'Dòng chảy' ODA trong hạ tầng lưới điện

Hệ thống lưới điện miền Bắc đã hấp thụ một cách có hiệu quả nhiều khoản vay ODA, qua đó gia tăng niềm tin đối với các nhà tài trợ quốc tế khi tiếp cận, thương thảo các khoản vay cho các dự án cải tạo, làm mới lưới điện trên toàn miền.

Dự án Phân phối hiệu quả (DEP) do WB tài trợ vốn, đã được triển khai tại 19 tỉnh, thành khu vực phía Bắc.

Dự án Phân phối hiệu quả (DEP) do WB tài trợ vốn, đã được triển khai tại 19 tỉnh, thành khu vực phía Bắc.

Quy mô vay lớn, nguồn vay đa dạng

Các nhà tài trợ quốc tế “quen mặt” như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD)... đã giúp Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đến thời điểm này có được nhiều khoản vay ưu đãi trị giá hơn 1 tỷ USD, “rót” vào hàng chục công trình dự án, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải khu vực miền Bắc.

Ban Quản lý Dự án Lưới điện miền Bắc (BA1) - một “cánh tay” nối dài của EVNNPC trong quá trình quản lý, giải ngân các dự án vay ưu đãi cho biết, dòng vốn song phương, đa phương từ các nhà tài trợ quốc tế trong thời gian vừa qua là nguồn lực quan trọng để EVNNPC cải tạo lưới điện trung áp, hạ áp cấp điện tới hàng trăm xã thuộc thuộc địa bàn hàng chục tỉnh, thành. Nhờ những công trình này mà điện lưới quốc gia đã đến được nhiều thôn bản xa xôi, giúp người dân ở những vùng khó khăn có điều kiện tiếp cận điện đúng giá Nhà nước, chất lượng điện áp ổn định.

Trong vòng 25 năm, hơn 14 triệu hộ gia đình hay 60 triệu người dân Việt Nam đã được hòa lưới điện quốc gia. Đây quả thật là một kỳ tích!”, ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam.

Được biết, trong tổng thể các dự án ODA của ngành Điện, EVNNPC luôn là đơn vị được phân bổ số tiền vay lớn. Phía đơn vị thụ hưởng dự án cũng đã tận dụng tối đa số vốn được phân bổ, đáp ứng tiến độ của Hiệp định vay.

Theo BA1, trong thời gian qua, số vốn vay và nguồn vay mà EVNNPC tiếp cận cũng ngày một đa dạng và quy mô hơn. Cụ thể, nếu như giai đoạn năm 1993 - 2000, chỉ có 5 dự án được đầu tư bằng nguồn vốn của WB, ADB, Chính phủ Pháp, Chính phủ Bỉ, trị giá hơn 160 triệu USD, thì tới giai đoạn năm 2001 - 2005 nguồn ODA mà EVNNPC có được đã gấp nhiều lần so với thời kỳ đầu, với sự đồng hành của nhiều tổ chức, định chế tài chính khác nhau như JICA, WB, Phần Lan...

Chắt chiu từng đồng vốn ưu đãi

Trao đổi với PLVN, ông Vũ Anh Tài - Giám đốc BA1 cho hay, là đơn vị quản lý các dự án lưới điện có cấp điện áp đến 220kV thuộc EVNNPC, trong 20 năm qua, Ban này đã tổ chức triển khai nhiều dự án, góp phần giúp EVNNPC hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình trong quá trình điện khí hóa nông thôn ở miền Bắc.

Hàng loạt dự án án đã động thổ, hoàn công như: Dự án Cải tạo lưới điện TP.Thái Nguyên; Dự án Cải tạo lưới điện các xã vùng sâu vùng xa tại 2 tỉnh Điện Biên, Lai Châu; Dự án Năng lượng nông thôn I, II; Dự án Cải tạo lưới điện phân phối tại các thành phố vừa và nhỏ... đã tạo điều kiện để 27 tỉnh, thành khu vực phía Bắc phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của nhân dân.

