có những nỗ lực lâu dài để vươn mình vào tầm với của các cường quốc phương Tây, nhưng Kyiv sẽ không bao giờ có thể vượt qua lực kéo kinh tế và địa chính trị tương đối của Nga.

Quyết định từ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với các nhà xây dựng chính của Dòng chảy phương Bắc 2 chứng minh rằng, miễn là có lợi ích kinh tế đáng kể giữa Nga và châu Âu, sẽ không có bất kỳ nhượng bộ nào được thực hiện vì lợi ích của các quốc gia như Ukraine.

Điều này sẽ làm chệch hướng phần lớn những mục tiêu mà Ukraine đã thực hiện và hướng tới, đặc biệt là kể từ cuộc Cách mạng Maidan năm 2014. Với việc quốc gia này là thành phần quan trọng trong các lợi ích chiến lược của Nga, họ phải chấp nhận rằng, miễn là Ukraine có chung biên giới với Nga, Nga sẽ không bao giờ biến mất với tư cách là một người chơi trong nền chính trị của đất nước này.

Điều này, cùng với thực tế là, các lợi ích kinh tế sẽ luôn được ưu tiên hơn các lý tưởng cao cả được các chính phủ Âu, Mỹ tán thành. Thậm chí, thực tế cho thấy rằng, không khôn ngoan nếu Ukraine thực hiện bất kỳ hướng đi nào có thể khiến Nga phải "nóng mặt" - chẳng hạn như hội nhập hơn với EU và NATO.

Giới quan sát cho rằng, những tình tiết mới về Dự án lịch sử Dòng chảy phương Bắc 2 có thể là một lời cảnh tỉnh cho việc Ukraine không nên đặt trọn niềm tin vào các đồng minh phương Tây.

(theo Emerging-europe)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dong-chay-phuong-bac-2-ukraine-quan-trong-nga-quan-trong-hon-hay-loi-ich-quan-trong-nhat-147176.html