Đồng bộ giải pháp để giảm số người hút thuốc lá
Tại kỳ họp thứ tám vừa diễn ra, Quốc hội khóa XV đã thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025.
Ngoài cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) cũng đề xuất tăng thuế với thuốc lá điếu thông thường. Theo đó, bên cạnh thuế tiêu thụ đặc biệt giữ ở mức 75% sẽ áp dụng thêm thuế tuyệt đối 10.000 đồng/bao, tăng dần từ năm 2026 đến năm 2030.
Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng bị cấm là bởi dù mới xuất hiện song nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, nó có chứa chất gây nghiện, gây độc hại cho sức khỏe như thuốc lá thông thường. Mặt khác, nhiều đối tượng xấu lợi dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để đưa vào chất ma túy, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Còn với thuốc lá thông thường, việc tăng thuế là giải pháp khiến giá thành sản phẩm đắt đỏ, nhằm giảm tỷ lệ người hút.
Sau hơn 10 năm triển khai Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá giảm từ 47% xuống còn gần 39%. Đây vẫn được coi là tỷ lệ rất cao, nằm trong nhóm quốc gia có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Vì thế, cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, hay tăng thuế với thuốc lá điếu thông thường là giải pháp mạnh nhằm giảm thiểu tác hại của thuốc lá.
Tuy nhiên, cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hay tăng thuế với thuốc lá thông thường mới chỉ là một phần trong nỗ lực bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Phần việc rất quan trọng khác là phải thực thi hiệu quả quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng.
Theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, điểm cấm hút thuốc hoàn toàn, gồm cả trong nhà và khuôn viên, là cơ sở y tế, cơ sở giáo dục; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà là nơi làm việc, địa điểm công cộng. Tuy nhiên, thực tế không khó bắt gặp người hút thuốc trong khuôn viên bệnh viện, trường học, hay nơi công cộng như nhà ga, bến xe…
Đáng nói hơn là gần như không có lực lượng nào nhắc nhở hay xử phạt những vi phạm này, trong khi quy định xử lý vi phạm hút thuốc lá nơi bị cấm hiện có đầy đủ. Theo đó, hành vi hút thuốc lá tại địa điểm cấm bị phạt tiền 200.000-500.000 đồng. Trường hợp không thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành; không có chữ hay biểu tượng "cấm hút thuốc lá" tại địa điểm cấm theo quy định bị phạt tiền 3.000.000-5.000.000 đồng.
Tác hại của thuốc lá là điều không phải bàn cãi. Người hút thuốc lá không chỉ tự đầu độc mình mà khói thuốc còn ảnh hưởng đến những người xung quanh. Người hút thuốc thụ động (hít khói thuốc) còn nguy hại hơn người hút trực tiếp. Vì thế phải nghiêm túc thực thi quy định cấm hút thuốc nơi công cộng. Trước hết, các cơ quan, đơn vị phải tổ chức lực lượng kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên những trường hợp vi phạm quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng. Từ góc độ quản lý, cần bổ sung thẩm quyền xử phạt, tăng mức phạt với hành vi hút thuốc lá nơi bị cấm, để dễ áp dụng, thực thi hiệu quả.
Ở điểm công cộng cần bố trí nơi dành cho người hút thuốc lá. Khu vực này vừa giúp hạn chế việc hút thuốc thụ động, vừa khuyến khích việc tuân thủ quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng. Nhà hàng, quán cà phê, khách sạn, công viên, không gian công cộng... nên bố trí khu vực hút thuốc lá riêng biệt, có hướng dẫn, nhắc nhở, từ đó xây dựng ý thức của cộng đồng. Thực hiện đồng bộ giải pháp, trong đó có việc xử lý hành vi vi phạm, sẽ góp phần giảm tỷ lệ người hút thuốc lá một cách hiệu quả.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dong-bo-giai-phap-de-giam-so-nguoi-hut-thuoc-la-687260.html