Giám đốc BA1 Vũ Anh Tài: "Ngành Điện vẫn rất cần nguồn tín dụng ưu đãi để làm mới hạ tầng lưới điện".

“Nhu cầu phát triển của các địa phương ngày một cao, thì áp lực đối với ngành Điện cũng ngày một lớn, nhất là vấn đề khai thông nguồn vốn đầu tư hạ tầng lưới điện. Trong bối cảnh huy động tín dụng thương mại gặp khó khăn như hiện nay, thì việc có được nguồn ODA với số lượng lớn, lãi suất ưu đãi, thời gian ân hạn dài... từ các nhà tài trợ quốc tế là điều hết sức quý báu và phải chắt chiu cho từng công trình”, Giám đốc Vũ Anh Tài nói.

Hiện, BA1 đang được giao làm đại diện chủ đầu tư xây dựng các đường dây trung, hạ áp và trạm biến áp phân phối tại 9 tỉnh, thành (Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Thái Bình, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hải Dương, Phú Thọ, Quảng Ninh), với giá trị khoảng hơn 150 tỷ đồng/địa phương. Các dự án nói trên, EVNNPC khởi động từ năm 2015 và sẽ hoàn thành đóng điện toàn bộ trong năm 2021.

“Một số nhà tài trợ quốc tế đã tiến hành khảo sát kết quả đầu tư hạ tầng lưới điện tại Yên Bái, Bắc Ninh..., và sau đó đưa ra những nhận xét hết sức tích cực về quá trình triển khai các dự án của EVNNPC. Điều dễ thấy là những khoản đầu tư này đã giúp ngành Điện cung cấp điện ổn định hơn, đồng thời giảm tổn thất điện năng”, ông Tài dẫn chứng tính hiệu quả và giá trị của những khoản vay ODA.

Để tiếp tục triển khai và khơi thông nguồn tín dụng này, Phó Tổng Giám đốc EVNNPC Lê Quang Thái mới đây đã chỉ đạo BA1 và các đơn vị liên quan không chỉ đẩy nhanh tiến độ hai giai đoạn của Dự án KFW3 (vay Ngân hàng Tái thiết Đức) mà phải khẩn trương soát xét, đề xuất danh mục và chuẩn bị triển khai các dự án sử dụng vốn vay của KFW4 và AFD để phục vụ lưới điện 110kV tại một số nơi trên địa bàn, với mục tiêu đưa vào vận hành vào năm 2014.

“EVNNPC rất nỗ lực trong việc thiết lập, duy trì và mở rộng các mối quan hệ với các tổ chức tài chính quốc tế để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là ưu đãi ODA. EVNNPC đã tập trung hoàn thành tốt công tác chuẩn bị dự án, phối hợp và trực tiếp làm việc với các tổ chức cho vay ngay từ khi thiết kế, khảo sát dự án, thu thập số liệu, làm việc với các tổ chức cho vay và các Bộ, ngành của Việt Nam trong công tác thẩm định, thương thảo Hiệp định dự án… Vì vậy, nhiều năm nay, EVNNPC được EVN và các tổ chức cho vay đánh giá cao về công tác triển khai, thực hiện dự án, đặc biệt là hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA”, Phó Tổng Giám đốc EVNNPC Lê Quang Thái nói.

Từ năm 1993 đến nay, EVNNPC đã triển khai hơn 20 dự án ODA, với nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ song phương, đa phương từ WB, ADB, JICA, Chính phủ Pháp, Chính phủ Bỉ, Chính phủ Phần Lan và KFW, với tổng mức đầu tư lên đến 1,7 tỷ USD, trong đó số vốn nước ngoài là hơn1,2 tỷ USD.

Vũ Lanh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/dong-chay-oda-trong-ha-tang-luoi-dien-518343.html