Dòng chảy mùa Xuân giữa trập trùng biên giới

Giữa đồi núi trập trùng và những cánh rừng ngút ngàn tầm mắt, những ngày cuối năm, vùng biên giới 4 huyện Đắk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy, la H'Drai của tỉnh Kon Tum như 'thu mình' trong sự tĩnh lặng. Tiết trời cuối Đông, nơi đây ngày nắng đêm lạnh, nhịp thời gian cứ chầm chậm trôi trong nắng, gió làm thổn thức lòng người. Trong không gian yên ả ấy, có một dòng chảy luôn mạnh mẽ dâng trào, vượt qua bao khó khăn, thử thách để có được những mùa Xuân ấm áp.

Cán bộ Đồn Biên phòng Sa Loong sang chúc mừng, tặng quà cho các lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia nhân kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng Khmer đỏ của Campuchia. Ảnh: Thái Kim Nga

Chung vui trong ngày Xuân chiến thắng

Để kỷ niệm 40 năm giải phóng hoàn toàn đất nước Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng (17/1/1979 - 17/1/2019), các đồn Biên phòng tuyến Việt Nam - Campuchia của tỉnh Kon Tum đã chuẩn bị xong những món quà ý nghĩa để sang chúc mừng các đồng nghiệp ở bên kia biên giới.

Hôm nay, do phải đi đường vòng lên cửa khẩu quốc tế Bờ Y, sau đó “bọc” theo đường tuần tra để sang các đơn vị bảo vệ biên giới nước bạn, nên ngay từ sáng sớm, “phái đoàn” của Đồn Biên phòng Sa Loong đã khởi hành để bảo đảm đúng thời gian đã ấn định từ trước. Thiếu tá, Đồn trưởng Phan Trọng Bình chia sẻ: “Đến hẹn lại lên, khi mùa Xuân về là các hoạt động qua lại của lực lượng hai bên biên giới tăng dày hơn. Ta sang bạn chúc mừng ngày chiến thắng, bạn sang ta vui Tết, đón Xuân.

Sự kết nối, gần gũi này càng làm cho mối quan hệ giữa hai bên trở nên bền chặt. Trước đó, nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập QĐND Việt Nam (22-12), hai Đồn bảo vệ biên giới Ô Dơ và Kon Tui Neak cũng cử đoàn cán bộ sang ta chúc mừng. Với nhân dân và các lực lượng vũ trang Campuchia, cán bộ thuộc QĐND Việt Nam luôn là những người bạn gần gũi, thân thương và kính trọng nhất...”.

Càng gần đến ngày kỷ niệm đất nước Campuchia thống nhất, những ký ức tươi đẹp về bộ đội Việt Nam càng hiện về lung linh trong trái tim những người con đất nước Chùa tháp. Quên sao được khi vào ngày này 40 năm về trước, Quân tình nguyện Việt Nam đã bất chấp mọi hy sinh gian khổ, phối hợp với lực lượng vũ trang Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia mở cuộc Tổng tiến công giải phóng Thủ đô Phnom Penh (7-1-1979) và toàn bộ đất nước Campuchia (17-1-1979). Từ đây, bóng mây đen tối nhất trong lịch sử dân tộc Campuchia đã được xua tan, tập đoàn diệt chủng Khmer đỏ bị sụp đổ, người dân được đoàn tụ, hồi sinh trong nụ cười và nước mắt, cùng sự thán phục của cộng đồng yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Có biết bao câu chuyện cảm động cùng những kỷ vật thiêng liêng về Quân tình nguyện Việt Nam được nhân dân Campuchia nâng niu, gìn giữ như báu vật. Thiếu tá Huông Phuông, Đồn trưởng Đồn Kon Tui Neak ôm chặt Đồn trưởng Phan Trọng Bình và những người lính Biên phòng Việt Nam thay lời tri ân. Thiếu tá, Đồn trưởng Huông Phuông cho biết: “Cơn bão số 9 năm 2018, toàn bộ giao thông bên phía Campuchia đều bị chia cắt, lực lượng bảo vệ biên giới của Đồn Kon Tui Neak và Ô Dơ gần như không thể thực hiện nhiệm vụ do mưa rét kéo dài. Trong tình cảnh khó khăn đó, các đồn Biên phòng của tỉnh Kon Tum đã hết lòng giúp đỡ, vừa mở đường thông tuyến, vừa điều động quân y sang hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe cho chúng tôi. Tình cảm của các bạn đã tạo nên sức mạnh giúp chúng tôi bám trụ trên vùng đất gian khó này để chung tay bảo vệ biên giới...”.

