Đồng bào vùng biên thoát nghèo nhờ chính sách đúng

Từ vùng đất hoang vu, giờ đây, các xã vùng biên huyện Thạnh Hóa (Long An) đã và đang phấn đấu về đích xây dựng nông thôn mới. Để có được kết quả trên là nhờ người dân đã phát huy hiệu quả vốn vay ưu đãi của ngân hàng chính sách (NHCS) trong việc xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế hộ gia đình.

Đàn dê sinh sản của ông Sáu (ngoài cùng bên trái) (Ảnh: Biện Cường)

Đàn dê sinh sản của ông Sáu (ngoài cùng bên trái) (Ảnh: Biện Cường)

Huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An là địa phương có hai xã Thuận Bình, Tân Hiệp giáp biên giới Campuchia, với đường biên dài gần 12 km. Địa hình chủ yếu là sông ngòi, kênh rạch nên điều kiện đi lại không thuận tiện nên đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Trước đây, vào vụ giáp hạt, người dân thiếu đói thường phải vay mượn để gối đầu chờ vào mùa vụ. Thực hiện chỉ đạo của chính phủ về việc cho các gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn trong đó ưu tiên cho đồng bào vùng biên giới, NHCS xã hội huyện Thạnh Hóa đã chủ động hướng dẫn người dân thực hiện trình tự thủ tục vay vốn phát triển sản xuất. Qua đó nhiều người dân đã tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này.

Mô hình trồng chanh không hạt của người dân xã Tân Hiệp (Ảnh: Biện Cường)

Ông Nguyễn Văn Sáu, ấp 4, xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An phấn khởi khi đàn dê nái 10 con của gia đình đã cho nguồn thu nhập. Mỗi năm, đàn dê sinh sản 2 lứa cho lợi nhuận hơn 50 triệu đồng. Ngoài ra, ông Sáu còn đầu tư hơn 1 tỷ đồng trồng 2,5 ha sầu riêng; 1,4 ha mít đi kèm hệ thống tưới nước tự động. Hiện tại, vườn cây ăn trái của ông Sáu đang kỳ phát triển tốt, hứa hẹn sau 1 năm nữa sẽ đơm hoa, kết trái. “Để có được cơ ngơi như hôm nay cũng là nhờ NHCS huyện Thạnh Hóa hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi hơn 100 trăm triệu trong lúc khó khăn. Từ đó, tôi đã vực dậy được kinh tế cho gia đình, các con được học hành đầy đủ, đã có công ăn việc làm”, ông Sáu chia sẻ. Còn gia đình ông Nguyễn Văn Tửu, ấp 1, xã Tân Hiệp vui mừng khi vườn chanh không hạt hơn 3 ha cho năng suất, giá cả lại đang lên cao. Vườn chanh của ông cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm. Năm nay, ông Tửu quyết định vay tiền NHCS để mở rộng đầu tư trồng thêm mít và bưởi.

Theo ông Lê Hữu Viên, nguyên Phó Chủ tịch hội nông dân xã Tân Hiệp, hiện nay xã có 8 tổ tiết kiệm vay vốn gần 400 hộ. Nhiều gia đình phát huy được nguồn vốn từ ngân hàng chính sách đã vươn lên có cuộc sống khá giả. Không chỉ trả hết nợ, có gia đình mở rộng mô hình chăn nuôi dê, bò, cá, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sắm đầy đủ vật dụng, tiện nghi trong nhà và mua ô tô để chạy.

Ông Trần Sỹ Hoài, giám đốc NHCS huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An cho biết: “Ngân hàng Chính sách có chương trình cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Theo đó, ngân hàng đã tập trung ưu tiên đầu tư cho 2 xã biên giới Tân Hiệp và Thuận Bình. Bên cạnh phối hợp với các hội, đoàn thể của hai xã khảo sát, đầu tư vốn, ngân hàng còn cử nhân viên kiểm tra việc người dân thực hiện đúng mục đích, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn. Ngân hàng còn phối hợp với Trạm thú y, Trạm khuyến nông, khuyến lâm của huyện Thạnh Hóa tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, chăn nuôi sản xuất cây trồng vật nuôi cho người dân. Ngoài ra, ngân hàng còn cho vay vốn người dân để kéo điện, nước sạch, xây nhà vệ sinh”.

Mô hình trồng lúa chất lượng cao của người dân xã Tân Hiệp (Ảnh: Biện Cường)

Giờ đây, Cuộc sống của nhân dân vùng biên huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An đã thực sự đổi thay, những ngôi nhà khang trang mọc lên, những con đường đất thay thế bằng những con đường bê tông với cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp báo hiệu một vùng biên đã chuyển mình vươn lên để cùng hòa nhập với những đô thị sầm uất. Việc tập trung đầu tư cho vùng biên phát triển kinh tế, xã hội của NHCS là một chiến lược đúng đắn, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh, xã hội, công tác quốc phòng an ninh ở vùng biên cũng được tăng cường giữ vững.

Biện Cường

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/dong-bao-vung-bien-thoat-ngheo-nho-chinh-sach-dung-110720.html