Đồng bộ các giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết 28

Nghị quyết 28-NQ/TW của Hội nghị T.Ư 7 (khóa XII) về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), cho thấy một quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước ta trong xây dựng và bảo đảm an sinh xã hội. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 28?

Công nhân làm việc tại xưởng sản xuất Nhà máy đóng tàu Hồng Hà (Hải Phòng). Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Công nhân làm việc tại xưởng sản xuất Nhà máy đóng tàu Hồng Hà (Hải Phòng). Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Còn nhiều thách thức

Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Kết quả thực hiện và những định hướng cải cách chính sách BHXH” mới đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động (NLĐ) và người dân đối với hệ thống an sinh xã hội, trong đó có BHXH, BHYT đã tăng lên nhiều, với tỷ lệ bao phủ BHXH chiếm 26% lực lượng lao động. Tuy nhiên, để đạt được 35% lực lượng lao động tham gia BHXH theo Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 là thách thức không nhỏ, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao.

Bên cạnh đó, trong hệ thống chính sách hiện nay có BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc, nhưng chế độ hưởng của hai chính sách khác nhau. Việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT đòi hỏi sự vào cuộc, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Qua các cuộc giám sát, vẫn còn có những địa phương, các ngành, các cấp cơ sở chưa thật sự quan tâm vấn đề này.

Chia sẻ thêm khó khăn, thách thức trong quá trình thực thi chính sách, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Ngọc Chương cho rằng, có hai điểm nổi lên trong chính sách BHXH. Thứ nhất, là việc cho dừng Điều 60 Luật BHXH về BHXH một lần, điều này cho thấy một bộ phận nhỏ NLĐ chỉ thấy lợi ích trước mắt; còn cơ quan chức năng chưa tuyên truyền, phổ biến đến nơi đến chốn, dẫn đến từ một yêu cầu của bộ phận nhỏ nhưng không xử lý, nên phải tạm dừng thực hiện Điều 60. Thứ hai, chính sách BH thất nghiệp có mục đích giúp người lao động được quay trở lại học nghề, để quay trở lại thị trường lao động. Tuy nhiên, chính sách này lại bị lạm dụng, khi nhiều đối tượng đi nhận BH thất nghiệp xong, liền chuyển sang đơn vị khác làm.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết: Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH có 11 nội dung cải cách và đưa ra năm nhiệm vụ, giải pháp hết sức quan trọng. Đối với trách nhiệm của ngành, nếu thực hiện đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết đề ra thì công tác BHXH chắc chắn sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ và đạt được kết quả khả quan. Ngành BHXH đã ban hành chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết, trong đó có bốn điểm quan trọng. Quan trọng nhất là vấn đề sớm hoàn thiện chính sách theo định hướng Trung ương đề ra, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhưng phải có lộ trình phù hợp đặc điểm của từng thời kỳ, từng đối tượng. Theo đồng chí Đào Việt Ánh, lộ trình phải làm sao để tính khả thi cao, từng đối tượng phải có chính sách phù hợp: người nông dân khác, đối tượng NLĐ tự do khác, giải quyết được sự bất bình đẳng giữa các đối tượng. Rất nhiều vấn đề cần được cụ thể hóa từng bước trong thực hiện.

Thời gian tới, ngành BHXH sẽ tập trung tuyên truyền theo từng nhóm đối tượng cụ thể, tuyên truyền kết hợp với giải thích, tăng tính tương tác phản biện. Đồng thời, ngành sẽ tiếp tục phối hợp bộ, ngành liên quan triển khai các công tác này. Hiện nay, BHXH Việt Nam là một trong sáu đơn vị được Chính phủ giao xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, được giao trọng trách xây dựng dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, nhưng hệ thống này chỉ có thể vận hành tốt khi cả sáu cơ sở dữ liệu vận hành tốt, đồng bộ, khi đó mới giảm được thủ tục hành chính.

BHXH cũng kiến nghị các địa phương tiếp tục vào cuộc nhiều hơn từ chính sách BHYT, chính sách BHXH bắt buộc đến tự nguyện. BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Năm 2018, ngành BHXH đặt khẩu hiệu thi đua là “chuyên nghiệp, hiện đại, hướng tới sự hài lòng của người dân”, tất cả hoạt động của ngành đều hướng tới sự hài lòng của người dân, lấy người dân làm trung tâm. Phấn đấu đơn giản hóa thủ tục, quy trình, trên cơ sở tập trung cụ thể vào những khâu cần hoàn thiện, đánh giá thường xuyên hằng năm để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đỗ Văn Sinh cũng tán thành với những việc mà ngành BHXH đang làm; đồng thời đề nghị Chính phủ xem xét những vấn đề nào có thể triển khai sớm thì nên cho triển khai ngay. Theo đó, cần phát triển hệ thống an sinh xã hội bền vững, đồng bộ với phát triển kinh tế - xã hội. Đồng chí Đỗ Văn Sinh phân tích, hiện nay cả nước có khoảng bốn triệu hộ kinh doanh cá thể; Việt Nam có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, có chính sách chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, thì đương nhiên cả bốn triệu hộ này là đối tượng tham gia BHXH. “Chỉ cần 50% số đó chuyển đổi được, thì đồng nghĩa có khoảng hai triệu doanh nghiệp, đạt được mục tiêu phát triển doanh nghiệp. Mỗi hộ chuyển đổi thành doanh nghiệp có hai người, thì đồng nghĩa với việc có hai triệu người tham gia BHXH. Do vậy, Chính phủ cần phải triển khai mạnh mẽ việc thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Cùng với đó, dựa vào việc cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, các ngành cần khẩn trương liên thông dữ liệu. “Theo tôi, tất cả chủ trương trong Nghị quyết 28-NQ/TW rất đầy đủ, nếu triển khai đồng bộ, thì rõ ràng đây là những giải pháp tốt để đạt được mục tiêu đặt ra”, đồng chí Đỗ Văn Sinh khẳng định.

ANH THU

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/37570602-dong-bo-cac-giai-phap-thuc-hien-hieu-qua-nghi-quyet-28.html