Câu chuyện của những người lính bảo vệ biên giới trên vùng ngã ba Đông Dương, khiến tôi chợt nhớ đến “cuộc chạy nước rút” xuyên đêm cấp cứu 4 người dân Campuchia bị tai nạn rất nặng của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mo Rai cách đây 1 năm. Bốn người bị thương nặng, trong đó có hai phụ nữ (một đang mang thai) được Đồn Biên phòng Mo Rai sơ cứu, sau đó chuyển về thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai cấp cứu kịp thời đã tai qua nạn khỏi. Nụ cười, nước mắt của người bị nạn hòa vào ánh mắt mệt mỏi nhưng đong đầy tình thương của người lính Biên phòng Việt Nam sau “cuộc đua” giành giật sự sống ấy cũng đủ cảm nhận sức mạnh của tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam – Campuchia.

Trắng đêm “đón người” miền cực Bắc

Nằm ở miền cực Bắc Tây Nguyên, huyện Đắk Glei được ví như một “tiểu Đà Lạt” nhờ có thời tiết khí hậu tương đối mát mẻ. Tuy nhiên, ngày cuối Đông, vùng biên phủ một màn sương dày đặc, nhiệt độ xuống thấp, gió thổi mạnh tạo nên cảm giác rất khó chịu. Trên địa bàn Đắk Glei hiện có 5 đồn Biên phòng, trong đó Đồn Biên phòng Rơ Long là một trong hai đơn vị không quản lý địa bàn dân cư. Đồn Biên phòng không dân, nhưng đổi lại, Rơ Long lại rất gần với cụm bản Văn Tách, thuộc huyện Xản Xây, tỉnh Attapư (CHDCND Lào). Và đó là lý do để nhiều người ví von: “Rơ Long luôn được sống trong vòng tay đồng bào”.

Quân y Đồn Biên phòng Mo Rai cấp cứu các bệnh nhân Campuchia bị tai nạn. Ảnh: Thái Kim Nga

Trung tá Trần Ngọc Tùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Rơ Long cho biết: “Đứng chân trên khu vực gần với các khu dân cư nước bạn Lào nên mối quan hệ giữa Đồn Biên phòng Rơ Long với nhân dân và lực lượng chức năng bên kia biên giới rất gắn bó. Chúng tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ bạn bất cứ lúc nào, đặc biệt là công tác y tế, chăm sóc sức khỏe...”.

Giữa vùng biên giới xa xôi, cách trở, giao thông chỉ có thể đi được vào mùa khô, còn khi mùa mưa về, mọi ngả đường ở cụm bản Văn Tách đều hướng sang huyện Đắk Glei của Việt Nam để giải quyết bài toán nhu yếu phẩm. Đây cũng chính là vấn đề được Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum đặc biệt quan tâm, với rất nhiều hoạt động trợ giúp hướng sang đất bạn.

Chỉ riêng vấn đề y tế, năm 2018, BĐBP tỉnh đã tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng ngàn lượt người dân ở cụm bản Văn Tách. Y sĩ, Đại úy Hoàng Như Tuy về công tác ở Đồn Biên phòng Rơ Long mới gần 2 năm, nhưng anh chính là vị cứu tinh của hàng trăm bệnh nhân đến ở bên kia biên giới. Trong số này có những trường hợp bị tai nạn hay lâm bệnh nặng phải chuyển ra Trung tâm y tế huyện Đắk Glei cấp cứu. Có năm, vào thời điểm giao mùa, các loại dịch bệnh về đường hô hấp, sốt siêu vi bùng phát, quân y đồn phải trắng đêm “đón người” để phục vụ.

Đại úy Hoàng Như Tuy chia sẻ: “Bên cạnh việc tiếp đón bệnh nhân 24/24 giờ tại phòng quân y của đơn vị, hằng tháng, chúng tôi tổ chức các đợt công tác sang cụm bản Văn Tách thăm khám, kiểm tra sức khỏe cho bà con. Món quà ý nghĩa nhất của người quân y là được nhìn thấy nụ cười và vòng tay chào đón của các chủ nhân vùng biên giới”.

Trắng đêm “đón người” từ bên kia biên giới chỉ để được nhìn thấy một nụ cười. Món quà bình dị mà vô giá, để những người lính Biên phòng thắp sáng hơn tình đoàn kết Việt-Lào, sưởi ấm mùa Xuân nơi vùng biên.

Thái Kim Nga

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/dong-chay-mua-xuan-giua-trap-trung-bien-gioi/