Dòng chảy FDI Hàn Quốc vào miền Trung - Tây Nguyên

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), gần 4,4 tỷ USD đã được các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào khu vực miền Trung - Tây Nguyên cho đến nay.

Dòng vốn Hàn Quốc đang chảy mạnh vào các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.

Giữa tháng 12/2020, Tập đoàn điện tử LG (Hàn Quốc) đã đưa Trung tâm Nghiên cứu LG VS vào hoạt động tại tòa nhà DITP - Trung Nam Land (Đà Nẵng). Đây là trung tâm thứ 3 tại Việt Nam mà LG thành lập, sau các trung tâm tại Hà Nội và TP.HCM. “Chúng tôi chỉ mất 2 tháng tìm hiểu môi trường đầu tư tại Đà Nẵng và đã nhìn thấy tiềm lực to lớn của Thành phố về phát triển công nghệ thông tin và nguồn nhân lực”, ông Jung Seung Min, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu LG VS cho biết.

Theo Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại Đà Nẵng, ông Ahn Min Sik, sự kiện quan trọng trên “là tín hiệu đáng mừng trong thu hút đầu tư tại miền Trung Việt Nam; là chất xúc tác trong hợp tác đầu tư giữa 2 quốc gia trong lĩnh vực R&D (nghiên cứu và phát triển) và ICT (công nghệ thông tin - truyền thông), góp phần thúc đẩy Đà Nẵng trở thành một trung tâm thông tin lớn của cả nước và khu vực”.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, Thành phố đã nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc. Mới đây nhất là Dự án Nhà máy sản xuất thiết bị y tế ICT Vina II của Công ty ICT Vina tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng, với tổng vốn đầu tư 60 triệu USD. Đây là một trong những dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiêu biểu của nhà đầu tư Hàn Quốc tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Tại miền Trung - Tây Nguyên, trong 9 tháng đầu năm 2020, Hàn Quốc là đối tác dẫn đầu về tổng vốn đăng ký, đạt 79,41 triệu USD, với 23 Dự án mới.

Theo ông Lee Sungnyng, Giám đốc Cơ quan Xúc tiến thương mại - đầu tư Hàn Quốc (Kotra) tại Đà Nẵng, những năm trước, các doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm đầu tư trong lĩnh vực du lịch tại TP. Đà Nẵng, song những năm gần đây, họ để ý nhiều tới lĩnh vực chế biến, chế tạo và gia công phần mềm công nghệ.

Tại TP. Đà Nẵng, tính đến tháng 11/2020, Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài có số lượng dự án nhiều nhất, với 232 dự án, tổng vốn đăng ký 376 triệu USD, tập trung tại các lĩnh vực dịch vụ, bất động sản, sản xuất công nghiệp và công nghệ thông tin.

Thực tế, nói đến dòng vốn FDI từ Hàn Quốc tại miền Trung, phải kể đến sự xuất hiện của thương hiệu Doosan Vina tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi). Theo ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đây là doanh nghiệp FDI đầu tiên, cũng là doanh nghiệp thành công nhất hiện nay trong lĩnh vực công nghiệp nặng tại Quảng Ngãi.

“Với doanh thu ước đạt 200 triệu USD/năm, Doosan Vina đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách và nâng cao giá trị xuất khẩu của Quảng Ngãi. Doosan Vina đang tạo việc làm cho khoảng 2.000 lao động, trong đó trên 85% là người Quảng Ngãi”, ông Minh cho biết.

Bình Định cũng là địa phương được các doanh nghiệp Hàn Quốc “để mắt” nhiều hơn trong thời gian gần đây. Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định, các dự án đến từ nhà đầu tư Hàn Quốc là Dự án điện mặt trời vốn đầu tư 70 triệu USD do Công ty Năng lượng QN Hàn Quốc làm chủ đầu tư; Dự án trang trại chăn nuôi thịt heo công nghệ cao của Công ty TNHH Chăn nuôi New Hop, vốn đầu tư gần 5 triệu USD; Dự án nhà máy chế biến gỗ Wesbrook Việt Nam, vốn đầu tư 2,5 triệu USD...

Tại Hội thảo Đối thoại doanh nghiệp Hàn Quốc về tạo thuận lợi đầu tư và kinh doanh khu vực miền Trung - Tây Nguyên do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức trung tuần tháng 12/2020, ông Vũ Văn Chung, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài ghi nhận, tại miền Trung - Tây Nguyên, trong 9 tháng đầu năm 2020, Hàn Quốc là đối tác dẫn đầu về tổng vốn đăng ký vào khu vực, đạt 79,41 triệu USD với 23 dự án mới, tập trung vào các lĩnh vực chế biến, chế tạo, hoạt động chuyên môn công nghệ, dịch vụ lưu trú và ăn uống.

“Lũy kế đến nay, Hàn Quốc chỉ đứng sau Singapore đầu tư vào khu vực này. Doanh nghiệp Hàn Quốc đã có mặt trong hầu hết các ngành, lĩnh vực thế mạnh của các địa phương như công nghiệp nặng, bất động sản, du lịch, dệt may, sản xuất gia công và chế biến, đầu tư hạ tầng khu công nghiệp…”, ông Chung nói.

Theo ông Chung, với những tiềm năng về vị trí chiến lược, nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhân lực dồi dào, hệ thống hạ tầng ngày càng hoàn thiện, ưu thế về phát triển bất động sản du lịch với hàng loạt di sản văn hóa, bờ biển dài và đẹp…. kết hợp với các thế mạnh mới như các hiệp định thương mại và đầu tư, những cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư mang tính đột phá, nhiều địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên đang trở thành điểm đến đầu tư tin cậy và an toàn của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Hà Minh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dong-chay-fdi-han-quoc-vao-mien-trung---tay-nguyen-d135479.html