Dòng chảy lịch sử - văn hóa Ðại Việt 1050 năm

Từ khoảng chục năm trở lại đây, nhất là từ khi quần thể di tích Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên và Văn hóa của thế giới 2014, Đảng, chính quyền và nhân dân Ninh Bình đã chủ động trong việc giữ gìn, tôn tạo và phát triển di sản của địa phương và cũng là của chung nhân loại. Đồng thời, các cấp lãnh đạo và người dân địa phương kiên trì chủ trương lấy di sản nuôi di sản thông qua các chương trình, dự án đầu tư phát triển du lịch di sản.

Từ thời điểm năm 2014 đến nay ngành du lịch Ninh Bình, chủ yếu là du lịch di sản Tràng An không ngừng tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước từ 15- 20% lượng khách quốc tế và trong nước, tăng thu cho ngân sách địa phương để phục vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh cho cuộc sống người dân nằm trong khu vực có di sản. Hiện Ninh Bình nằm trong top 10 các địa phương thu hút du lịch nhất cả nước, kể cả lượng khách lẫn doanh số thu.

Cố đô Hoa Lư là một trong 4 cụm di tích nằm trong quần thể di sản Thiên nhiên và Văn hóa Thế giới. Kết hợp với các cụm di tích khác như Bái Đính, Tam Cốc - Bích Động, Tràng An, năm nay, Ninh Bình tổ chức Lễ hội Hoa Lư và Lễ kỷ niệm 1050 năm Kinh đô đầu tiên của Nhà nước phong kiến tập quyền Việt Nam ra đời, nhằm khơi dậy lòng tự hào và tự tôn dân tộc đối với các thế hệ người Việt hôm nay và mai sau.

Đồng vàng đất Cố đô.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình cho biết, năm nay tỉnh sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968 - 2018) và Lễ hội Hoa Lư 2018 trong hai tháng 4 và 5/2018. Dịp này, tại Ninh Bình sẽ diễn ra nhiều hoạt động phong phú và có quy mô lớn như: Lễ hội Hoa Lư 2018, Lễ Tế thiên, Lễ hội Tràng An 2018, Lễ hội Đền Thái Vi, các chương trình giao lưu nghệ thuật có quy mô hoành tráng…

Tại Lễ hội Hoa Lư 2018, phần lễ gồm 10 nghi thức: Lễ mở cửa đền, Lễ dâng hương, Lễ rước nước, Lễ mộc dục, Lễ rước kiệu, Tế Cửu khúc, Tế lễ cổ truyền, Lễ cầu siêu và Lễ hội hoa đăng, Lễ tạ. Phần hội gồm 22 hoạt động nhằm tạo không khí vui tươi, lành mạnh…

Đây là lần đầu tiên Ninh Bình tổ chức Lễ Tế thiên với quy mô lớn tại Đàn Kính thiên thuộc chùa Bái Đính với phần tế lễ và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật tái hiện lại nghi thức tế trời. Đây là hoạt động lớn trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt.

Hào khí Ninh Bình là điểm nhấn của chương trình nghệ thuật hết sức hoành tráng mà Ban Tổ chức cùng với Tổng đạo diễn hướng tới. Chương trình sẽ tái hiện một phần lịch sử oai hùng của dân tộc ta hàng ngàn năm trước đây, tôn vinh các giá trị văn hóa, di tích lịch sử và những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Ninh Bình. Qua đó, Ban Tổ chức muốn khơi dậy tinh thần yêu nước, đoàn kết, lòng tự hào và tự tôn dân tộc của người dân địa phương cũng như du khách có mặt trong dịp này. Hào khí Ninh Bình được dàn dựng công phu, ứng dụng công nghệ âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo hiện đại, diễn ra tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng.

Đây cũng là dịp để Ninh Bình khẩn trương hoàn thành một số công trình chào mừng Đại lễ như: Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và đền thờ vua Lê Đại Hành; đường vào đền vua Đinh, vua Lê; đền Tam Thánh và chùa Yên Lữ (xã Khánh An, huyện Yên Khánh); Dự án tu bổ, tôn tạo di tích; Các hạng mục thuộc công trình bảo quản, tu bổ, tôn tạo và mở rộng phạm vi một số di tích có liên quan đến Nhà nước Đại Cồ Việt nhằm phát huy giá trị lịch sử và văn hóa Cố đô Hoa Lư,...

Cùng với đó, trong dịp này còn diễn ra rất nhiều hoạt động khác có sự góp mặt của bạn bè quốc tế: Xây dựng phim tài liệu về Ninh Bình; Tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia về “Vị trí, vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam”; Phát động sáng tác và tổ chức triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh với chủ đề về đất và người Ninh Bình; Tổ chức giao lưu nghệ thuật giữa các vùng Cố đô gồm Thành phố Asan (Hàn Quốc), tỉnh U đôm xay (Cộng hòa DCND Lào), tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Tuyên Quang và một số đơn vị kết nghĩa với tỉnh Ninh Bình; Tổ chức giải bóng chuyền Cúp Hoa Lư năm 2018; Đại hội thể dục, thể thao tỉnh Ninh Bình; Tổ chức giải Gold tỉnh Ninh Bình; Tổ chức Tuần du lịch Ninh Bình năm 2018 với chủ đề “Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An”; Đêm nhạc Flamenco - Tây Ban Nha; Chương trình Carnavan thiện nguyện lần thứ 13 - năm 2018; Hội chợ sản phẩm công, nông nghiệp, du lịch Đồng bằng sông Hồng tại Ninh Bình… Những hoạt động này dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 5 và đầu quý II năm 2018.

Có thể nói đây là cách đi đúng hướng nhằm khai thác tiềm năng di sản phục vụ cho phát triển du lịch, đồng thời cũng là cơ hội quảng bá hình ảnh vùng đất Cố đô và con người Ninh Bình thân thiện mến khách với bạn bè trong nước và quốc tế nhằm thu hút nguồn đầu tư để xây dựng và phát triển Ninh Bình thành một tỉnh giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa.

Thu Hiền

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/dong-chay-lich-su-van-hoa-ai-viet-1050-nam-n143659.html