Đồng bào dân tộc thiểu số vững tâm làm kinh tế

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương cùng sự nỗ lực tự vươn lên của mình, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến rõ nét.

Phụ nữ dân tộc K’ho tại khu Lá Ủ, xã Phú Bình (H.Tân Phú) học nghề may để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh:H. Thảo

Phụ nữ dân tộc K’ho tại khu Lá Ủ, xã Phú Bình (H.Tân Phú) học nghề may để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh:H. Thảo

Đặc biệt, ngày càng xuất hiện nhiều điểm sáng, nhiều gương điển hình đồng bào dân tộc thiểu số trong làm ăn kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa.

* Vượt khó làm ăn kinh tế giỏi

Ông Sín Quốc Hoa (dân tộc Hoa) cùng gia đình về ấp Gia Ui, xã Xuân Tâm (H.Xuân Lộc) lập nghiệp từ năm 1987. Thời điểm ấy, thấy nơi đây có đất rộng người thưa, thích hợp để trồng cây công nghiệp nên gia đình ông chăm chỉ khai phá để trồng các cây công nghiệp như: cà phê, hồ tiêu, điều...

Nhiều năm đầu, vì chưa nắm rõ kỹ thuật chăm sóc nên cây trồng cho năng suất rất thấp. Bên cạnh đó, giá cả nông sản lại bấp bênh khiến kinh tế gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Hoa chia sẻ, với quyết tâm vượt khó làm giàu trên chính mảnh đất mình đang sống, ông tích cực tìm hiểu và tham gia các lớp tập huấn khuyến nông do huyện, xã tổ chức và chủ động tìm kiếm, học hỏi các mô hình sản xuất hay, hiệu quả ở địa phương. Ngoài ra, ông còn năng động áp dụng cải tiến kỹ thuật trong sản xuất. Dần dà, vườn cây trái của ông đã cho năng suất cao và ổn định hơn.

Không dừng ở đó, ông Hoa tiếp tục tích góp vốn liếng và mở rộng sản xuất. Đến nay, gia đình ông đã có 7ha đất trồng các loại cây trồng chủ lực gồm cà phê, tiêu và điều. Mỗi năm mang về thu nhập cho ông 350-400 triệu đồng. Với nguồn thu nhập ổn định, đời sống vật chất và tinh thần của gia đình ông ngày một nâng cao. Gia đình ông nhiều năm liền đạt danh hiệu Gia đình văn hóa.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, thời gian qua, đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy tốt vai trò cầu nối giữa chính quyền và nhân dân. Tại nhiều địa phương, người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thể hiện rõ được vai trò, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các phong trào tương thân tương ái, giúp đỡ đồng bào khó khăn. Năm 2019, người có uy tín trên địa bàn tỉnh đã vận động được số tiền hơn 700 triệu đồng để xây dựng nhà ở, trao quà, học bổng cho học sinh nghèo.

Cũng xuất phát điểm với kinh tế gia đình rất khó khăn, song nhờ chăm chỉ, chịu khó lại biết tính toán, ông Thạch Vương (dân tộc Khmer, xã Suối Cát, H.Xuân Lộc) không những thoát nghèo mà còn trở thành một điển hình làm ăn kinh tế giỏi trong đồng bào.

Ông Vương chia sẻ, tài sản của ông thời mới bắt đầu lập nghiệp chỉ vỏn vẹn chưa tới 2 sào đất, chuyên trồng bắp và mì. Thu nhập hằng năm rất ít và không ổn định khiến cuộc sống khá khó khăn.

“Biết được việc áp dụng máy móc sẽ cho năng suất và hiệu quả cao hơn, tôi cố gắng dành dụm mua 2 chiếc máy cày để vừa phục vụ cho sản xuất, vừa làm thuê. Tiếp đó, tôi mua thêm 2 mẫu đất, 2 máy gặt để làm ăn. Tôi còn thuê thêm 2 mẫu đất để tăng gia sản xuất” - ông Vương kể.

Chính nhờ sự chăm chỉ, mạnh dạn của ông đã giúp kinh tế gia đình ngày càng ổn định, vững vàng. Đến nay, mỗi năm ông đã có thu nhập khoảng từ 200-300 triệu đồng. Vào mùa vụ, ông còn tạo thêm nhiều việc làm thời vụ cho bà con tại địa phương. Ông trở thành một hộ khá giả, được người dân tin tưởng ở vai trò người uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer nơi đây. “Ban đầu làm việc gì cũng sẽ khó khăn, nhưng nếu biết chăm chỉ, cố gắng, mạnh dạn thì dần dần cũng sẽ ổn định, vươn lên. Không những thoát nghèo mà còn sẽ khá giả dần” - ông Thạch Vương chia sẻ.

