Đóng BHXH tự nguyện một lần để hưởng lương hưu

Đến tháng 12-2018, bố tôi đến tuổi về hưu (60 tuổi) nhưng mới đóng BHXH được hơn 17 năm. Vậy bố tôi có thể tự đóng BHXH tự nguyện (theo phương thức đóng một lần cho những năm còn thiếu) để được nhận lương hưu không? Mức đóng được tính như thế nào?

NGUYỄN VŨ PHƯƠNG (TP Hồ Chí Minh)

Trả lời: Theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 87 Luật BHXH năm 2014; Khoản 1 Điều 9, Điều 10 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29-12-2015 của Chính phủ, người lao động đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng BHXH tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Bố của bạn có thể lựa chọn mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (hiện nay là 700.000 đồng) cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (1.390.000 đồng x 20 tháng = 27.800.000 đồng).

Tỷ lệ đóng bằng 22% mức thu nhập làm căn cứ đóng.

Mức đóng một lần cho những năm còn thiếu được tính bằng tổng mức đóng của các tháng còn thiếu, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng do BHXH công bố của năm trước liền kề với năm đóng.

BHXH bắt buộc đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Chính sách BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam được áp dụng đối với những trường hợp lao động trong những đơn vị nào? Có trường hợp nào được loại trừ không?Người lao động thuộc diện bắt buộc tham gia được hưởng những chế độ gì?

TRẦN THỊ THU PHƯƠNG (HƯNG YÊN)

Trả lời: Điều 2 Nghị định số 143/2018/NĐ-CP ngày 15-10-2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật BHXH và Luật An toàn, vệ sinh lao động về BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã quy định rõ các đối tượng áp dụng bao gồm:

1. Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ một năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.

2. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều này không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định tại Nghị định này khi thuộc một trong các trường hợp sau: a) Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 3-2-2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; b) Người lao động đã đủ tuổi về hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 187 của Bộ luật Lao động.

3. Người sử dụng lao động tham gia BHXH bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân được phép hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

4. Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài.

Điều 5 Nghị định số 143/2018/NĐ-CP quy định: Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định này thực hiện các chế độ BHXH bắt buộc sau đây: ốm đau; thai sản; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí và tử tuất.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-12-2018; các chế độ hưu trí, tử tuất có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/38069102-dong-bhxh-tu-nguyen-mot-lan-de-huong-luong-huu.html