ĐỒNG BỘ TRONG XỬ LÝ RÁC

Tuần qua, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) với thời gian có hiệu lực được lùi đến ngày 1-1-2022 với lý do để Chính phủ có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng các văn bản quy định chi tiết thực hiện luật, bảo đảm sự chặt chẽ, thống nhất và thật sự đi vào cuộc sống.

Thông tin này khiến nhiều người quan tâm, nhất là khi Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có đề cập đến việc quản lý, phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ các hộ gia đình, cá nhân.

Chúng ta đều biết, việc phân loại rác từ đầu nguồn giúp xử lý rác thải ít tốn kém, nhanh, tiện, hiệu quả; phù hợp với công nghệ xử lý hiện đại, mang lại nhiều lợi ích, nhưng hiện tại chưa có nhiều địa phương đầu tư. Bên cạnh đó, lâu nay nhiều nơi đã phát động phân loại rác tại nguồn nhưng chẳng mấy ai thực hiện. Cuối năm 2019, TP Hồ Chí Minh ra văn bản, quy định các gia đình phải phân rác thải thành 3 loại (hữu cơ, tái chế, rác thải còn lại) nhưng rất ít gia đình làm theo. Trước đây, TP Hà Nội từng thực hiện dự án phân loại rác đầu nguồn do tổ chức của Nhật Bản tài trợ, nhưng cũng "chết yểu".

 Ảnh minh họa. Nguồn: hanoimoi.com.vn

Ảnh minh họa. Nguồn: hanoimoi.com.vn

Vì xử lý rác thải chưa tốt nên nhiều địa phương phải giải quyết các hệ lụy phát sinh rất tốn thời gian, công sức. Thực tế đã có nhiều vụ người dân chặn xe vào đổ rác ở khu xử lý rác thải, hoặc không đồng ý xây dựng khu xử lý rác ở địa phương mình, dẫn đến tình trạng "khủng hoảng xử lý rác".

Không chỉ ứng xử với rác sinh hoạt thiếu căn cơ mà ngay cả các loại chất thải rắn, rác công nghiệp, y tế, hóa chất độc hại cũng rơi vào tình trạng trên. Nhiều đơn vị có chức năng xử lý loại rác này thiếu việc làm vì không ít cơ sở phát thải rác độc hại... trốn xử lý rác đúng quy định.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc xử lý rác không hiệu quả. Vì tiết giảm đầu tư, các doanh nghiệp thu gom rác thải không tổ chức phương tiện chở rác đã phân loại từ nguồn nên không khuyến khích được các gia đình, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phân loại rác. Vì ưu đãi kém hấp dẫn nên ít doanh nghiệp đầu tư công nghệ xử lý rác hiện đại...

Ở góc độ công tác quản lý cho thấy, chính quyền các địa phương chưa quan tâm thỏa đáng và có giải pháp hiệu quả khuyến khích đầu tư ứng dụng công nghệ mới để thu gom, xử lý rác. Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra thiếu sự quyết liệt, thậm chí còn biểu hiện tiêu cực đã "tạo điều kiện" cho các đơn vị xử lý rác không đúng quy định nhằm thu lợi bất chính.

Hậu quả là người dân phải "sống chung" với ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm nguồn nước, không khí. Đây là một trong những nguyên nhân khiến bệnh ung thư và nhiều bệnh nan y khác gia tăng.

Tốc độ đô thị hóa và tăng dân số, phát triển công nghiệp khiến lượng rác thải ngày càng nhiều. Nếu chúng ta không có giải pháp phối hợp xử lý rác triệt để, hiệu quả thì những nguy cơ do rác thải mang lại sẽ ngày càng nghiêm trọng.

Vì vậy, người dân kỳ vọng trong các văn bản quy định chi tiết thực hiện Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sắp tới quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị thu gom, xử lý rác, bảo đảm từng loại rác thải phải được thu gom, xử lý đúng quy định; không để tình trạng kêu gọi người dân phân loại rác nhưng các đơn vị xử lý lại "đổ đồng", chôn lấp tất. Đặc biệt, cần tăng cường tuyên truyền vận động, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân không thực hiện đúng việc phân loại rác từ nguồn; kiên quyết "nói không" với những công nghệ xử lý rác lạc hậu để tránh những hậu quả cả trước mắt và lâu dài do rác thải gây ra.

MẠNH THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/dong-bo-trong-xu-ly-rac-644544