Là một trong những cặp vợ chồng người dân tộc thiểu số khá “nổi tiếng” tại xã Bảo Quang, TP.Long Khánh, chị Thị Tuyền (dân tộc Chơro) cùng chồng mình là anh Ưng Cún Tắc luôn nỗ lực trong phát triển kinh tế và xây dựng gia đình hạnh phúc. Bằng sự chịu khó, nhanh nhạy của mình, vợ chồng chị Thị Tuyền chọn phát triển kinh tế bằng cách tổ chức thu mua nông sản (chủ yếu là trái cây) cho bà con trong xã, sau đó bỏ mối cho tiểu thương tại các chợ đầu mối. Công việc tuy vất vả nhưng bằng sự đồng lòng của cả hai vợ chồng, thời gian qua, gia đình nhỏ của chị không những có nguồn thu nhập ổn định mà còn giúp được cho bà con trong xã giải quyết đầu ra của mặt hàng trái cây.
Bên cạnh đó, với cương vị Chủ tịch Hội LHPN xã Bảo Quang (xã có đông bà con dân tộc Chơro sinh sống), chị Thị Tuyền luôn là tấm gương đi đầu trong các hoạt động phong trào của Hội Phụ nữ cũng như địa phương. Chị cũng tích cực thành lập mới và duy trì nhiều mô hình tập hợp hội viên hiệu quả giúp đỡ chị em phát triển kinh tế gia đình và xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc.

* Tích cực đóng góp xây dựng quê hương

Không chỉ xuất hiện ngày càng nhiều điển hình trong làm ăn kinh tế, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh còn tích cực đóng góp xây dựng các phong trào tại địa phương.

Chia sẻ về tấm gương ông Sín Quốc Hoa nói riêng cũng như đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn xã nói chung, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Tâm Phan Văn Hải đánh giá: “Đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã ngày càng có ý thức vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Đồng thời, luôn đoàn kết, tích cực đóng góp xây dựng trong các phong trào địa phương, nhất là nông thôn mới tại địa phương”.

Trong đó, riêng bản thân ông Hoa, với những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế, cùng tinh thần luôn gương mẫu đi đầu, sống gần gũi với bà con nên được tín nhiệm bầu chọn là người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc Hoa tại địa phương. Từ đó, vận động, tuyên truyền tới bà con các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tích cực đóng góp và vận động bà con cùng tham gia xây dựng đường điện, đường giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, các tuyến đường chính của ấp Gia Ui đều đã được bê tông hóa sạch đẹp, khang trang. Hệ thống chiếu sáng các tuyến đường trong ấp được lắp đặt, điện lưới quốc gia đã được kéo đến từng thửa vườn rẫy, đáp ứng đủ nguồn điện phát triển sản xuất, sinh hoạt, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Trong khi đó, cũng nhờ là gương sáng trong làm ăn kinh tế và lối sống gương mẫu, ông Thạch Vương được bầu chọn là người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Suối Cát. Ông Thạch Vương cho biết: “Thời gian qua, đồng bào dân tộc thiểu số đã tích cực xây dựng nông thôn mới. Kết quả của xây dựng nông thôn mới lại tác động tích cực đến đời sống của bà con, giúp đời sống cải thiện về mọi mặt”.

Bà Lâm Kim Dung, người uy tín dân tộc thiểu số tại P.Xuân Bình (TP.Long Khánh) cho hay, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn đã tích cực liên kết với nhau làm ăn kinh tế, phát huy hiệu quả các mô hình như: trồng bưởi, trồng mít..., tích cực áp dụng cải tiến kỹ thuật vào sản xuất nên cho hiệu quả năng suất cao hơn. Không chỉ ổn định cuộc sống, nhiều người đã mạnh dạn đầu tư làm ăn, trở thành những hộ rất khá giả.

“Những hộ này, sau đó cũng tích cực hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào mình làm ăn như hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật. Với các phong trào xây dựng nông thôn mới nói riêng và các phong trào khác, khi được chính quyền địa phương tuyên truyền vận động, bà con đồng bào dân tộc thiểu số đã tích cực hưởng ứng và đồng thuận tham gia. Nhiều người đã chủ động đóng góp tiền của, hiến đất làm đường” - bà Dung nhấn mạnh.

Hồ Thảo

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202005/dong-bao-dan-toc-thieu-so-vung-tam-lam-kinh-te-3005312/