Đồng bào thiểu số K'ho ở Lâm Đồng thoát nghèo nhờ chuyển đổi cây trồng

Đồng bào dân tộc K'ho phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo nhờ đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào canh tác.

Xã N’Thol Hạ, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng có hơn 1.900 hộ, 8.000 khẩu, trong đó người đồng bào dân tộc K’ho chiếm hơn 80%. Nhờ chuyển biến mạnh mẽ nhận thức trong cách nghĩ cách làm, cộng với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ về mọi mặt của Đảng và Nhà nước, đời sống của người dân đã có nhiều khởi sắc.

Đồng bào dân tộc K'ho phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo nhờ đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào canh tác.

Đồng bào dân tộc K'ho phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo nhờ đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào canh tác.

Về thăm xã N’Thol Hạ, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng trong ngày đầu năm mới, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay của một vùng quê có phần lớn dân cư là người đồng bào dân tộc thiểu số K’ho này. Nhà cửa đã được xây dựng khang trang, sạch đẹp; điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng mới; đường xá thôn xóm đã bê tông hóa… cho thấy cuộc sống của người dân đã ấm no và sung túc.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang và đầy đủ tiện nghi, chị Ka Thiều, một người dân tộc thiểu số K’ho, ở thôn Yang Ly, xã N’Thol Hạ, chuyện Đức Trọng, cho biết 5 năm về trước gia đình mình còn thuộc diện hộ nghèo.

Từ đồng vốn vay chính sách, ngoài đầu tư tái canh 1,5ha cà phê già cỗi, gia đình còn mạnh dạn chuyển đổi diện tích lúa nước một vụ sang trồng dâu nuôi tằm và rau xanh các loại, đồng thời chịu khó học hỏi và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác nên thu nhập kinh tế từng bước được nâng lên. Giờ đây gia đình không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên trở thành hộ có thu nhập khá. Theo chị Ka Thiều, có được kết quả này là nhờ thay đổi nhận thức trong cách nghĩ, cách làm.

“Đời sống kinh tế của bà con ở đây đã phát triển hơn trước rất nhiều. Hiện hầy hết bà con đều chuyển ruộng một vụ sang trồng rau các loại, rồi trồng dâu nuôi tằm. Trồng dâu nuôi tằm thì đang phát triển lắm, nhiều hộ đã thoát được nghèo và làm giàu nhờ vào nó. Hồi trước gia đình mình cũng hộ nghèo, sau khi được nhà nước quan tâm giúp đỡ, cho vay vốn ngân hàng chính sách để gia đình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhờ đó gia đình thoát nghèo rồi cuộc sống từng bước phát triển đi lên”, chị Ka Thiều nói.

Từ chỗ sản xuất chuyên canh cây lúa và cà phê thì nay đa phần người dân ở xã N’Thol Hạ đã mạnh dạn đưa các loại vào canh tác.

Cụ thể, toàn xã hiện đã có 100ha dâu nuôi tằm, gần 1.200ha rau, hơn 60ha hoa, 65 ha cây ăn quả… trong số này có gần 400ha diện tích sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, với 36ha sản xuất trong nhà kính – nhà lưới, 340ha ứng dụng hệ thống tưới tự động ngoài trời. Nhờ đó, giá trị sản xuất bình quân trên mỗi ha của xã N’Thol Hạ đã đạt 153 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng/năm. Nếu 10 năm về trước, xã N’Thol Hạ có đến 62% hộ nghèo, thì nay tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,8%.

Chứng kiến sự đổi thay tích cực, đời sống kinh tế không ngừng phát triển đi lên của và con trong buôn làng, già làng K’Breo, ở thôn Đoàn Kết, xã N’Thol Hạ vui mừng cho hay, tư tưởng trông chờ ỷ lại tồn tại bao đời nay đã thật sự được loại bỏ ra khỏi trong từng căn nhà, bếp lửa. Nhà nào cũng có ý thức tiến bộ, đều nỗ lực lao động sản xuất, cố gắng vươn lên để xây dựng cuộc sống giàu có, văn minh.

Thành quả này nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đầu tư về mọi mặt, nhất tăng cường tập huấn cách làm ăn, phát động và cổ vũ người dân tham gia tích cực phong trào xây dựng nông thôn mới, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, xây dựng nếp sống mới ở khu dân cư… đã tạo điều kiện phát huy tốt khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng chung tay xây dựng buôn làng phát triển.

“Ngoài sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đầu tư về mọi mặt, tư tưởng trông chờ ỷ lại của bà con nay đã không còn. Giờ đây bà con đã biết trồng dâu nuôi tằm, biết chịu khó làm ăn, kinh tế đã phát triển tốt lắm. Mình là già làng thấy thế rất mừng, luôn tiếp tục vận động bà con là bản thân mình phải cố gắng chịu khó làm ăn, không ỷ lại trông chờ vào người khác, tức là phải tự giác tự làm để đời sống khá rồi thì sẽ khá lên nữa”, già làng K’Breo cho hay.

Không chỉ kinh tế phát triển, các chỉ tiêu về y tế, văn hóa, giáo dục của N’Thol Hạ cũng đạt kết quả khá cao, và là xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2016.

Theo ông Lê Bá Dương, Phó Chủ tịch UBND xã N’Thol Hạ, vấn đề phát triển sản xuất, đảm bảo đầu ra nông sản, ổn định và nâng cao mức thu nhập bền vững cho người dân luôn là điều mà chính quyền địa phương hướng đến. Vì vậy, ngoài vận động người dân tích cực tăng gia sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị các loại nông sản, việc tìm kiếm đối tác để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người dân luôn được xã quan tâm hàng đầu.

“Trong thời gian qua, chúng tôi đã tăng cường vận động bà con chuyển đổi ruộng lúa một vụ hoặc những vườn cà phê cằn cỗi sang trồng để sang trồng rau-hoa, trồng dâu nuôi tằm thì cơ bản đã đạt hiệu quả. Trong thời gian tới chúng tôi tích cực thực hiện việc này để làm sao đó nâng thu nhập bình quân đầu người ngày càng cao hơn. Phương hướng của xã trong thời gian tới là làm sao đó với bà con trồng rau hoa theo hướng nông nghiệp công nghệ cao thì liên kết được HTX hoặc các công ty để làm sao có đầy ra tiêu thụ sản phẩm này”, ông Lê Bá Dương cho biết.

Xuất phát điểm là một xã khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Đức Trọng, nhưng nhờ sự chuyển biến nhận thức trong cách nghĩ cách làm, N’Thol Hạ không chỉ thoát khỏi cảnh đón nghèo mà còn vươn lên xây dựng cuộc sống đầy đủ và sung túc./.

Quang Sáng/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/dong-bao-thieu-so-kho-o-lam-dong-thoat-ngheo-nho-chuyen-doi-cay-trong-864098.vov